Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng viết: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Có thể nói, khi sinh thời, Người luôn luôn quan tâm đến chủ quyền biển đảo. Với Người, bảo vệ chủ quyền ấy cần sức mạnh đoàn kết của cả đồng bào chứ không chỉ riêng của bộ đội hải quân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Huấn luyện bộ đội Hải quân. Các chiến sĩ dâng tặng Người hoa san hô do anh em khai thác được khi luyện tập trên biển (ngày 31.3.1959)
Biển đảo là một phần của đất nước
Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hình ảnh Bác Hồ đã gắn với biển đảo quê hương. Bởi từ Bến cảng Sài Gòn, Người đã bắt đầu đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Người hiểu rất rõ biển là con đường nhanh nhất, và gần như là duy nhất để đi khắp thế giới, tiếp xúc với văn minh nhân loại. Thậm chí, khi Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh (Bình Thuận), nơi có bãi biển Thương Chánh, Người đã sớm có nhận định sâu sắc: Biển của ta giàu đẹp, nhưng tại sao dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực? Người phê phán: Nước Pháp tự cho mình là đi “khai phá văn minh cho nước Việt”, nhưng đằng sau những lời hoa mỹ ấy của người Pháp và phương Tây là gì?
Qua nhiều năm bôn ba, với thời gian dài trên biển, đến với nhiều châu lục khác nhau trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của biển đối với một đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến ra thăm đảo Ti-tốp, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh tư liệu
Khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn đánh giá rất cao vị trí của biển, đảo với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người đã khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Nói như vậy, Người đã khẳng định biển đảo chính là một phần quan trọng như “máu thịt” của đất nước ta. Đó là một phần không thể tách rời bằng bất cứ điều gì.
Hơn thế, trong các cuộc trò chuyện với các phái đoàn nước ngoài, Bác cũng luôn chú ý đối đáp mềm mỏng nhưng cũng rất quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo quê hương. Trong số đó có lần Bác hội kiến Cao ủy Pháp D’Argenlieu sau chuyến thăm nước Cộng hòa Pháp trở về nước trên tàu Đuy-mông Đuyếc-vin (ngày 18-10-1946), tại Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong cuộc trò chuyện, khi Cao ủy Pháp nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu mến tặng Na-pô-lê-ông cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, dí dỏm, nhưng rất mực nghiêm túc, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc với biển, đảo Việt Nam.
Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thế giới đang có những bước phát triển mạnh mẽ, kinh tế biển ngày càng được chú trọng thì biển đảo càng phát huy những vai trò to lớn đối với đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
Nhận biết được ý nghĩa, vai trò quan trọng của biển cũng như tình hình biển đảo sẽ có nhiều biến động, ngày 7-5-1955, Người chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển. Đây là đơn vị tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.
Khi giao nhiệm vụ cho lực lượng hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang”. Người yêu cầu: “Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”. Những tư tưởng đó là định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng hải quân trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc. Đó cũng là những tiền đề cho tư duy nghệ thuật tác chiến biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Người luôn chú ý quan tâm đến đời sống của bộ đội hải quân. Ngày 31-3-1959, đến thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng, Người căn dặn bộ đội phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống. Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người đề nghị đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần phải nghiên cứu, bảo đảm sao cho mỗi tuần một đồng chí có thể tắm hai lần bằng nước ngọt. Người hỏi bộ đội: “Các chú chưa có đài nghe tin tức phải không, Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc”. Mấy ngày sau, đơn vị nhận được điện của Phủ Chủ tịch mời lên nhận đài của Người tặng.
Khi gặp gỡ các chiến sĩ hải quân, Người luôn quan tâm đến kết quả xây dựng lực lượng, nắm bắt tình hình bảo vệ bờ biển và các hải đảo, nhất là các đảo xa. Tháng 3-1959, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo trên vịnh Hạ Long, Người chủ động rót nước, chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ trên tàu, nhắc nhở các thủy thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi.
Không chỉ quan tâm đến bộ đôi, Bác Hồ còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đồng bào miền biển. Với Người, đồng bào miền biển cũng chính là một lực lượng quan trọng để bảo vệ trực tiếp biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ. Ngày 10-4-1956, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Bác khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Nhớ năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời Bác là mệnh lệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cho toàn dân tộc. Trong tình hình hiện nay, chúng ta lại nhớ về phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu nói trên được Bác dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp vào ngày 31-5-1946, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập và phải thực hiện trọng trách giữ vững được nền độc lập. Đúng vậy, tình hình đất nước có nhiều biến động lớn, Đảng, Nhà nước và nhân dân có muôn vạn cách để ứng biến với từng tình huống xảy ra. Tuy nhiên, tất cả các cách ứng biến, xử lý đều phải gắn chặt với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây chính là tư tưởng được Người giữ vững trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của dân tộc ta. Đến nay, tư tưởng này cần phải được thấm nhuần trong tư tưởng cũng như quán triệt trong hành động của mọi công dân Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”.
Trước hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền vùng biển Việt Nam của Trung Quốc thời gian qua, chúng ta càng thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc ./.
Thanh Huyền