Năm 2014 là năm kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2014). Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội năm 2014, 35 thành viên của Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đều là những người con được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Bình – mảnh đất mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với đặc khu Vĩnh Linh có vị trí hết sức quan trọng, là tuyến đầu của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, được coi là vùng "cổ chai", là "yết hầu", là "cán xoong" của tuyến hành lang chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam.
Sáng ngày 03/8/2014, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón Đoàn Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gặp lại những người Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh năm xưa cũng là dịp để chúng ta cùng tìm hiểu về con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tìm hiểu về những người con Quảng Bình anh dũng, kiên cường.
Cán bộ, công nhân viên Ban Đón tiếp tiếp đón Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Trường Sơn, với hơn 17.600 km chiều dài, 2.000 km đường giao liên và đi qua 3 nước. Con đường được xây nên bởi trí tuệ, tinh thần quả cảm và sự hy sinh của cả một lớp người đi trước.
Ngày 19-5-1959, đúng dịp Sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ, thực hiện Nghị quyết 15 của T.Ư Ðảng (khóa II), cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội chính quy, hiện đại trên miền Bắc, việc chuẩn bị lực lượng con người và vật chất để chi viện cho chiến trường miền Nam được đặt ra cấp bách và vấn đề "mở con đường đặc biệt" trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Con đường có sứ mệnh cao cả nhất trong lịch sử dân tộc chính thức khai mở và vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng từ đây, quân và dân Quảng Bình nhận trọng trách to lớn trước toàn Ðảng, toàn dân, đặc biệt là trước đồng bào, đồng chí miền Nam là huy động tối đa sức người, sức của để tham gia khai thông và bảo đảm tuyến vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ðể đáp ứng nhu cầu chiến trường, vượt lên sự đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn ngày càng được mở rộng, vươn dài. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, về sau có thêm khu vực Ðường 9 Quảng Trị trở thành trung tâm xuất phát của công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời cũng là căn cứ chiến lược cho chiến trường Trường Sơn mà Quảng Bình là tiêu điểm.
Trên địa bàn Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh được hình thành một tuyến dọc và bốn tuyến ngang. Tuyến dọc là đường 15A song song với quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Bình từ Tân Ðức (Tuyên Hóa) đến Khe Gát (Bố Trạch). Từ Khe Gát, đường tiếp tục chia ra hai nhánh: Phía Tây từ Khe Gát vào đến dốc Dân Chủ (Làng Ho, Lệ Thủy), phía Đông từ Khe Gát vào đến Bến Quan (Vĩnh Linh). Bốn tuyến ngang gồm: Đường 12A từ Khe Ve vượt dãy Trường Sơn đến đèo Mụ Dạ; đường 20 Quyết Thắng từ Sơn Trạch (Bố Trạch) đến Ta Lê trên biên giới Việt - Lào; đường 16 từ ngã ba Thạch Bàn trên đường 15 lên Vít Thù Lù - Làng Ho; và đường 10, còn gọi là đường 20-7 từ Áng Sơn đến ngã Ba Dân Chủ. Các tuyến đường ngang có nhiệm vụ "lật cánh" sang Tây Trường Sơn và liên kết nhau tạo thành một mạng lưới giao thông phù hợp địa thế, địa hình tự nhiên và luôn luôn giữ thế chủ động để đối phó với mọi thủ đoạn đánh phá, chia cắt, ngăn chặn của kẻ thù. Hỗ trợ và kết nối với mạng lưới đường bộ là các tuyến đường sông như Kiến Giang, sông Gianh, các tuyến đường biển vào vịnh Hòn La, cảng Nhật Lệ, cảng sông Gianh, hoặc sân bay chiến đấu Khe Gát, sân bay dân dụng Ðồng Hới... tạo thế liên hoàn, thuận lợi cho nhiệm vụ vận tải, chi viện chiến trường.
Nhận biết ý nghĩa vô cùng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh đối với cuộc chiến đấu của đồng bào, đồng chí ta ở miền Nam, kẻ thù điên cuồng dốc lực ngăn chặn, đánh phá. Quảng Bình trở thành "túi" bom đạn khổng lồ với hàng triệu tấn bom, đạn các loại, cùng những tọa độ vô cùng ác liệt như Khe Ve, ngầm Rin, bến phà Xuân Sơn, đèo Mụ Dạ, bến phà Long Ðại, ngã Ba Dân Chủ... Biết bao mất mát, thương đau mà đạn bom giặc thù đã gây ra cho người Quảng Bình. Nhưng với quyết tâm: "Tất cả vì miền Nam ruột thịt!", đồng bào, đồng chí Quảng Bình đã vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, sát cánh cùng Bộ đội Trường Sơn liên tục 12 năm bảo đảm cho tuyến đường luôn thông suốt. Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Bình ngày 7-12-1967 xác định rõ: Chi viện cao nhất cho miền Nam là nhiệm vụ hàng đầu, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt là nhiệm vụ trung tâm dù bất cứ hy sinh nào và trong hoàn cảnh nào.
Quảng Bình ngày ấy là một đại công trường giao thông, một đại trận địa bảo vệ vận tải, một đại thao trường huấn luyện chiến sĩ mới, một đại tổng kho hàng hóa chiến lược, một đại mạng lưới quân - dân y cứu chữa thương, bệnh binh... Ban Bảo đảm giao thông vận tải được thành lập từ tỉnh xuống đến tận thôn, xã và cả Quảng Bình bừng bừng khí thế toàn dân bảo vệ cầu, đường, từng khúc sông, bến cảng và hàng hóa.
Quảng Bình vốn là một tỉnh nghèo, chiến tranh khốc liệt khiến cuộc sống đồng bào càng khó khăn hơn, nhưng dù phải ăn khoai sắn thay cơm, người Quảng Bình vẫn một lòng phục vụ kháng chiến, với niềm tin son sắt: "Nhà tan cửa nát cũng ừ. Ðánh thắng giặc Mỹ, cực trước sướng sau". Tất cả nhà dân, đình chùa, miếu vũ, kể cả từng bụi cây, từng mét hào đều là nơi cất giữ hàng hóa chiến lược và mỗi người dân đều là một chiến sĩ phục vụ vận tải và bảo vệ huyết mạch giao thông. Những tấm gương như em bé Bảo Ninh bên bờ Nhật Lệ vác đạn tiếp tế, hay mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông; những pháo thủ trước khi hy sinh vẫn hô vang "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" như Nguyễn Viết Xuân hay bất chấp bom đạn quyết bám mặt đường như cô TNXP Nguyễn Thị Kim Huế, rồi hàng trăm hàng nghìn người nữa như hoa nở rộ trên lũy thép bất chấp bom đạn. Quyết tâm tất cả vì miền Nam ruột thịt đã trở thành lẽ sống của đồng bào, đồng chí Quảng Bình, như những câu nói nằm lòng: "Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại", hay "Xe chưa qua, nhà không tiếc. Ðường chưa thông không tiếc máu xương", "Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm". Rồi "Xe tăng một chuyến vòng quay, miền Nam đỡ bớt một ngày đau thương”…
Dưới mưa bom bão đạn, bao khúc đường, bao cầu, cống, bến phà bị bom phá hủy, tưởng chừng không một cân hàng nào có thể qua "tọa độ lửa", nhưng với quyết tâm không để chiến trường một ngày thiếu đạn, quân dân Quảng Bình đã triển khai các hình thức vận tải hết sức độc đáo mà hiệu quả. Ví như kéo bè chở hàng dọc sông, kể cả xăng dầu, lên tận Trường Sơn. Rồi lợi dụng sức gió mùa Đông Bắc để thả gạo "bốn bao" từ biển vào bờ tránh thủy lôi địch, rồi từ bờ lên Trường Sơn. Hoặc mở chiến dịch tập trung vận chuyển khối lượng lớn cho chiến trường bằng tất cả phương tiện, từ ô-tô, xe bò, xe cút kít hay gùi, cõng, v.v. Dù địch đánh phá ngày càng ác liệt nhưng lượng hàng hóa luôn tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 1968, số lần địch đánh phá tăng 15 lần so với năm 1965, nhưng lượng hàng hóa vượt qua Quảng Bình vào Nam cũng tăng gấp ba lần năm 1966. Riêng chiến dịch vận tải VT5 cuối năm 1968, trong vòng ba tháng tỉnh Quảng Bình huy động lực lượng vận chuyển hơn 130 nghìn tấn hàng hóa vào chiến trường, vượt kế hoạch hơn 10 nghìn tấn. Trong ba năm từ 1973 đến 1975, hơn một triệu tấn hàng hóa đã được quân dân Quảng Bình vận chuyển an toàn vào chiến trường.
Với những thành tích xuất sắc, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên miền Bắc, Bác Hồ đã gửi thư khen quân dân Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, và tấm gương "Hai giỏi" của đất lửa Quảng Bình đã trở thành một biểu tượng, một tấm gương ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được đồng chí, đồng bào cả nước học tập, noi theo.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ghi nhận những đóng góp to lớn của quân và dân Quảng Bình, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 93 tập thể, 30 cá nhân và 278 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
55 năm đã trôi qua, những chiến công của quân, dân Quảng Bình nói riêng cùng Bộ đội Trường Sơn nói chung trong sự nghiệp "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là bản anh hùng ca ngân vọng mãi trong lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam mai sau, là nguồn di sản thiêng liêng để mỗi một đồng chí, đồng bào chúng ta hôm nay soi mình và vững tin trên con đường xây dựng cuộc sống mới.
Và cũng đã 39 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, nhất là sau hơn 24 năm tái lập lại tỉnh Quảng Bình, những vùng "tọa độ lửa" khốc liệt trong hệ thống đường Hồ Chí Minh năm xưa đã đổi thay nhiều. Sự sống đã hồi sinh mãnh liệt. Huyền thoại về con đường cứu nước ngày ấy, nay đang được viết tiếp bằng con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa với những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã và đang nỗ lực xóa đi những di chứng của chiến tranh và đói nghèo ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Ðồng Hới. Những cung đường trong hệ thống đường Hồ Chí Minh lịch sử, giờ đây tiếp tục phát huy vai trò chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Quảng Bình có 16.697 hội viên. Tiếp tục phát huy truyền thống, các hội viên đã tích cực lao động sản xuất, công hiến sức lực cho xã hội bằng nhiều việc làm thiết thực. Các hội viên của Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn huyện Bố Trạch, Quảng Bình cùng giúp đỡ nhau, trao đổi những cách làm kinh tế hay để cùng xóa đói giảm nghèo huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh trong năm 2014 đã xây mới 12 căn nhà trao tặng cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá là 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hội viên còn thường xuyên thăm hỏi động viên lúc đau ốm và có kinh phí hỗ trợ các hội viên.
Nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, các hội viên của Hội bằng nhiều hình thức như nói chuyện trong các lớp học, thuyết minh tại các di tích lịch sử, cùng thế hệ giao lưu văn nghệ cùng hát các bài hát truyền thống cách mạng... Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Đã 55 năm từ khi con đường Trường Sơn được mở, có trên 223 nghìn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn. 30 nghìn người khác đã để lại một phần máu xương của mình để xây nên con đường huyền thoại. Hàng vạn người khác đã chiến đấu, đã dâng hiến tuổi xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Tự hào với những chiến công oai hùng của thế hệ cha anh, mỗi một chúng ta cần nỗ lực vươn lên, phấn đấu hơn nữa để xây dựng quê hương, đất nước chúng ta bằng nhân lên tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" năm xưa.
Sau chiến tranh, trở về với đời thường nhưng các chiến sỹ Trường Sơn năm xưa vẫn giữ vững bản chất của người chiến sỹ cách mạng trung với Đảng, hiếu với dân, chăm lo xây dựng cuộc sống, gia đình và xã hội, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Những người chiến sỹ Trường Sơn của huyện Bố Trạch hôm nay đã và đang có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ là những tấm gương để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, để học tập, rèn luyện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước sự đe dọa của kẻ thù xâm lược.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà khách số 8, Hùng Vương
Trước khi vào Lăng viếng Bác, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, Đoàn đã được nghe giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quá trình xây dựng Công trình Lăng của Người, xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”. Cũng nhân dịp này, Ban Quản lý Lăng đã trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các thành viên trong Đoàn.
Thay mặt Đoàn đại biểu, đồng chí Dương Đức Dưỡng – Phó Chủ tịch Hội đã cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đoàn.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, hình ảnh Bác Hồ là động lực mạnh mẽ cho những chiến sỹ Trường Sơn để họ vượt qua bao gian khổ của cuộc chiến. Và khi đất nước hòa bình, những lời Bác dạy năm xưa vẫn luôn là những bài học họ mang theo suốt cả cuộc đời. Với chuyến đi lần này, những chiến sỹ gan dạ năm xưa đã có cơ hội được xem lại những giây phút cuối đời đầy xúc động của Bác, được “gặp” Bác Hồ kính yêu. Đây chính là kỷ niệm vô cùng thiêng liêng trong những năm cuối đời của họ./.
Hải Yến