Tối ngày 8/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng công bố ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ công bố
Ngày Pháp luật được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Tổ chức Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại diện Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện thế hệ trẻ Việt Nam đã phát biểu, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu
Ngày Pháp luật năm nay được tổ chức từ 4 - 10/11, với 3 hoạt động chính: Tổ chức Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến về Ngày Pháp luật; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Trong Lễ công bố, nhân “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu thực hiện 7 nội dung:
Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân. Tránh phô trương, hình thức.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội.
Ngày Pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nhưng không chờ đến ngày đó mới tổ chức thực hiện các hình thức nhằm đạt mục đích, yêu cầu của nó. Đấy chỉ là thời điểm cao trào trong năm, là thời điểm nhìn nhận, xem xét, kiểm điểm các việc đã làm, đề ra các nhiệm vụ tiếp theo; khen thưởng, tôn vinh những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân tích cực huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần trực tiếp phục vụ cho quá trình nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ, phù hợp với thực tế, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo đảm các quy định pháp luật được chấp hành nghiêm minh, thống nhất ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng. Các quy định pháp luật không phù hợp cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Thứ năm, cần đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lí nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, triệt để loại bỏ tham nhũng, mọi hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất.
Thứ sáu, cung cấp đầy đủ, tiện lợi các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch và các dịch vụ pháp lý khác để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Có như thế, người dân mới thấy ý nghĩa, lợi ích, tác dụng của Ngày Pháp luật, từ đó hăng hái tham gia. Nhân đây, tôi cũng ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực qua thông tin báo chí, tôi được biết và rất hoan nghênh việc làm thiết thực của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số tổ chức nghề nghiệp khác đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp luật cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn còn khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống pháp luật, tư pháp, nhân ngày Luật sư 11/10 vừa được Chính phủ công bố, đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp luật cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn còn khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống pháp luật, tư pháp. Đây là việc làm thiết thực Cách làm đó cần được phát huy.
Thứ bảy, phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; củng cố lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Khuyến khích, hỗ trợ cho việc thành lập các tổ chức tự quản ở cơ sở có mục đích bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Đây là những việc làm thiết thực động viên nhân dân tham gia Ngày Pháp luật./.
Thanh Huyền