Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/7/2019, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tổ chức Hội thảo “Nhiệm vụ giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình từ năm 1975 đến nay”. 

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng; lãnh đạo Ban, Trưởng, phó các Phòng, Đội, kỹ thuật viên và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Đặc biệt, Hội thảo lần này có sự tham gia của hơn 20 đại biểu đại diện cho các cơ quan: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ; Viện Thổ nhưỡng Nông hóa; Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh; Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội; Hội sinh vật cảnh Hà Nội và các nhà khoa học, nghệ nhân về lĩnh vực cây hoa, cây cảnh.

hoi thao quang truong 4
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình
phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo đã có gần 10 bài tham luận được trình bày đều nhấn mạnh và khẳng định rõ những kết quả mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã làm được trong công tác giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường thời gian qua. Đó là, ngoài việc hoàn thiện hệ thống cây theo thiết kế ban đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban luôn nỗ lực cố gắng tìm tòi, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường, các nhà khoa học và nghệ nhân về lĩnh vực cây hoa, cây cảnh tìm ra biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp đối với từng loại cây trồng qua đó đã góp phần bảo đảm cảnh quan, môi trường cho khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ luôn khang trang, sạch, đẹp, là điểm nhấn tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, giữ được vẻ đẹp vốn có của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình từ khi khánh thành và đi vào hoạt động cho đến nay; đồng thời, các ý kiến tập trung trao đổi về những vấn đề như: Cơ sở khoa học để giữ gìn, tôn tạo cây xanh khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác duy trì, chăm sóc cây hoa, cây cảnh như việc đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học trong công tác duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh tại khu vực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nhiệm vụ, việc sử dụng giá thể, phân hữu cơ vi sinh cho hoa, cây cảnh và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động trong thời gian tới v.v…

hoi thao quang truong 5

hoi thao quang truong 6
Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo.

hoi thao quang truong 1
Các đại biểu dự Hội thảo trao đổi về cảnh quan khu vực Lăng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, sự phối hợp chặt chẽ của các học viện, nhà trường không chỉ tại buổi Hội thảo này mà trong cả quá trình 44 năm tổ chức triển khai nhiệm vụ của Ban. Sự đóng góp đó chính là cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn giúp Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cũng chính nhờ có những ý kiến đóng góp qua nhiều lần tôn tạo mà cảnh quan môi trường khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình vẫn giữ nguyên được thiết kế ban đầu, bảo đảm tính kỹ thuật, mỹ thuật, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những, chất lượng vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình từng bước được nâng lên, cây hoa, cây cảnh sinh trưởng phát triển tốt, bốn mùa xanh tươi. 

Thấm thoát đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, 44 năm ngày mở cửa Lăng đón khách, ngày nối ngày trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân từ mọi miền đất nước, bè bạn quốc tế lại được về bên Người và cảnh quan nơi đây đã thực sự tạo được dấu ấn trong lòng mọi người mỗi khi về Lăng viếng Bác, tham quan khu vực./.  

Dương Thúy Hà, Ngọc Hà

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: