“Bác rất tiết kiệm vì nước ta còn nghèo. Nhưng tôi nghĩ, hai mươi năm sau, khi nước ta đã giàu lên rồi và Bác còn ở với chúng ta, tôi dám chắc rằng Bác vẫn tiết kiệm như bây giờ. Theo tôi hiểu, Bác tiết kiệm vì Bác không nỡ phụ người, không đành phụ của. Bác tiết kiệm không phải chỉ vì lý do kinh tế, mà chính là tại lòng nhân”.

Phạm Văn Đồng

Tiết kiệm không phải là vấn đề mới!

Một trong những đức tính quý báu, truyền thống của ông cha ta là cần kiệm. Biết bao những câu ca dao, tục ngữ từ lâu đời còn để lại: "Ăn lấy đặc, mặc lấy bền", "Làm dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn", "Buôn tàu, bán bè, không bằng ăn dè tiêu xẻn"…

7. tiet kiem can nhung tam guong 1
Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất.

Nhưng không phải chỉ có dân tộc chúng ta mới biết cần kiệm, mà loài người từ lâu cũng đã tìm thấy bài học khôn ngoan ấy ngay trong cuộc sống của mình. Biết bao những câu danh ngôn đã được truyền tụng: “Nếu bạn muốn giàu có, thì chẳng những học cách làm ra tiền mà còn phải biết cách sử dụng đồng tiền” (Fran Klin), “Tôi muốn trong mỗi gia đình cũng như trong mỗi quốc gia, nguồn phong phú nhất của lòng nhân đức, đó chính là sự tiết kiệm” (Cie - Ron), “Lười nhác và hoang phí, đó là hai cái vực thẳm”, nhà văn Victo Hugo đã nói thế. Còn vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thì nói: “Những phương tiện để một dân tộc trở thành hạnh phúc và cường thịnh là sự lương thiện, khéo léo và tiết kiệm”.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói ngay đến vấn đề tiết kiệm trong đời sống của dân tộc. Và Người đã nêu một tấm gương tiết kiệm cho cả nước. Trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam chúng ta khi nghĩ đến Bác, là chúng ta nhớ ngay đến bộ quần áo kaki bạc màu, đôi dép cao su đen giản dị và ngôi nhà sàn nhỏ bé giữa một vườn cây. Nói đến tiết kiệm, chúng ta cũng nhớ đến rất nhiều các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước ở gần Bác, không chỉ học tập, kế tục đường lối cách mạng của Người mà còn noi gương Bác trong nếp sống cần kiệm, giản dị. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều những câu chuyện về đời sống giản dị, tiết kiệm của Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh…

Khi nói đến tiết kiệm là một quốc sách, chúng ta cũng không khỏi đau lòng khi thấy còn rất nhiều cán bộ, đảng viên sống xa hoa, lãng phí, phô trương, xa rời đời sống của nhân dân. Hàng nhiều tỷ đồng cho những chiếc xe con quá mức sang trọng, cần thiết. Những công sở xây dựng quá lớn với thừa thãi tiện nghi, trong khi đó trẻ em còn thiếu trường học, bệnh viện vẫn hai, ba thậm chí tới chục người một giường. Những lễ hội, khai trương, động thổ quá nhiều cán bộ lãnh đạo được mời. Rồi những chuyến đi nước ngoài tốn kém, không cần thiết. Những việc cưới, việc tang xa hoa, khoe của hoặc vụ lợi của những con cái cán bộ có chức, có quyền, những lễ hội thương mại hoá… khiến nhân dân bức xúc… Nhiều quan chức thích “hoành tráng”, thích hình thức phô trương tổ chức những lễ hội sử thi, những lễ kỷ niệm tốn kém, vì tiền bỏ ra không phải của họ, mà của ngân sách.

Chúng ta luôn nhớ, mỗi khi nói đến ngân sách là Bác Hồ luôn nhắc đến “mồ hôi, nước mắt của nhân dân”. Lãng phí thường gắn liền với quan liêu, tham nhũng. Vì quan liêu mà lãng phí, vì quan liêu mà để xảy ra tham nhũng. Đã có nhiều người vì lãng phí, quan liêu và tham nhũng mà bị kỷ luật, thậm chí phải vào tù, thân bại danh liệt!

Nước ta là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng thấp trên thế giới. Hàng triệu nông dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, còn bị thiếu thốn, còn thiếu trường học, trạm y tế phục vụ đời sống đồng bào. Thế nhưng ở nhiều nơi, nhân dân vẫn nhìn thấy những công sở xây quá lớn, thừa thãi tiện nghi, và chính những công sở ấy, những tiện nghi ấy, đã làm chúng ta xa rời nhân dân.

Chúng ta thường nói, tiết kiệm phải là nếp sống hằng ngày của mỗi người dân. Trong cơn bão giá này, những bà nội trợ vì đời sống của mình, vì đồng lương của mình có hạn, đã phải tiết kiệm tiêu dùng từng đồng để đủ sống và nuôi con ăn học… Nhưng vấn đề quan trọng trong tiết kiệm chính là ở những chi tiêu công, những việc dùng đến ngân sách Nhà nước.

Có người nói, thực hiện tiết kiệm với nhân dân thì dễ vì họ phải liệu cơm gắp mắm, nhưng vấn đề là cơ quan Nhà nước. Những người có chức, quyền có thể tiết kiệm hàng tỷ, hàng nghìn tỷ, nếu như không có sự “tặc lưỡi” hoặc cả nể, hoặc lý do nào đó để đưa ra các quyết định.

Một vị lãnh đạo mặt trận nói, cách đây chưa lâu khi ông sang Ấn Độ và được một Thống đốc bang tiếp. Trụ sở của bang này không to bằng trụ sở một huyện của ta. Ở ta, một huyện miền núi nghèo, nhưng bộ bàn ghế dùng cho Chủ tịch huyện ngồi cũng có giá đến mấy chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Bác Hồ đã có lần nói với các cán bộ ngoại giao: Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chứ không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Các cô, các chú đi công tác nước ngoài càng phải chú ý điều này. Vì hoàn cảnh ở nước ngoài thường dễ làm cho mình sinh ra hoang phí, tham ô, hủ hóa, thậm chí sa ngã, mất cả tư cách của người cách mạng.

7. tiet kiem can nhung tam guong 2
Sáng kiến trong lao động sản xuất là góp phần tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: Internet.

Có những người khách nước ngoài đến thăm ta đã nói, các bạn xài sang quá! Những mặt hàng hiệu nổi tiếng nước ngoài đều có mặt ở Việt Nam: Nước hoa, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, hàng nội thất… Những bộ veston, dây lưng, ví da giá hàng nghìn đô la. Rồi những siêu xe của thế giới cũng nhanh chóng có mặt ở Việt Nam, một nước nghèo như nước ta.

Ở Nhật, Đức, người ta giáo dục cho học sinh từ nhỏ là: “Mọi nguồn tài nguyên đều có giới hạn” do đó con người phải biết tiêu dùng hợp lý, phải biết tiết kiệm. Những nước này, thậm chí đầu bút chì gần hết còn được nối vào thân bút bi để dùng cho hết.

Một lần đến thăm Trường Sỹ quan Lục quân tại Việt Bắc, Bác Hồ đã nói với các cán bộ ta:

“Có hai thứ đạo đức. Đạo đức cũ của phong kiến và đạo đức mới, đạo đức của người cách mạng. Các chú coi: Bọn phong kiến xưa cũng nêu cần kiệm liêm chính, nhưng chúng không đời nào làm. Chúng nêu ra cần kiệm liêm chính là để bắt nhân dân tuân theo, phục vụ quyền lợi của chúng. Còn ngày nay ta đề ra cần kiệm liêm chính thì cán bộ phải gương mẫu thực hiện cho nhân dân noi theo. Để làm gì? Để làm cho ích nước lợi dân”.

Đã nhiều lần chúng ta hô hào tiết kiệm và cũng có đề ra một số quy định nào đó, nhưng rồi đâu lại vào đó, chưa có những chuyển biến thực sự. Mặc dù chúng ta cũng đã có cả Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, kỷ luật chưa nghiêm minh nên việc lãng phí vẫn tiếp tục xảy ra. Chúng ta chưa thực sự giáo dục được ý thức tiết kiệm cho các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà nước. Và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta cũng chưa thật sự nêu gương! 

Ngày xưa, trong thời phong kiến, Nguyên phi Ỷ Lan đã nói với nhà vua: “Nhà vua cần nêu gương. Dân chúng làm theo nhà vua còn nhanh hơn pháp luật”.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Muốn nói đầy đủ về tấm gương này của Bác phải là những cuốn sách lớn. Nhưng chỉ xin kể vài câu chuyện nhỏ:

Một lần, sống và hoạt động cách mạng ở Pháp, Bác đã đến thăm nhà đồng chí Tô-Rê, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. Bà mẹ đồng chí Tô-Rê mời Bác ở lại ăn cơm. Trong bữa ăn, Bác đã lấy một tờ báo cũ, vun những vụn bánh mỳ trên bàn ăn lại và nói để lát nữa cho chim ăn.

Khi Bác về, bà mẹ nói với Tô-Rê:                                        

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc này là một con người rất đáng kính trọng. Không phải là một con người đã qua gian khổ thì không thể có những cử chỉ tiết kiệm như vậy.

Đồng chí Phạm Văn Đồng kể:

“Nhân nói đến cháo bẹ, tôi phải kể một câu chuyện ít ai biết. Trước khi trở về Cao Bằng, có một thời gian Bác và chúng tôi phải ở bên kia biên giới. Bấy giờ Bác có nhiều tiền, hai xếp giấy bạc như hai cuốn từ điển và Bác giao cho tôi giữ. Tôi phải mặc một cái áo trong với hai cái túi to để giữ hai xếp bạc đó. Nghĩa là lúc đó chúng tôi có nhiều tiền, nhưng bữa cơm hằng ngày vẫn là cháo bẹ và nói thật không đủ no”.

Đồng chí Phạm Văn Đồng kể tiếp:

“Theo tôi biết, trong đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, thật sự không có ngày nghỉ, ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc nghiêm ngặt, mà Bác gương mẫu thực hiện đúng”.

Một cán bộ lãnh đạo đến cuộc họp chậm, thưa với Bác là đến chậm 5 phút. Bác nói: “Chú phải nhân 5 phút đó với mấy trăm người đang ngồi chờ chú ở đây mới đúng!”.

Và cuối đời, Bản Di chúc thiêng liêng của một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng cũng được viết trên những tờ giấy đã in một mặt của bản tin Thông tấn xã Việt Nam.

Có thể nói, suốt đời Bác là sự nêu gương về tiết kiệm, chống lãng phí!

Ngay đến công việc viết báo, Bác cũng tiết kiệm từng câu chữ, không viết dài dòng. Đây là một bài báo vừa đúng 100 chữ của Bác, với cái tên cũng thật ngắn gọn:

Tết

“Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.

Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui xuân mừng Tết với:

Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận,

Những gia quyến các chiến sĩ,

Những đồng bào nghèo nàn,

Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập".

Ngày 21 tháng 1 năm 1946
         Hồ Chí Minh

*

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, điều quan trọng là phải làm theo tấm gương của Người. Bác đã dạy chúng ta:

"Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành 4 điều đó, mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời!".

Bác còn nói:

"Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối… Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính…".

Bác Hồ còn nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Sống giản dị, tiết kiệm là lối sống Hồ Chí Minh, là đạo đức Hồ Chí Minh!

Tiết kiệm là sự khôn ngoan của loài người. Và muốn tiết kiệm cần phải có những tấm gương của những cán bộ lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, của các bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các địa phương, những người đứng đầu cơ quan. Trong gia đình, cần có những tấm gương tiết kiệm của ông bà, cha mẹ. Trong trường học, cần có những tấm gương tiết kiệm của các thầy, cô giáo. 

Tiết kiệm cần những tấm gương!

Những tấm gương ấy sẽ có sức lan toả những điều tốt đẹp ra cả xã hội.

Trong bài báo “Cần kiệm” in trên Báo Nhân Dân ngày 15 tháng 11 năm 1959, cuối bài Bác Hồ đã viết hai câu thơ:

“Chúng ta phải Kiệm phải Cần
Thì Nước mới mạnh, thì Dân mới giàu!”

Theo Bùi Công Bính

Báo Nam Định online

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: