“Đối với công việc, phải tận tụy” - Xin được mượn một trong 6 điều Bác dạy đối với Công an nhân dân để mở đầu cho bài viết tấm gương sáng về sự tận tụy của Bác trong công việc. Thiết nghĩ không phải tự nhiên mà Bác đã răn dạy như vậy. Trọn cuộc đời Bác vì nước, vì dân, trải qua bao nhiêu gian nan, khổ cực, đúc rút nhiều kinh nghiệm trong công việc để chúng ta có được những bài học vô giá như hôm nay.

Trong công việc, Bác là tấm gương gác tình riêng trong nghĩa lớn.

Bận rộn với việc dân, việc nước mà dường như Bác quên việc lập gia đình riêng cho mình.

 Năm 1959, Giô-Han-na Gô-vốt-tơ-rôn­­­­­­­­­­­­­­­ (Vợ Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Đức) và mấy chị em người Đức được Bác mời thăm Nhà sàn. Tại chân cầu thang lên nhà, nhìn về phía ao cá và những khóm cây xanh, tươi cười Bác bảo:

- Đây là cơ ngơi của tôi đấy! Nào ta lên nhà.

Trong câu chuyện thân tình, Bà Giô-han-na hỏi Bác:

- Thưa ngài, sao ngài không lập gia đình?

Bác cười bảo:

- Cô à! Tôi không còn thì giờ mà nghĩ đến chuyện riêng nữa. Tôi phải sống vì dân tộc. Cả đất nước Việt Nam này là gia đình tôi. Và trong bức thư gửi đến Bác sỹ Vũ Đình Tụng - Giám đốc Sở Y tế Bắc Bộ, khi biết tin con trai bác sỹ hy sinh (1.1947): “Thưa ngài! Tôi đươc báo cáo rằng con trai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên hình như tôi mất một đoạn ruột …”. Những câu chuyện nhỏ, những lời nói nhẹ nhàng, những tâm sự chân tình nhưng chứa đựng một tấm lòng, một tình thương bao la rộng lớn của Bác. Một sự hy sinh cao cả, gác tình riêng lo việc nước. Tấm gương soi gác tình riêng lo nghĩa lớn của Bác còn được nhìn rõ ở những câu chuyện sau.

Năm 1946, bà Nguyễn Thị Thanh là chị gái Bác từ quê nhà Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An ra thăm Bác tại Bắc Bộ phủ sau hơn 40 năm xa cách. Đồng chí Vũ Đình Huỳnh là Bí thư riêng cho Bác kể lại:

“Tôi lên tầng hai, Bác đang bàn bạc với anh Võ Nguyên Giáp, anh Hoàng Hữu Nam, anh Hoàng Minh Giám về việc bọn Lư Hán, Tiêu Văn đòi được gặp Hồ Chủ tịch. Tôi đến bàn thưa với Bác: “Cô Thanh ở Nghệ An ra thăm Bác. Cháu đã đón cô vào phòng khách”. Lúc đó Bác đặt cây bút chì đỏ xuống bàn, hai tay níu chặt cái bàn nhỏ … chỉ giây lát Bác dặn tôi:

- Bốn chục năm rồi bây giờ chị em mới có dịp gặp lại, tôi nhớ chị tôi. Nhưng phải nén nhịn. Tôi gặp chị tôi ngay bây giờ e có điều bất lợi cho công việc chung. Chú Huỳnh xuống gặp chị tôi, chú nói cách nào đó để chị tôi thông cảm được tình thế ngặt nghèo này. Rồi chú đưa chị tôi về nhà Chú Đặng. Gia đình chú Đặng với gia đình tôi vốn có tình thân thiết từ lâu ở Nghệ An. Chị tôi ở đó thân thuộc như ở nhà. Tôi sẽ về đó, chị em gặp nhau sẽ hàn huyên được nhiều. Tôi trở lại phòng khách, cụ Thanh nhìn ra cửa sổ có ý chờ Bác. Tôi rót nước mời cụ và thưa chuyện với cụ. Ban đầu cụ có vẻ dỗi … nhưng tôi đã giải thích:

- Thưa cụ! Được tin cụ ra thăm, Bác mừng đến chảy nước mắt, muốn chạy xuống ngay gặp cụ, nhưng Bác đã níu tay vào bàn để nén lại …Vì hiện giờ chính quyền cách mạng còn trứng nước, thù trong giặc ngoài như kiến cỏ. Chúng đang cố tìm ra tung tích Hồ Chí Minh có đúng là Nguyễn Ái Quốc không ? Vì lẽ đó mà …Tôi nói chưa hết, cụ Thanh đã đặt bàn tay vào cánh tay tôi, mắt ngấn lệ …

- À! Tôi hiểu rồi. Vì việc lớn, đã vì nghĩa lớn mà bấy lâu nay xa cách, gác lại tình riêng… thôi, ông đưa tôi về nhà ông Đặng đi …”. Năm 1950,  khi biết tin anh trai mất, bận việc nước, Bác không thể về dự lễ tang anh được, đành gửi về bức điện chia buồn với bà con dòng tộc:

"Gửi họ Nguyễn Sinh

Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.

Ngày 09 tháng 11 năm 1950

Hồ Chí Minh

Hy sinh tất thảy, vì nghĩa lớn Bác không màng tình riêng, Bác còn là gương sáng về lòng tận tụy thể hiện ở phong cách làm việc của Bác.

Trong những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, phong cách làm việc của người được thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hàng ngày trên cương vị là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước.

Có thể nói: Nét nổi bật trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người.

Theo lời kể của thư ký của Bác, một ngày làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ rất sớm: “Khi Đài tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya”. Trong một ngày, Người giải quyết rất nhiều công việc từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư ... với sự phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã giúp Người tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Người tiết kiệm và sử dụng thời gian một cách hợp lý tối đa cho công việc, Người thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Làm việc với ngành nào, địa phương nào, Người cho mời các đồng chí phụ trách trực tiếp vấn đề đó đến họp bàn ngay, rất cụ thể và thiết thực, vừa tiết kiệm được thời gian. Người thường nhắc cán bộ phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian. Người tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút cho công việc. Là người có nhiều thời gian sống gần Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định:“Theo tôi biết... thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ Bảy ở Phủ Chủ tịch cùng với bao con cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác và một số cơ quan gần bên. Có khi, trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước người hoặc Đại sứ các nước anh em”.

Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, hiếm khi để bất cứ ai phải đợi mình, đã hẹn là đến, đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Người đã chờ sẵn, hẹn cán bộ, quần chúng nào, dù khó khăn đến mấy cũng đến và đến đúng giờ.

Bác đã đi xa gần 48 năm rồi, nhưng lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi soi đường cho chúng ta đi tới tương lai tươi sáng. Hơn lúc nào hết, đất nước ta đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có lòng tận tụy với công việc, một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển.
Hòa chung với không khí đó, là những cán bộ làm việc tại Khu Di tích Kim Liên - Khu Di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần người về thăm quê, luôn noi gương về lòng tận tụy của Bác, hết mình vì công việc để xứng đáng với những nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó./.

                                                                              Phan Quý
                                                           Phòng Tuyên truyền giáo dục

Theo http://www.khuditichkimlien.gov.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: