Đồng chí Đại tá, bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Châu
Đại tá, bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Châu - người quân nhân trải qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 32 năm gắn bó với Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng, phong cách mẫu mực, luôn gắn bó, say mê nhiệt huyết với nhiệm vụ được giao.
Gặp ông vào một ngày tháng Ba, được trò chuyện với ông, tôi lại thêm ngưỡng mộ, trân trọng những đóng góp của ông với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người quân nhân đi qua ba cuộc chiến tranh
Xuất thân từ gia đình, quê hương Hà Tĩnh có truyền thống cách mạng, với thân hình nhỏ bé, nhưng năm 1951 thanh niên Nguyễn Văn Châu vẫn quyết tâm làm đơn xin gia nhập vào Quân đội.
Trải qua thời gian huấn luyện, rèn luyện thử thách trong quân ngũ, thanh niên Nguyễn Văn Châu trưởng thành nhiều mặt. Năm 1952, ông được điều động về Đại đoàn 351, Trung đoàn 675, Tiểu đoàn 83, Đại đội 1 tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp. Chia sẻ về những năm tháng trong quân ngũ, ông Châu kể lại: “Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, khó khăn gian khổ, thiếu thốn mọi thứ, với những cuộc hành quân bộ xuyên rừng mang theo vũ khí, lương thực thực phẩm không biết mệt, nhất là tham gia các Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi một trận đánh là một cuộc chiến gian nan, ác liệt, có lắm sự hy sinh mất mát. Tôi đã chứng kiến nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, kiên trung của đồng chí, đồng đội, có những đồng chí đã hy sinh. Càng đau lòng, tôi và đồng đội lại càng cố gắng, nỗ lực, vượt qua sự gian khổ của chiến tranh để giành lại cho được hòa bình, độc lập của dân tộc”.
Trong chiến đấu, ông luôn gắn bó, chia sẽ cùng đồng đội anh dũng, kiên cường trên mặt trận, giành nhiều thành tích xuất sắc. Năm 1954, người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Văn Châu được Bộ Chỉ huy Mặt trận tặng thưởng Bằng khen.
Sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý mến, ông được điều động về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đây là niềm vinh dự, cơ hội lớn để ông học tập văn hóa.
Ông kể rằng trước khi nhập ngũ ông không biết chữ, nhưng một niềm vinh dự lớn là được cấp trên tạo điều kiện cử đi học Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn, nên đi học là phải học từ đầu, từng chữ cái một. Không dễ dàng nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, say mê học tập, ông đã hoàn thành các cấp học. Hơn thế, ông đã thi đỗ đại học với 24 điểm, vượt điểm đi học nước ngoài 2 điểm, ông tiếp tục được cử sang Liên Xô học tại Học viện Kyrốp ở Lêningrat. Học được 2 năm, tất cả lưu học sinh Việt Nam hồi đó buộc phải về nước, do chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô lúc bấy giờ. Trở về nước không từ bỏ quyết tâm học tập, ông lại ôn thi, nỗ lực tiếp tục thi đỗ vào học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp với kết quả cao, cuối năm 1967, ông được điều động về Học viện Quân y công tác.
Niềm vinh dự lớn được gắn bó với nhiệm vụ bên Bác Hồ kính yêu
Giữa năm 1968, ông được cấp trên điều động về Viện Quân y 108 nhận nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Thời điểm này, Tổ Y tế đặc biệt được thành lập, gồm các đồng chí: Phó Giáo sư, Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Gia Quyền (Tổ trưởng); Đại úy, bác sỹ Lê Ngọc Mẫn; Thượng úy, bác sỹ Lê Điều; Thiếu úy, bác sỹ Nguyễn Văn Châu; Y sỹ Đỗ Trung Hát và Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Ảm là các tổ viên. Thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, mỗi người đều thể hiện vai trò trách nhiệm cao, say mê nghiên cứu, làm thực nghiệm cả ngày lẫn đêm trong phòng thí nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bác sỹ Nguyễn Văn Châu kể rằng: Cả cuộc đời không bao giờ quên buổi sáng ngày 02/9/1969, Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng, trong niềm thương tiếc vô hạn, thực hiện lệnh của cấp trên, Tổ Y tế đặc biệt bước vào thực hiện nhiệm vụ. Phó Giáo sư, Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Gia Quyền; Thiếu úy, bác sỹ Nguyễn Văn Châu; y sỹ Đỗ Trung Hát trong Tổ Y tế đặc biệt được phân công làm nhiệm vụ đầu tiên, lên một chiếc xe hồng thập tự mang biển số FH1468 do đồng chí Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trực tiếp chỉ huy đi vào Phủ Chủ tịch. Cả ba đồng chí nén đau thương để làm thật tốt nhiệm vụ. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chính xác đến từng thao tác nghiệp vụ rất nhỏ, đón Bác lên chiếc xe hồng thập tự để đi về Viện Quân y 108. Thời điểm này, đất nước đang chiến tranh nên điều kiện vật chất còn rất thiếu thốn. Tổ Y tế đặc biệt phải chuẩn bị sẵn ba tảng nước đá lớn để đặt cáng lên trên, vì xe không có điều hòa nhiệt độ. Bác sỹ Nguyễn Văn Châu không ngờ rằng, lần đầu tiên được gặp Bác lại là lần đau thương đến tột độ.
Đồng chí Đại tá, bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Châu (thứ 5 từ phải sang)
cùng các đồng nghiệp tại buổi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng
Kể từ ngày đó trở đi, phần lớn cuộc đời bác sỹ Nguyễn Văn Châu cùng với các đồng nghiệp trong Tổ Y tế đặc biệt đã gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bác sỹ Nguyễn Văn Châu cùng với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ vô cùng gian khó, nhất là trong 6 lần di chuyển thi hài Bác lên K9 (K84) và từ K9 trở về Hà Nội phải làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện các khâu các bước tỷ mỉ, cẩn thận bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.
Trong suốt 32 năm qua, được Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy Viện 69 thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thử thách, phân công đảm nhiệm công việc thiêng liêng kính cẩn, thận trọng bên Bác Hồ kính yêu. Thể hiện vai trò trách nhiệm cao của người cán bộ, với đạo đức trong sáng, mẫu mực, trung thực, thẳng thắn, ông luôn tận tình, trách nhiệm, làm việc sâu sát, khoa học, miệng nói tay làm, nhất là trong nghiên cứu khoa học và làm thực nghiệm: Chủ trì đề tài cấp Bộ Quốc phòng được Hội đồng khoa học của Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá kết quả xuất xắc, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho Chủ nhiệm đề tài. Tham gia thành viên nghiên cứu khoa học đề tài cấp Nhà nước; đồng thời tích cực tham gia cùng với đồng nghiệp các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và một số báo cáo khoa học về chuyên môn. Chủ trì tổng kết 30 năm nghiên cứu thực nghiệm phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong làm thực nghiệm, ông đều xắn tay vào làm say mê, nhiệt huyết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, viết thành tài liệu lý luận để bồi dưỡng, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên trong Viện 69 thực hiện.
Nhớ lại những năm tháng gắn bó với công việc, ông kể rằng: Với ông, những việc chuẩn bị trang phục cho Bác, được chải tóc của Bác… Tất cả đều vô cùng cao cả và thiêng liêng. Mỗi giây, mỗi phút bên Bác đều là những giây phút mà cả cuộc đời ông trân trọng, quý giá vô cùng.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện 69, tuy ông không được đào tạo bài bản về công tác đảng, công tác chính trị, nhưng luôn giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc các chế độ, nề nếp. Trải qua 18 năm giữ chức Bí thư Đảng ủy, ông luôn luôn là hạt nhân đoàn kết, thống nhất cùng với Đảng ủy, Chỉ huy Viện 69 xây dựng Đảng bộ Viện 69 trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tấm gương sáng lan tỏa giữa đời thường
Trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lan tỏa những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó bác sỹ Nguyễn Văn Châu đã thể hiện sâu sắc phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị, vui vẻ lạc quan; có cách sống chừng mực, điều độ, yêu quý mọi người, không tham vọng danh lợi; suốt cuộc đời với tâm nguyện trung hiếu bên Bác, buổi làm thuốc cuối cùng trước lúc nghỉ hưu, ông đã làm Lễ tạ ơn Bác Hồ:
Hơn nữa thế kỷ trong quân ngũ
Trãi qua ba cuộc chiến tranh giữ nước
Ba mươi hai năm được gần Bác kính yêu
Là niềm vinh dự của đời con
Nay con xin dâng nén tâm hương
Tạ ơn Bác đã cho con lẽ sống
Từ hôm nay con được trở về làm người dân hưu trí
Nguyện suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân
Nếu có việc nào đâu đó chưa làm tròn trách nhiệm
Cầu xin Bác lượng thứ cho con
Muôn vàn con đội ơn Đảng, ơn Bác Hồ vô cùng.
Trải qua ba cuộc kháng chiến, 51 năm tuổi quân, hơn 60 năm tuổi Đảng và 32 năm công tác tại Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá, bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Châu đã có nhiều thành tích, cống hiến, được Đảng, Nhà nước, Quân đội và đơn vị trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Gia đình ông là gia đình quân nhân mẫu mực, có vợ, con trai, con dâu đều là quân nhân. Cả ba thế hệ sống trong 43 mét vuông nhà được đơn vị cấp. Tuy tuổi cao, sức yếu, bệnh tật nhưng ông luôn lạc quan, vui vẻ, không đắn do, suy bì, là tấm gương học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông thường xuyên giáo dục con cháu học tập, công tác tốt, sống có tình có nghĩa, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, thủy chung, hạnh phúc.
Chia tay ông, tôi lại nhớ lời chia sẻ của ông: Những gì liên quan đến Bác đều thiêng liêng, đều được tôi và các đồng nghiệp trân trọng giữ gìn cẩn thận. Quãng thời gian được tham gia nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác mãi mãi là ký ức vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng, là niềm vinh dự tự hào trong trái tim của tôi./.
Đại tá Đặng Đình Bình