Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969,
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.
Ngày 23-7-2019, tại Hà Nội, thực hiện Kế hoạch tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo công tác đón tiếp, tuyên truyền. Hơn 200 đại biểu tới tham dự Hội thảo và tham gia phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng khái quát lại một số nét chính của Hội thảo:
Mở đầu Hội thảo, đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo đề dẫn, trong đó gợi ý một số nội dung chính mà Hội thảo tập trung thảo luận là: 1- Đánh giá, khẳng định và làm sâu sắc thêm về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đón tiếp, tuyên truyền; 2- Đề xuất những nội dung, hình thức mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp tuyên truyền; 3- Nêu những kiến nghị và đề xuất các giải pháp với Ban Quản lý Lăng, với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương có liên quan về công tác đón tiếp tuyên truyền để góp phần ngày càng lan tỏa sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến nhân dân và bạn bè quốc tế. Có 22 tham luận gửi đến Hội thảo và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề:
Đánh giá về kết quả thực hiện công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong đón tiếp, tuyên truyền cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình
Nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã khẳng định: Công tác đón tiếp, tuyên truyền nhân dân và khách quốc tế trong gần 45 năm qua kể từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tốt đẹp, phát huy được ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng; trong đó, đáng chú ý là các tham luận: “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng” của đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Lập, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; “Công tác phối hợp, đón tiếp tuyên truyền và phục vụ đồng bào và khách quốc tế tham quan Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình” của đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; “Công tác phối hợp với Ban Quản lý Lăng trong việc đón tiếp, phục vụ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng các địa phương về Lăng viếng Bác” của đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh; “Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học viên đào tạo sỹ quan” của đồng chí Thiếu tướng Trần Quang Trung, Chính ủy Trường sỹ quan Chính trị; “Hiệu quả từ hoạt động sinh hoạt chính trị tại Lăng, Khu Di tích K9 trong công tác tuyên truyền, giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, nhân viên Ngân hàng Công thương Việt Nam” của đồng chí Trần Kiên Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Theo đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Lập: “Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là hoạt động giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, cá nhân bồi đắp tình cảm, nhân cách, đạo đức theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Những hình thức khác nhau được tổ chức trước Lăng Bác như: Tổ chức Lễ viếng cấp Nhà nước nhân các ngày lễ trọng đại; tổ chức đón các đoàn Nguyên thủ Quốc gia; lễ báo công, lễ kết nạp Đảng viên, lễ kết nạp Đoàn viên, lễ kết nạp Đội viên, lễ ký kết giao ước thi đua, lễ tuyên thệ, lễ rước đuốc, lễ xuất quân, lễ khai giảng năm học mới, gặp mặt truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đồng diễn thể dục, lễ đặt hoa trước ngày cưới... Đặc biệt, từ năm 2001, việc tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết hình ảnh Tổ quốc với lãnh tụ, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền đã trực tiếp góp phần to lớn tuyên truyền sâu rộng về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nhằm vào chế độ xã hội chủ nghĩa và hình ảnh lãnh tụ.”
Bàn về công tác phối hợp, đón tiếp tuyên truyền trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, đồng chí Nguyễn Văn Công cho rằng các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã phối hợp tổ chức, đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo an toàn các buổi lễ viếng cấp Nhà nước, các đoàn Nguyên thủ quốc gia, nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đồng chí cũng nêu lên những con số cụ thể đạt được của công tác đón tiếp, tuyên truyền đã thực hiện. Đó là từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón hơn 80 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 15 triệu lượt khách; tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1975 đến nay đã đón hơn 58 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 10 triệu lượt khách và tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày mở cửa (năm 1990) đã đón gần 35 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 6 triệu lượt. Đó là những con số biết nói, thể hiện sự cống hiến, làm việc thầm lặng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sỹ, người lao động của các cơ quan đã nỗ lực thực hiện và để lại những ấn tượng sâu sắc trong đồng bào và khách quốc tế.
Hàng năm, nhân dịp khai giảng năm học mới hoặc tổ chức lễ tốt nghiệp cho học viên ra trường, các học viện, nhà trường trong Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tổ chức cho học viên hứa quyết tâm và báo cáo thành tích với Bác Hồ. Các hoạt động đó có ý nghĩa giáo dục rất lớn, bồi đắp cho học viên sĩ quan động cơ phấn đấu, rèn luyện để trở thành những sĩ quan trong Quân đội. Thiếu tướng Trần Quang Trung, Chính ủy Trường sỹ quan Chính trị nhấn mạnh: “Bằng các chương trình hoạt động, tham quan, học tập, nghiên cứu đó, cán bộ, học viên được trực quan sinh động, tận mắt trông thấy Người, được tri giác, tư duy, bồi đắp truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lòng thành kính với Bác kính yêu, bổ sung kiến thức chưa đầy đủ khi học tập, nghiên cứu tại nhà trường, được trải nghiệm, đối chiếu, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó thực sự trở thành địa chỉ đỏ, địa điểm học tập thực tiễn hấp dẫn, hiệu quả thiết thực mà các hình thức giáo dục đào tạo trong nhà trường khó có thể thay thế được. Nhiều suy ngẫm, nghiên cứu, lưu giữ đa phương tiện đã trở thành tư liệu quý theo suốt hành trang, định hướng cuộc đời binh nghiệp của cán bộ, học viên sĩ quan”.
Cùng quan điểm về hiệu quả và ý nghĩa của công tác phối hợp đón tiếp, tuyên truyền đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng của các địa phương khi ra thăm Thủ đô Hà Nội và về Lăng viếng Bác, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh và đồng chí Lê Thị Niềm, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đều khẳng định: Được về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, từ thương binh, gia đình liệt sỹ đến Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Mọi người khi về bên Bác đều thể hiện sự xúc động đặc biệt, bởi đã thực hiện được ước mong lớn nhất trong đời là được gặp Bác, được tận mắt nhìn thấy Bác đang yên giấc vĩnh hằng trong lòng dân tộc. Điều đó tiếp thêm niềm tin, động lực để mỗi người vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là với đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Còn đối với Tổng Công ty May 10, đơn vị vinh dự được đón Bác về thăm ngày 08-01-1959, đã có nhiều hoạt động thiết thực để học tập và thực hiện lời Bác dạy đối với cán bộ, công nhân Tổng Công ty. Năm 1979, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Bác Hồ về thăm, Ban chấp hành Đảng uỷ Xí nghiệp May 10 đã họp và ra nghị quyết lấy ngày mồng 8 tháng Giêng là ngày truyền thống của đơn vị và hàng năm nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch thì sẽ tổ chức một đoàn cán bộ công nhân tiêu biểu đến Lăng viếng Bác và báo công với Bác. Liên tục từ đó đến nay - đã 40 năm - cứ vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm, đoàn cán bộ công nhân tiêu biểu lại về Lăng Bác để báo cáo với Bác những kết quả đạt được sau một năm đoàn kết phấn đấu. Đặc biệt năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, Tổng Công ty May 10 đã cử 580 đại biểu xuất sắc đi báo công với Bác. Không chỉ báo công, May 10 còn tổ chức kết nạp Đảng viên mới, tham quan báo cáo thành tích học tập của các lớp Cán bộ quản lý và của các cháu học sinh giỏi…tại Lăng Bác. Được báo công và được tặng huy hiệu Bác Hồ là niềm tự hào của mỗi đại biểu May 10 khi được vào Lăng viếng Bác, báo cáo lên Bác những thành tích mà cán bộ, công nhân của Tổng Công ty đạt được trong năm.
Một số kiến nghị, giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp tuyên truyền trong thời gian tới
Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo, được thể hiện ở một số tham luận tiêu biểu như: “Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” của Đại tá Phạm Văn Thiện, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng; bài tham luận của đồng chí Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Truyền thống và lịch sử; đồng chí Hà Xuân Thiêm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ….
Theo Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền: “Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thu hút đông đảo nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hoá, để Lăng Bác thực sự là trung tâm chính trị, văn hoá của Thủ đô Hà Nội và của cả nước; nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và người nước ngoài, người Việt Nam ở xa Tổ quốc được về thăm, viếng Bác; tổ chức kết nối công tác tuyên truyền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Khu di tích, lưu niệm về Người ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao sự hiểu biết của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo Trung tướng cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngành Lao động, Thương binh, Xã hội và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, quan tâm, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, nhất là các địa phương phía Nam, miền núi, nơi điều kiện đi lại khó khăn được về Lăng viếng Bác.
Tham luận của đồng chí Đại tá Phạm Văn Thiện, nhấn mạnh: Thường xuyên bám sát, xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về các định hướng chiến lược và những vấn đề lớn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, lãnh đạo, chỉ huy và cấp ủy các cấp trong Ban đối với công tác đón tiếp, tuyên truyền; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành ở Trung ương, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước, bè bạn quốc tế đối với mọi hoạt động tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích K9. Quan tâm nghiên cứu đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chính sách, chế độ đặc thù cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ thực hiện công tác đón tiếp, tuyên truyền.
Cùng bàn về nội dung trên, theo đồng chí Hà Xuân Thiêm, để tiếp tục phát huy giá trị to lớn của Công trình Lăng, Khu Di tích K9 và hệ thống các khu di tích, khu lưu niệm, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thì Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đề ra một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giới thiệu, quảng bá về những giá trị lịch sử to lớn của Lăng Hồ Chủ tịch và Khu Di tích K9 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục động viên, khích lệ các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học tổ chức lễ dâng hương, báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích K9 vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đơn vị, địa phương, đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc định hướng nội dung hoạt động và quản lý nghiệp vụ đối với hệ thống các khu di tích, khu lưu niệm, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phát huy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương.
Là những đơn vị có những nét tương đồng trong thực hiện nhiệm vụ, đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ nhân dân tới tham quan, thăm viếng và giáo dục truyền thống, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An và Thạc sỹ Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho rằng cần nâng cao chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên truyền, bởi công tác thuyết minh là chiếc cầu nối giữa khách tham quan với di tích, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Bác Hồ về thăm quê. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh thường xuyên được quan tâm, để "nói đúng, đủ, rõ, hay", tạo ấn tượng tốt đẹp cho mỗi lần khách về thăm quê hương Bác. Không những thế thuyết minh viên phải là một nhà sư phạm, đội ngũ thuyết minh thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong làm việc tận tình, tận tâm, phục vụ một cách chu đáo, thuyết minh không chỉ một bài rập khuôn mà thuyết minh phù hợp theo từng đối tượng khách tạo sự hấp dẫn, không nhàm chán, cũng như truyền tải được nội dung phù hợp cho khách tham quan.
Nhằm kết nối các địa điểm di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Trọng Hòa, Phó Trường phòng Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất tổ chức các tour kết nối các điểm di tích có giá trị với trung tâm là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kết nối Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích K9… hoặc các tour kết nối Khu Di tích K9 Đá Chông với một số điểm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa trong quần thể Vườn quốc gia Ba Vì và Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sau khi nêu lên thực trạng và một số bất cập hiện nay trong công tác đón tiếp, tuyên truyền đã đề xuất cần tiếp tục chỉnh trang hệ thống cảnh quan môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đồng bào trong nước và khách quốc tế về tham quan Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Cụm Di tích cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng bãi đỗ xe ngầm và công trình vệ sinh ngầm phục vụ khách tham quan và tiếp tục hoàn thiện nâng cấp hệ thống sân, hè, đường, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm tra, giám sát an ninh, hệ thống thông tin liên lạc v.v.. nhằm tạo một môi trường cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hợp lý, trang nghiêm mà thân thiện, ấn tượng đối với mỗi đồng bào và khách quốc tế khi có dịp về Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình nằm ở Khu trung tâm chính trị - văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, nơi từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở nên gần gũi và thiêng liêng, ghi lại dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu một thời đại mới của dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, để nhiều năm qua trở thành nơi hội tụ niềm tin, hồn thiêng sông núi, nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào cả nước và bạn bè năm châu. Nội dung tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo của các đại biểu đã tiếp tục khẳng định phải tiến hành đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác đón tiếp, tuyên truyền, tiếp tục phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Bác, như kết luận của đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm khẳng định: “Vinh dự, tự hào là những cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giấc ngủ của Người, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền với phương châm “tận tụy, chu đáo, văn minh, lịch sự”, nhằm xây dựng Cụm Di tích Ba Đình trở thành Cụm công trình lịch sử, văn hóa đặc biệt về Bác tại trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, góp phần phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công trình của “Lòng dân - ý Đảng”./.
Trần Duy Hưng, Huy Công