Đó là những cảm xúc của mỗi đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Huấn luyện, Đoàn cơ sở H85, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tham gia chương trình giao lưu văn nghệ và nghe nói chuyện về cuộc sống của những chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.
Đón chúng tôi ở cổng đơn vị, Thượng úy Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đoàn cơ sở H85 cho biết: Hội trường của Trung tâm không còn một chỗ trống khi Ban Chấp hành Đoàn cơ sở thông báo nội dung chương trình của buổi sinh hoạt đoàn hôm nay. Anh em đang rất háo hức và chờ đợi khi được biết “vị khách đặc biệt” sẽ đem đến những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống của những chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa.
Thượng úy Lê Đức Mạnh
Sau các tiết mục văn nghệ sôi động với sự biểu diễn hồn nhiên, nhiệt tình của những “tân binh”, những tràng pháo tay không dứt của hội trường nổi lên khi người dẫn chương trình giới thiệu “vị khách đặc biệt”. Xuất hiện trên sân khấu là một sĩ quan trẻ, ánh mắt sau cặp kính trắng không dấu nổi sự xúc động trước những tình cảm của các chiến sĩ trẻ. “Vị khách đặc biệt”, đó là Thượng úy Lê Đức Mạnh, bác sĩ của Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã có nhiều năm công tác tại Quân chủng Hải quân và gắn bó với quần đảo Trường Sa.
Với chất giọng trầm ấm, Thượng úy Lê Đức Mạnh bắt đầu câu chuyện của mình bằng lời giới thiệu về bản thân: Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh được điều động về công tác tại Viện Y học Hải quân và vinh dự hơn khi được Quân chủng phân công ra làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một trong những đảo thuộc cụm đảo phía Bắc trong quần đảo Trường Sa, cách đất liền hơn 400 hải lý. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2011, Mạnh trở về đất liền và rất vinh dự khi được trên điều động về công tác tại Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những kỷ niệm đẹp cứ ùa về qua từng câu chuyện kể của Thượng úy Lê Đức Mạnh, phản ánh cuộc sống của những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa biển trời mênh mông, hình ảnh của làng quê Việt Nam như gần gũi thêm qua mái chùa Sinh Tồn với tiếng chuông chùa văng vẳng mỗi buổi hoàng hôn, hay tiếng ru con ầu ơ dưới những mái nhà của các hộ dân sinh sống trên đảo. Hình ảnh đàn gà, đàn vịt và những chú chó dễ thương mà anh em chiến sĩ trên đảo dành dụm từng hạt cơm để nuôi hay những chậu rau được che chắn, chăm chút cẩn thận được Mạnh giới thiệu là thành quả lao động cật lực của anh em trên đảo chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt của biển cả. Tuy đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo chịu nhiều áp lực, nhất là khí hậu khắc nghiệt nhưng được sự động viên của đất liền và nhất là tình cảm của anh em trên đảo nên tất cả đều vượt qua. Có những kỷ niệm sâu sắc mà Mạnh cũng chia sẻ với anh em, đó là mỗi khi các cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhận được tin gia đình có việc thì tất cả đều tới thăm hỏi, động viên; và khi đồng chí nào có giỗ cha hoặc mẹ thì anh em đều tự nguyện góp cân gạo, quả bí, con gà…. để góp giỗ. Đó là sự sẻ chia, động viên thiết thực nhất mà không có thứ gì mua được. Hay những đoàn văn công tới biểu diễn trên đảo thực sự là ngày hội đối với anh em chiến sĩ. Có những lúc biển động, không vào được đảo, các nghệ sỹ vừa khóc vừa hát tặng cán bộ, chiến sĩ qua máy bộ đàm. Đó chính là những kỷ niệm ấn tượng và sâu sắc nhất trong cuộc đời của mỗi chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Tuy khó khăn gian khổ là thế, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ vẫn đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều những kỷ niệm, những khó khăn gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được Thượng úy Lê Đức Mạnh chia sẻ trong buổi giao lưu.
Thời gian của buổi giao lưu đã trôi qua hơn 2 giờ đồng hồ nhưng mọi người như cảm thấy quá ngắn bởi những câu chuyện mà Thượng úy Lê Đức Mạnh mang tới từ chính sự trải nghiệm của mình nên thật sinh động và nhiều cảm xúc. Tranh thủ lúc kết thúc buổi giao lưu, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với các chiến sĩ trẻ về suy nghĩ của đồng chí như thế nào sau buổi nói chuyện. Binh nhì Trần Hữu Quế, Trung đội 1, quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết: “Em rất tiếc vì thời gian của buổi tối giao lưu đã hết, muốn được tìm hiểu nhiều hơn bởi qua câu chuyện mà anh Mạnh kể về cuộc sống sinh hoạt, huấn luyện, học tập của các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn giúp cho em hiểu thêm về các chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi, đồng thời thấy rằng, so với các bạn cùng trang lứa đang công tác ngoài đó, thì mình quá hạnh phúc khi công tác trên đất liền và đặc biệt là được công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, em tự thấy mình phải tích cực học tập, huấn luyện để thi đua với các chiến sĩ ngoài đảo xa”. Còn đối với Binh nhì Nguyễn Xuân Trường, Trung đội 3 thì cho biết: “Khi bước vào quân ngũ, em thấy công việc huấn luyện ở đơn vị vất vả quá, nhiều lúc bản thân thấy không thể vượt qua. Nhưng hôm nay, qua câu chuyện mà anh Mạnh vừa kể, em thấy tự xấu hổ với những suy nghĩ của mình vì những khó khăn vừa qua đối với em chưa là gì so với những khó khăn, gian khổ mà bạn bè cùng trang lứa làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa đang phải đối mặt. Em thấy, buổi giao lưu này thật là ý nghĩa và qua đây em tin là các chiến sĩ mới sẽ có thêm động lực để học tập, huấn luyện và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt khóa huấn luyện này”.
Chúng tôi mượn lời phát biểu của Thượng tá Nguyễn Thanh Huống, Chính ủy Đoàn H85 phát biểu tại đêm giao lưu để thay cho lời kết: “…Mỗi thanh niên Việt Nam đều tự hào khi được đóng góp sức của mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vinh dự là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bên Lăng Bác, chúng ta cùng thi đua với các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, quyết tâm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Duy Hưng