Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho dân tộc ta, đồng bào ta những giá trị tư tưởng to lớn, đẹp đẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục nước nhà. Sinh thời, Bác đã dành nhiều tâm huyết để phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Bản thân Người cũng đã từng là thầy giáo trực tiếp truyền thụ tri thức cho học trò.

Trên hành trình từ Huế vào Sài Gòn trước khi ra đi tìm đường cứu nước, năm 1909, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Khê, Bình Định thăm thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thông qua các mối quan hệ bằng hữu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ cụ Trương Gia Mô (Nghè Mô) đưa Nguyễn Tất Thành vào Nam. Mùa Thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến trú tại chùa Phước An, được Hòa thượng Bửu Hiền trụ trì chùa chăm sóc. Nguyễn Tất Thành được cụ Nghè Mô giới thiệu với cụ Hồ Tá Bang để vào dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Trường Dục Thanh, còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu (chữ viết tắt của Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng Phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng tại Trung Kỳ.

truong duc thanh a
Khu Di tích Trường Dục Thanh

Trong bức thư gửi cho chị Thanh và anh cả Khiêm, Người tâm sự: “Em đã nhận một chân dạy học ở trường Dục Thanh ở Phan Thiết… Em nhận dạy chữ Tây cho lớp nhì, dạy sử ký, địa dư cho lớp nhất…Trường Dục Thanh là một cung trên con đường em đi… Em sẽ ở lại đây một thời gian để rồi đi tiếp vô Sài Gòn”1. Mặc dù đã xác định ngay từ đầu, trường Dục Thanh không phải là nơi dừng chân lâu dài của mình, song thầy Thành vẫn sống và làm việc hết mình với những con người nơi đây.

Thầy giáo Thành không những dạy cho học trò kiến thức văn hóa mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Thầy dạy học trò đạo làm người, dạy cách sống, cách cư xử với mọi người. Bài học Sử ký “Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng”, thời kỳ mở đầu của 18 đời vua Hùng dựng nước được thầy Thành truyền đạt đến học trò với giọng trầm ấm, âm vang, thể hiện niềm tự hào về giống nòi “Con Rồng cháu Tiên” của Việt Nam, lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã có công dựng nước và giải thích cặn kẽ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ một bọc trứng nở ra trăm con, một nửa theo cha xuống bể, một nửa theo mẹ lên ngàn. Thầy giải thích: “Cái bọc ấy chính là lòng mẹ. Chung một lòng mẹ, nghĩa là cùng một nòi giống. Vì vậy, mà dân ta có hai tiếng nghe rất thiêng liêng, đó là… “ĐỒNG BÀO”. Có nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu”2. Thầy Thành còn giải thích thêm: “Sự tích một nửa số người đi lên ngàn, một nửa số người đi xuống bể, nó nói lên người Việt mình đã trải bao mưa nắng, người đi phương nầy, kẻ đi nơi kia để khai phá, mở mang bờ cõi, dựng xây đất nước. Nước Việt Nam ta được như ngày nay ta đừng quên công lao của bao đời đã đổ mồ hôi và máu. Người ta thường nói: “Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào” là từ gốc tích ấy - Giọng Thầy đọc trầm bổng thiết tha:

“Sông sâu nước chảy nặng dòng.

Lòng ta có khác chi lòng mình đâu

Dầu Nam, dầu Bắc mặc dầu,

Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu Nước Non”.3

Vào mỗi giờ giảng của Thầy, cả lớp học đều yên lặng, lắng nghe từng câu, từng chữ từ Thầy!

Khi nghe học trò nói về đạo trung, hiếu là trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ. Thầy nhẹ nhàng giảng giải: “Các trò hiểu chữ trung, chữ hiếu như vậy là đúng, nhưng còn cạn, còn hẹp. Ta phải hiểu rộng hơn. Ấy là lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với cha mẹ, với đồng bào… Bởi vì mỗi người chúng ta sống trong một rường mối liên quan từ trong gia đình ra tới họ hàng, làng nước”4.

Thầy Thành không chỉ là thầy giáo mà còn là người bạn tin cậy, quan tâm đến cuộc sống của các trò, giúp đỡ, động viên cả về vật chất và tinh thần. Cuộc sống không đủ đầy, song Thầy sẵn sàng dùng tiền giảng phí của mình để giúp đỡ gia đình học trò đang gặp khó khăn. Khi trò phạm lỗi, Thầy nhẹ nhàng khuyên bảo: “ Phạm lỗi, dám nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm là một nhân cách, là biết đạo làm người”5. Bằng trái tim chân thành, cởi mở, thầy Thành đã gắn kết được các trò trong tình thương yêu, tương trợ lẫn nhau, và Thầy đã nhận được sự yêu mến của tất cả các trò.

Thầy luôn căn dặn những học trò thân yêu: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù vậy”6. Thầy tâm sự với các em: “Thầy nghĩ chúng ta học cái chữ để biết được điều hay lẽ phải trên đời và theo Thầy, trước hết là học để biết và làm được những việc ích nước lợi dân”7.

Thầy Thành là người có những phương pháp dạy học mới, tiến bộ. Thầy quan tâm đến việc giáo dục, phát triển toàn diện các trò chứ không chỉ phát triển về trí lực. Hàng ngày, vào năm giờ sáng, Thầy đã dẫn học trò ra sân tập thể dục và cứ đến thứ năm hàng tuần thì Thầy cùng với học trò tập điền kinh nhẹ. Lúc bấy giờ, việc dạy thể dục, thể thao trong trường được xem là một cuộc cách mạng thực sự.

Quan tâm đến sức khỏe các em nhỏ, Thầy căn dặn: “Ngày ngày các  em phải tắm cho sạch. Ăn uống đã khổ, người lại bẩn thỉu thì không lớn, không khỏe mạnh được. Ba má bận… thì em lớn tắm cho em nhỏ. Ở cùng xóm phải giúp đỡ nhau”8.

Không chỉ gò bó học trò trong khuôn viên lớp học, vào những ngày nghỉ, thầy Thành đã chọn phương pháp học mới là đưa học trò tham quan, học tập ở ngoài trời, giúp học trò có những trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn những gì đã được học, cũng là cách để gần gũi với cuộc sống của người dân nơi đây. Người thăm hỏi, gắn bó với bà con xung quanh. Người tắm rửa cho các em nhỏ, têm trầu cho người già… Không kiêu ngạo ở vị trí của “cậu ấm” con quan, hay người “thầy giáo ở trong phố”, thầy Thành luôn giữ phong cách sống giản dị, gần gũi, tôn trọng mọi người xung quanh; thương trẻ, quý già; cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ và đau đáu nỗi đau với cảnh sống khó khăn cơ cực, lầm than thống khổ của đồng bào.

Tuy chỉ một thời gian ngắn dạy học ở trường Dục Thanh (từ 8.1910 - 2.1911), song thầy Nguyễn Tất Thành đã làm tròn trọng trách người thầy của mình, được các đồng nghiệp, học trò và bà con lối xóm yêu mến. Ngày thầy Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn để thực hiện chí lớn, toàn thể các thầy giáo bồi hồi xúc động, còn các em học trò thì mắt nhòe lệ khi nghe đọc bức thư thầy Thành để lại:

“Các trò thân yêu! Thầy biết là các trò rất yêu mến Thầy. Nhưng Thầy không thể ở lại trường Dục Thanh dài hơn nữa, dạy thêm cho các trò những bài học, kể thêm những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa cho các trò nghe. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập tự do kêu gọi Thầy dấn bước ra đi. Cho nên Thầy để lại lời từ giã mà không tiện gặp đầy đủ các em trước lúc lên đường... Thầy ra đi nhưng lòng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người...

Các trò thương mến, Thầy đi xa, lòng vẫn nhớ, vẫn gần các trò. Thầy đã không kịp mua sách, Thầy để lại hai đồng bạc góp vào Quỹ thư viện trường Dục Thanh của chúng ta.

Chúc các trò tấn tới!

Hồn nước gọi chúng ta lên phía trước!

Ngày... tháng 10 năm 1910

Nguyễn Tất Thành”9

Ngày 5.6.1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thanh đã lên tàu rời quê hương, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm. Bước chân Người đã in dấu ở rất nhiều quốc gia, lãnh thổ, nhiều châu lục khác nhau. Trải qua biết bao gian lao, khó khăn, vất vả, cuối cùng Người cũng đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để rồi trở về quê hương lãnh đạo cuộc cách mạng của nước nhà.

Quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành đến người cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, khổ luyện trong mọi khó khăn, gian khổ để rèn luyện đạo đức, ý chí cách mạng của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Vì vậy, nhà nghiên cứu Đào Phan đã dành tình cảm đặc biệt khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò người Thầy, : “Nếu không có sự lựa chọn từ Phan Thiết của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành để hoá thân vào giai cấp công nhân, thì làm sao có sự lựa chọn từ Pari của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc để đi đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin… Nếu không có sự quyết định từ Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thì làm sao có những quyết định từ Quảng Châu, Hương Cảng, Tân Trào, Hà Nội… của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với tiền đồ của Tổ quốc? Trong cách xử trí đối với thời đại qua một sự lựa chọn rất độc đáo từ bấy giờ, thiên tài của thầy giáo trẻ tuổi ở trường Dục Thanh quả đã báo trước sự lỗi lạc của vị Chủ tịch nước Việt Nam”.

Những năm tháng dạy học ở trường Dục Thanh tuy không dài, nhưng thầy Thành đã nhận được những tình cảm yêu thương, quyến luyến của các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân ở nơi đây. Tại mái trường này, thầy đã có thêm nhiều trải nghiệm mới, rèn luyện bản thân, tích lũy thêm nhiều kiến thức, vốn sống để làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước.

Ngành Giáo dục nước nhà tự hào vì có người thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Dù năm tháng có trôi qua, thầy giáo Nguyễn Tất Thành vẫn mãi là tấm gương sáng ngời về nhân cách, đạo đức người Thầy./.

Thu Hiền

---------------

(1, 2, 7, 8, 9). Sơn Tùng (2009), Búp sen xanh, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 231, 235, 251, 250, 261.

(3, 6). Sđd, tr. 236.

(4, 5). Sđd, tr. 240.

Bài viết khác: