Niềm mong ước vỡ òa

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, có truyền thống và tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời, nơi con sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp quanh năm. Bà tôi kể, từ những năm 1945-1963, 18 năm vỡ đê liên tục, phù sa bồi tụ khiến vùng đất Văn Giang, Hưng Yên quê tôi cao lên rõ rệt, tạo thành một vùng sản xuất “nửa chiêm nửa mùa”. Người dân địa phương phải xoay sở trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tập quán canh tác. Tuổi thơ ấu gắn liền với những triền đê, bờ lúa, cùng lũ trẻ trâu hàng xóm đã vun đắp cho tôi tình yêu bao la với thiên nhiên, cây cỏ. Thời phổ thông đi học, thời gian cầm liềm, cầm cuốc nhiều hơn thời gian cầm bút. Sau những giờ lên lớp, tôi phụ giúp gia đình những công việc đồng áng.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi chọn thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và đã trúng tuyển. Bốn năm sinh viên với bao hoài bão, khát vọng, mong ước khi ra trường tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, sở trường và cũng là niềm đam mê vô tận. Và rồi niềm mong ước vỡ òa khi tôi trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức vào công tác tại Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau một thời gian công tác, cùng với sự cố gắng nỗ lực phấn đấu, tôi được bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng Đội ươm cây Phú Thượng (nay là Đội sản xuất cây hoa Phú Thượng), nơi bảo đảm cung ứng cây hoa, cây cảnh, cây đào, cây quất trang trí tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.

Thử thách lớn đầu đời

Nhận nhiệm vụ mới, mang theo lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong được cống hiến, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung của đơn vị, tôi hăng say, hồ hởi và miệt mài cùng đồng chí Phạm Phương Mai (khi đó là Đội trưởng) xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, tổ chức sản xuất khoa học, bám sát yêu cầu nhiệm vụ và quy trình kỹ thuật. Công việc đang thuận lợi thì thiên tai ập tới gây thiệt hại vô cùng to lớn.

Đêm ngày 30/10/2008, miền Bắc hứng chịu đợt mưa trái vụ kỷ lục (lớn nhất trong hơn 100 năm qua). Những trận mưa nặng hạt diễn ra trong nhiều ngày, vượt quá dự báo gây ra trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Chỉ trong hai ngày, tổng lượng mưa trung bình trút xuống Hà Nội phổ biến từ 400 - 550mm, có nơi tới 914mm (Thanh Oai, Hà Nội). Đội ươm cây Phú Thượng nằm trong khu đô thị Ciputra còn đang xây dựng dang dở, hệ thống hạ tầng thoát nước chưa hoàn thiện, do đó chỉ trong một đêm, toàn bộ diện tích gieo trồng của Đội đã chìm sâu trong nước.

Lam 2

Lam 1
Đợt mưa trái vụ kỷ lục năm 2008 (lớn nhất trong hơn 100 năm qua)

Vì thiên tai bất ngờ nên công tác chuẩn bị và ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, trước mắt, Ban Chỉ huy Đội chúng tôi xin chủ trương của lãnh đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình và tổ chức họp khẩn cùng các tổ trưởng sản xuất lên kế hoạch cứu cây. Toàn bộ cây hoa thời vụ được nhổ khỏi vườn, chuyển lên vị trí cao hơn với hy vọng “còn nước còn tát” (nhà kho, hội trường, phòng làm việc, nhà nghỉ tạm công nhân… trở thành nơi tập kết tạm cây giống).

9h45 ngày 01/11/2008, mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước từ các nơi đổ về dâng cao liên tục. Tình hình mỗi lúc một nguy cấp, chỉ huy đội chúng tôi tiếp tục bàn bạc, thống nhất huy động 100% nhân lực toàn đội làm ngoài giờ để chuyển xong cây giống hoa thời vụ vào nhà kho và hành lang hội trường.

Do đơn vị bị cô lập hoàn toàn, nước sinh hoạt không có, đồng chí Nguyễn Thị Hương (nguyên Đội trưởng) đã phải đi thuyền tiếp tế nước uống và mỳ tôm. Bữa trưa ngày 01/11/2008 của chúng tôi là những gói mỳ tôm “không người lái”. Sau bữa trưa chớp nhoáng, không ai bảo ai, mọi người lại ra vườn với một ý nguyện chuyển hết được cây hoa thời vụ lên chỗ cao tránh bị úng ngập theo phương châm ưu tiên những chỗ ngập sâu, những loại cây chịu úng kém. Đến 13h50 nước tiếp tục dâng cao, ngập dần nấm bầu trồng quất. Ban đầu chúng tôi tính phương án be bờ xung quanh bằng bao tải đất rồi dung máy bơm hút nước ra, xong cũng chỉ cầm cự được đến 16h cùng ngày vì nước quá lớn. Toàn bộ vườn lúc này đã chìm sâu trong biển nước.

Lam 3
Trận mưa lớn đã khiến cả vườn cây chìm trong biển nước

Nỗ lực không ngừng

Trời đã nhá nhem tối, toàn bộ anh em công nhân cũng đã thấm mệt sau một ngày gồng mình đối phó với nước lụt. Nhưng khi mọi việc còn dang dở, nhiều nội dung phải xử lý ngay vì để qua đêm cây sẽ hỏng, khi đó toàn Đội tự động viên, cắt cử thay phiên nhau ứng trực, khắc phục hậu quả. Toàn bộ nam giới đêm đó đã ở lại và thức trắng đêm để khắc phục.

Tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, những trận mưa như trút nước ập xuống liên tục. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo mưa nặng hạt còn diễn ra trong 3-4 ngày tiếp theo. Nước dồn từ các nơi về, mỗi lúc một dâng cao và chưa có dấu hiệu rút do diễn ra mưa trên diện rộng. Các hồ chứa trên toàn thành phố đã quá tải, hệ thống trạm bơm Yên Sở đã hoạt động hết công suất.

Đúng như dự báo, 4 ngày tiếp sau đó trời tiếp tục mưa và đến ngày 05/11 mới có dấu hiệu giảm. Chúng tôi đã mất trọn vẹn 5 ngày liên tục vật lộn với trận hồng thủy năm đó.

Công việc sau lũ bề bộn, ngổn ngang. Một mặt nước rút đến đâu triển khai “làm đất tối thiểu” đến đó để kịp thời trồng lại cây bảo đảm tỉ lệ sống và mùa vụ, mặt khác phải quan tâm đặc biệt đến vườn đào, vườn quất do bộ rễ non bị thối vì ngâm trong nước lâu ngày.

Ban chỉ huy đội đã triệu tập một cuộc họp đột xuất, lấy ý kiến và bàn bạc phương án phục hồi cây hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng nặng sau mưa lụt. Năm đó, tôi đã mạnh dạn đề xuất: Với vườn đào, vườn quất, cần khẩn trương tiến hành nạo vét rãnh thoát nước, bổ sung tăng cường phân bón qua lá (Growmore), chất kích thích sinh trưởng (Antonik) và các loại phân bón dễ tiêu, kích thích ra rễ. Đối với hoa thời vụ, công việc đầu tiên là triển khai phun thuốc phòng bệnh cho cây do bộ lá bị dập nát. Cây con trồng lại sau 1 tuần bén rễ mới tiến hành phun phân bón lá và dinh dưỡng dễ tiêu giúp cây mau chóng hồi xanh và phát triển trở lại.

Thành quả cũng đã đến sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể đơn vị. Vườn đào, vườn quất đã sinh trưởng, phát triển trở lại, hoa thời vụ cơ bản khắc phục được số lượng, chủng loại theo kế hoạch. Cuối năm đó, đơn vị đáp ứng được rất nhiều đào, quất và hoa thời vụ phục vụ trang trí Tết nguyên đán, chất lượng cây bảo đảm và không hề thua kém các năm trước.

Lam 4

Lam 5
Vườn quất đã sinh trưởng, phát triển trở lại phục vụ trang trí Tết

Mười năm trôi qua, đến nay đơn vị đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sân vườn được quy hoạch lại, cốt nền được nâng cao. Nhà lưới, nhà mái che, các trang thiết bị được đầu tư để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Về phần tôi, những kỷ niệm năm đó như vẫn còn vẹn nguyên, đó cũng là thử thách đầu đời trong sự nghiệp. Mỗi khi nhớ về trận lụt năm đó, tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động, điều đọng lại trong tôi là tình đồng chí, đồng nghiệp, bài học về lòng kiên trì không bỏ cuộc, sự cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn trước thiên tai. Cũng qua đó tôi mới hiểu rõ hơn về niềm vinh dự, tự hào được làm việc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về niềm tin và những tình cảm sâu sắc mà cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan luôn một chí một lòng hướng về với Bác./.

Hoàng Xuân Lam, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp

Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình

Tác phẩm đạt giải Ba Cuộc thi viết Kỷ niệm sâu sắc 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: