“Những việc làm nhỏ ấy tôi và gia đình luôn mong muốn để tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu”. Đó là câu mà ông Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, Chủ tịch Hội đá cảnh, gỗ lũa và tranh tượng dân gian thành phố Hà Nội đã nói với tôi khi tôi đề nghị được viết bài về những đóng góp của ông trong việc tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, ông Mỹ đã 6 lần đóng góp vào việc trang trí tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Mỹ
Bước sang tuổi 83, mái tóc đã bạc trắng như cước nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh nhanh và giọng nói nghe vẫn sang sảng. Đặc biệt là khi nói về đá, ông có thể ngồi nói hàng giờ say sưa không biết mệt mỏi và người nghe cũng không cảm thấy chán.
Ở độ tuổi bát tuần, với nhiều người đây là tuổi nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng với ông Mỹ thì khác vẫn còn đam mê với đá, với công việc lắm. Hiện nay, ông Mỹ đang giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Phó Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam; Chủ tịch Hội đá cảnh, gỗ lũa và tranh tượng dân gian thành phố Hà Nội; Chủ tịch Hội sinh vật cảnh quận Đống Đa và tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế về đá cảnh. Ông vẫn thường xuyên vào Nam ra Bắc không quản đèo cao, suối sâu, thậm chí “xuất ngoại” để thỏa cái niềm say mê với đá.
6 lần đóng góp tặng phẩm về đá cho Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cái duyên của người cán bộ hưu trí say mê đá cảnh ở đất Hà thành với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cũng thật bất ngờ. Biết về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẫn thường xuyên vào viếng Bác kể từ ngày Công trình Lăng mới khánh thành, song phải đến năm 2010, ông mới có cơ hội để được đóng góp sức mình vào việc tôn tạo Công trình Lăng. Đó là khi Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông tư vấn về trang trí ở khu vực Lăng chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không kể hết niềm vui, sự xúc động của ông khi được Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – đơn vị đang trực tiếp làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, tin tưởng nhờ tư vấn. Bằng tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm đúc kết qua mấy chục năm nghiên cứu về đá cảnh và với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu ông Mỹ đã tặng Ban Quản lý Lăng 4 tác phẩm đá cảnh trưng bày trên 4 chậu cây sanh thế trực liên chi đặt trước cửa Lăng Bác để góp phần tăng thêm vẻ đẹp trang trí. Đó là lần đầu tiên ông được cống hiến cho công trình mang nghĩa chính trị văn hóa này.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (thứ 3 từ phải sang) trong buổi trao tặng 4 tác phẩm đá cảnh cho Ban Quản lý Lăng
Lần thứ hai là dịp Hà Nội tổ chức triển lãm sinh vật cảnh nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội , khi biết Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có tác phẩm gỗ lũa Táu Mật quí của núi rừng Trường Sơn mang tên “Hào khí Trường Sơn” muốn được tặng và trang trí tại khu vực Lăng để tỏ tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ông đã ngay lập tức chụp ảnh tác phẩm và cùng với Hội sinh vật cảnh tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến và được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đồng ý. Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự trân trọng tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhanh chóng tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm “Hào khí Trường Sơn”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (người mặc áo trắng ở giữa hàng bên phải) trong lễ tiếp nhận tác phẩm gỗ lũa “Hào khí Trường Sơn”
Tháng 11 năm 2010, ông tiếp tục xin ý kiến Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để Hội Sinh vật cảnh thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk kính tặng và trang trí tác phẩm gỗ hoá đá tự nhiên mang tên “Tản Viên huyền thoại” của tác giả Lương Xuân Bình - Nghệ nhân Hội Sinh vật cảnh thành phố Buôn Ma Thuột ở khu vực sau Lăng. Đây là một trong mười tác phẩm mà Nghệ nhân Lương Xuân Bình đã sưu tầm nhiều năm trong bộ “Theo dòng lịch sử - Ngàn năm văn hiến - Phước vượng trường tồn” từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ được trưng bày tại triển lãm nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Lần thứ 4 là khi ông nhận thấy Nghệ An quê Bác có nguồn đá quý saphia và đặt vấn đề với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng đá quý để trang trí tại khu vực Lăng. Ông đã cùng lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An lựa chọn 3 khối đá quý saphia được khai thác từ núi rừng Quỳ Hợp, Nghệ An để phục vụ trang trí tại khu vực Lăng.
Cái duyên lần thứ 5 của người cán bộ hưu trí già với Lăng Bác là khi được biết Ban Quản lý Lăng tôn tạo khu vườn Nhà khách quốc tế cho phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Mỹ đã đề xuất để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam kính tặng hòn non bộ “Ngũ phúc thạch lâm môn” và cũng chính ông cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Quản lý Lăng về Hà Nam lựa chọn chất liệu đá. Tác phẩm hiện đã được đặt tại Nhà khách quốc tế.
Đầu năm 2012, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Mỹ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận món quà vô cùng ý nghĩa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương gửi tặng, đó là 4 chậu cây Đa cảnh quý góp phần tôn tạo cảnh quan Công trình Lăng của Người như tình cảm, tấm lòng của nhân dân tỉnh Hải Dương tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ý nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đây là lần thứ 6, ông Mỹ được cống hiến cho công tác tôn tạo tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp nhận cây cảnh do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương dâng tặng
Kỷ niệm hành trình về quê Bác tìm đá quý
Đây là chuyến đi với nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất trong những lần ông được cống hiến cho công tác tôn tạo lại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi được Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tư vấn tìm đá để trang trí ở khu vực Lăng, ông đã rất băn khoăn, trăn trở, không biết nên lấy đá ở đâu cho tương xứng. Với những hiểu biết về đá cảnh và mấy chục năm kinh nghiệm trong tìm kiếm và sưu tầm đá của mình, ông Mỹ kết luận: Chỉ có loại đá saphia lấy từ vùng núi Quỳ Hợp, Nghệ An, cũng chính là quê hương của Bác là phù hợp nhất. được đánh giá thuộc loại coridon có 70-79% là saphia, có độ cứng đứng sau kim cương. Chính vì độ quý giá của loại đá này như vậy nên việc tìm được khối đá saphia phù hợp để đưa về trang trí ở Lăng không phải là vấn đề đơn giản, một phần vì đường xá xa xôi, một phần vì nguồn đá nay còn lại rất ít do đã bị khai thác nhiều.
Song với lòng biết ơn vô hạn dành cho Bác, ông Mỹ vẫn quyết tâm tìm bằng được khối đá như mong muốn. Vượt gần 400km từ Thủ đô Hà Nội, ông đã cùng với các đồng chí trong Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quỳ Hợp, Nghệ An để tìm đá. Những ngày trèo núi, lội suối gian nan, vất vả không làm chùn bước cụ ông hơn 80 tuổi trên hành trình đi tìm đá quý dâng lên Bác kính yêu. Núi cao, suối sâu vẫn trập trùng như để thử lòng con người. Cuối cùng thì trời đã không phụ người có tâm, mọi người đã tìm được 3 khối đá như ý với sự giúp đỡ nhiệt tình của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, mỗi khối có trọng lượng bình quân nặng trên 10 tấn. Ngày 19/7/2011, 3 khối đá quý này đã được vận chuyển và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Hiện nay, 3 khối đá qúy đang được Hội đá quý tổ chức chế tác, chuẩn bị trang trí tại khu vực Lăng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cùng đoàn khảo sát bên khối đá saphia tìm được giữa núi rừng Quỳ Hợp, Nghệ An
Mỗi khối đá nặng trên 10 tấn được đưa lên xe vận chuyển an toàn từ Quỳ Hợp, Nghệ An về Hà Nội
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đá do thiên nhiên tôi luyện, tích tụ linh khí của trời đất. Nếu đá được đưa vào trang trí trong Lăng Bác một cách phù hợp, khoa học thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng trang trí môi trường tạ khu vực Lăng Bác. Vẫn luôn tâm niệm một câu “Nhất nhật sinh tồn sinh hỷ khí” (tạm dịch là: Một ngày còn ở trên đời phải làm việc gì có ích cho xã hội), ông vẫn từng ngày cần mẫn làm việc, tiếp tục tìm kiếm những tác phẩm gỗ, đá quý để cùng với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần để Lăng Bác ngày càng khang trang hơn, bày tỏ tấm lòng nhớ thương, biết ơn sâu nặng với Bác Hồ kính yêu, góp một phần nhỏ vào sự nghiệp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.
Thu Hiền