Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và 45 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của cộng tác viên Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng về một số nội dung trong phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

thieu-tuong-pham-van-lap
Thiếu tướng Phạm Văn Lập

CTV:  Đề nghị đồng chí Chính ủy giới thiệu về ý nghĩa to lớn của việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ?

Thiếu tướng Phạm Văn Lập:  Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất đã vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sỹ và bầu bạn quốc tế.

Người mất đi, song tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng của Người là di sản vô giá mãi mãi soi sáng đường cho cách mạng Việt Nam. Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đây là quyết định phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, với truyền thống thờ phụng ông bà tổ tiên, xây dựng lăng mộ để tưởng nhớ những người có công với nước, với dân.

Quyết định của Bộ Chính trị còn đáp ứng ước nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam là sau này được nhìn thấy Bác, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn đối với Người. Đặc biệt là đồng bào và chiến sỹ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù mà chưa một lần được gặp Bác.

Trong lịch sử, hiếm có lãnh tụ nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước và tinh thần quốc tế cao cả như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của dân tộc của bạn bè quốc tế. Mỗi chiến sỹ trước khi ra trận đều khắc sâu hình bóng của Bác nơi trái tim mình để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng. Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô đanh thép và thiết tha ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sỹ cách mạng.

Bởi vậy, việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người còn góp phần giữ gìn tư tưởng của Người, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người, động viên cổ vũ các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn.

 Không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam, việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đáp ứng tình cảm của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới dành cho Người. Bởi “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

CTV:Xin đồng chí Chính ủy cho biết Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Văn LậpSau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội, mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện.

  Quá trình xây dựng và trưởng thành của đơn vị là quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức với những chiến công thầm lặng. Trong những năm tháng chiến tranh, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô vượt qua biết bao khó khăn, vượt sông, vượt suối, thực hiện trọn vẹn 6 lần di chuyển đến những khu căn cứ bí mật, để giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành mở cửa đón khách đến viếng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập. Đơn vị vừa củng cố, xây dựng để phát triển, vừa tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ y tế, kỹ thuật, bảo đảm an ninh, nghi lễ và công tác đón tiếp, tuyên truyền.

Đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ, từ năm 1992 nhiệm vụ của đơn vị bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Xô-viết cho Công trình Lăng không còn. Song thử thách của giai đoạn này cũng là thời cơ để đơn vị, vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng ký kết và triển khai hiệu quả các chương trình, nội dung hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcova, bảo đảm cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác liên tục, không bị gián đoạn.

Trải qua 45 năm giữ gìn thi hài Bác, 39 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã xây đắp nên truyền thống cao quý: "Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo".

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới; 02 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba và nhiều Huân chương các loại. Hai đơn vị là Viện 69 được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Đoàn 195 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm, các nội dung công tác lớn trong Đề án 2341/QĐ-TTg  đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/12/2010 và Nghị quyết 122-NQ/QU ngày 8/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 trong sạch vững mạnh trở thành đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội và xây dựng đơn vững mạnh toàn diện tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân.

CTV: Đồng chí Chính ủy có thể cho biết thêm về những tình cảm của đồng bào, chiến sỹ và bạn bè quốc tế mỗi khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Từ ngày khánh thành Công trình Lăng và mở cửa đón khách (29/8/1975), đến nay đã đón tiếp hơn 50 triệu lượt người vào viếng Bác, trong đó có trên 7 triệu lượt khách nước ngoài của hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Ngày ngày dòng người vào Lăng viếng Bác vẫn nối dài như vô tận. Đặc biệt vào những dịp 19/5 kỷ niệm Ngày sinh của Bác và dịp Quốc khánh 2/9 có buổi Lăng Bác đón tiếp tới hơn 32 nghìn lượt đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng bào, chiến sỹ trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế mỗi dịp đến với Thủ đô Hà Nội đều có nguyện vọng được vào Lăng viếng Bác, được chiêm ngưỡng Bác đang yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh hằng của Người. Bởi không chỉ là kính trọng một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà Người còn là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Từ ngày khánh thành đến nay (29/8/1975), Lăng Bác luôn là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

CTV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về buổi phỏng vấn./.

Nguyễn Văn Vượng

Bài viết khác: