“ Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ Ngày Thương binh.
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 Thương binh nhớ ngày ”.
Cứ mỗi dịp tháng 7 về, khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S thân yêu, người dân Việt Nam lại chờ đón một ngày rất đặc biệt: Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27 tháng 7, ngày toàn dân đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, liệt sỹ - những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do, vì hòa bình của dân tộc.
Bác Hồ đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh Internet
Cách đây tròn 65 năm, vào ngày 27-7-1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” (về sau đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”) chính thức ra đời. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Trong thư Người viết:
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.
Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy.
Người vận động đồng bào nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ thương binh. Bản thân Bác đã xung phong góp 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu Người, 1 tháng lương của Người, 1 bữa ăn của Người và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.
Trong lời kêu gọi nhân “Ngày Thương binh toàn quốc”, ngày 27 tháng 7 năm 1948, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh:
“... Thương binh và tử sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào.
Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và đình tử sỹ.
Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần ...”.
Bác Hồ thăm các thương binh tại trại điều dưỡng thương binh nặng.
Kể từ khi ngày 27 tháng 7 chính thức được chọn làm “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” đến nay, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và cũng là tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ với tất cả sự biết ơn sâu sắc và chân thành bằng nhiều hình thức phong phú như xây nhà tình nghĩa, xây và chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ, xây nhà bia, lập vườn cây tình nghĩa, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ học bổng, quỹ chăm sóc y tế… Những việc làm ấy không chỉ được thực hiện trong ngày 27 tháng 7 mà luôn được các cấp, các ngành chú ý thường xuyên, chu đáo. Nhờ sự quan tâm này, khoảng 90% gia đình người có công đã có cuộc sống ổn định, bằng hoặc hơn mức sống trung bình tại địa phương, con em và gia đình người có công được học hành, nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, công tác.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. Ảnh Internet
Đáng chú ý là việc làm có ý nghĩa đặc biệt này đã lan toả đến các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Phong trào “Trần Quốc Toản” do Bác Hồ đề xướng với mục đích giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình thương binh liệt sĩ được các liên đội trường học phát động và thực hiện rất đều đặn. Phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ” cũng được các em tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình. Đó chính là việc giáo dục tư tưởng cho thế hệ tương lai của đất nước kế tục truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”...
Thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh Internet
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ vẫn còn đây. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần cơ thể các anh đã để lại ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời và về tinh thần khi tuổi xuân đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc, nay trở về đã “quá lứa lỡ thì”, đành ở một mình của người thanh niên xung phong; và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn vò võ, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đây nỗi đau như tột cùng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Biết đến bao giờ những vết thương tinh thần và thể xác ấy mới có thể hàn gắn được. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Những cống hiến to lớn ấy, một ngày 27 tháng 7 làm sao tri ân cho đủ? Việc làm hàng ngày, thường xuyên của cả xã hội và cộng đồng chính là thể hiện sự biết ơn đó đối với những người có công với cách mạng, với nước, với dân, với hy vọng bù đắp một phần những mất mát, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sỹ, làm dịu bớt phần nào những buồn đau trên cơ thể và trong trái tim những người con anh hùng của dân tộc.
Năm 2012 là năm đánh dấu 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 /27-7-2012). Trong những ngày tháng 7 này, thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa đối với thương binh, người có công và gia đình liệt sỹ. Đây là dịp để tôn vinh những anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Xin được cúi đầu trước linh hồn những người đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc và xin được gửi lời tri ân tới những gia đình thương binh, liệt sỹ.
Thu Hiền