Từ ngày 25/10 đến 30/10/2013, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Lớp tập huấn công tác đón tiếp, tuyên truyền năm 2013. Lớp tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ đón tiếp, tuyển truyền cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị cũng như các đơn vị phối thuộc; làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, hướng dẫn đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tham quan Khu Di tích K9 trong thời gian tới.
Sáng ngày 25/10, tại Hội trường Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Lăng và các đơn vị phối thuộc đã tham gia khai mạc lớp học nghiệp vụ đón tiếp, tuyên truyền.
Tiếp đó, trong khuôn khổ kế hoạch của Lớp, từ ngày 26/10 đến 30/10, Đoàn Lớp tập huấn gồm 24 đồng chí, do đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng làm Trưởng đoàn đã thăm quan các điểm di tích tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trọng tâm trong kế hoạch của Lớp tập huấn là học tập, thăm quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và các Khu Di tích về Bác Hồ tại Huế.
Ở Quảng Bình, tại Vũng Chùa – Đảo Yến, Đoàn đã đến kính cẩn thắp hương, dâng hoa tưởng niệm tại phần mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đoàn thành kính thắp hương tại nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đoàn chụp ảnh lưu niệm sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cũng tại Quảng Bình, Đoàn đã đến thăm quan, thắp hương tại Tượng đài Mẹ Suốt. Đây là bức tượng đài về Người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt, chúng ta vẫn thường gọi một cách thân quen là mẹ Suốt, sinh năm 1906 ở Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang chiến tranh, bắn phá ác liệt các trục giao thông, bến phà, nhất là trên con sông Nhật Lệ được xem là huyết mạch của Quảng Bình, của miền Trung, ở đó mẹ Suốt đã dũng cảm chèo đò chở bộ đội, vũ khí, chở hàng hóa cần thiết từ bờ Bắc sang bờ Nam.Tượng cao 7m (tính cả bệ), khuôn mặt hướng ra sông Nhật Lệ.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Mẹ Suốt
Tiếp đó, Đoàn đã đến thắp hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ Đường 20 và Khu Di tích Hang Tám cô. Hang nằm trên km16 của con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại. Tại đây, Đoàn đã được nghe câu chuyện hào hùng nhưng cũng đầy cảm động về những chiến sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh nơi đây. Qua giọng kể sâu lắng của người hướng dẫn tại điểm Di tích, các thành viên trong Đoàn đã không khỏi xúc động và thêm phần cảm phục những chiến sỹ đã nằm lại nơi đây.
Đoàn đã thắp hương tưởng niệm, dành một phút tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại
Đường 20 Quyết thắng
Nhân dịp này, Đoàn Lớp tập huấn đã đến thăm quan Động Thiên đường – danh thắng mới phát hiện trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình.
Theo con đường mòn Hồ Chí Minh, Đoàn tiếp tục đến với tỉnh Quảng Trị anh hùng. Tại đây, Đoàn đã vào tham quan, thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị.
Các thành viên trong Đoàn thành kính thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ
Thành cổ được xây dựng từ đời vua Gia Long. Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000 m, cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc.Tại nơi đây diễn ra "Mùa hè đỏ lửa" 81 ngày đêm năm 1972, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Hiện nay, Thành cổ đang được tu bổ, xây dựng lại.
Điểm đến trọng tâm trong kế hoạch học tập của Đoàn là các Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế. Đoàn đã đến thăm quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích 2 ngôi nhà mà Bác và gia đình đã từng sinh sống tại 112 Mai Thúc Loan và tại thôn Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đoàn đã được tìm hiểu về thời gian 10 năm Bác Hồ và gia đình sinh sống tại Huế. Rất nhiều hiện vật, mô hình được trưng bày đã tái hiện khá rõ nét về cuộc sống của gia đình Bác.
Đoàn nghe giới thiệu các hiện vật, tư liệu lịch sử về 10 năm sinh sống của Bác Hồ và gia đình đang được trưng bày tại Bảo tàng
Sau khi tham quan tại Bảo tàng, Đoàn đã đến thăm quan, thắp hương tưởng niệm tại hai Di tích: Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan và Di tích lịch sử - văn hóa Nhà lưu niệm Dương Nỗ.
Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (nay là 158 Mai Thúc Loan) là di tích lưu niệm thời niên thiếu (từ năm 1895 - 1901) của Bác Hồ. Ngôi nhà này vốn trước đây là một trại lính của Nha Hội thành triều Nguyễn bị bỏ phế lâu ngày sau sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885. Đây là ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, gồm 4 vài cột kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bàn khoa “thượng song, hạ đố”. Ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào ngày 02 tháng 02 năm 1993, và được trùng tu tôn tạo ngày một khang trang, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ kính yêu.
Tuy gian nhà chật chội, đồ đạc đơn giản của thủa hàn vi nhưng cũng đủ cho cho bà Loan đặt khung cửi dệt vải và chổ học hành, ăn, nghỉ của ba cha con. Chiếc giường tre kê ở góc phía đông ngôi nhà bà Loan năm ngủ. Cạnh võng đu đưa là khung cửi. Ngôi nhà này đã chứng kiến bao nhiêu nỗi gian nan, vất vả, đau thương của gia đình Bác Hồ.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan (nay là 158 Mai Thúc Loan)
Sau khi thăm quan tại ngôi nhà ở 112 Mai Thúc Loan, Đoàn đã đến thắp hương, thăm quan tại ngôi nhà gia đình Bác tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc dự kỳ thi hội lần thứ hai khoa Mậu Tuất vẫn không đỗ. Cuộc sống gia đình và nghiệp văn chương của ông gian nan, lận đận. Giữa đất đế đô, một mình bà Loan lao động quần quật mà vẫn không thể nào đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Sau lần thi trượt này, ông Sắc không được hưởng học bổng của trường Quốc Tử Giám nữa. Muốn thi lại ông phải tự chèo chống ôn bài. Trước tình cảnh đó, được một người bạn giới thiệu về dạy học cho con cái gia đình ông Nguyễn Sĩ Ðộ - làm chức Hương bộ trong làng. Ông Sắc đã đem hai anh em là Khiêm và Cung về cùng học với mình tại Dương Nổ. Qua giọng nói ngọt ngào, sâu lắng của người hướng dẫn viên tại đây, các thành viên trong Đoàn đã được nghe lại câu chuyện cảm động khi Bác cùng gia đình sinh sống tại đây.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà gia đình Bác Hồ đã ở tại thôn Dương Nỗ
Tại Huế, Đoàn đã đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của Ban Giám đốc Bảo tàng. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đoàn đã cảm ơn sự đón tiếp của Lãnh đạo Bảo tàng; giới thiệu về Ban Quản lý Lăng, về công tác, đón tiếp tuyên truyền hiện nay tại Lăng và tặng quà lưu niệm cho Bảo tàng.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đoàn đã tặng quà lưu niệm cho đại diện Ban Giám đốc
Bảo tàng
Sau đó, theo đúng kế hoạch học tập của Lớp, Đoàn đã đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại trường Quốc học Huế.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trường Quốc học Huế
Nhân dịp này, Đoàn đã đến thăm quan một số điểm du lịch tại Huế như Đại nội, Chùa Thiên Mụ, Lăng vua Khải Định, Lăng vua Tự Đức, Đàn Nam Giao...
Đoàn Lớp tập huấn tại Đại nội Huế
Chia sẻ cảm nhận về chuyến đi, đồng chí Cao Thị Hải Yến – cán bộ đón tiếp tại Ban Đón tiếp – Văn phòng Ban Quản lý Lăng chia sẻ: “ Chuyến đi lần này thật sự rất thú vị và bổ ích. Đặc biệt đối với riêng tôi là người trực tiếp tham gia đón tiếp khách trong nước và quốc tế vào Lăng viếng Bác. Chuyến đi đã mang lại những bài học ý nghĩa về đón tiếp, tuyên truyền cho tôi cũng như các thành viên trong Đoàn. Tôi rất hy vọng mình sẽ có cơ hội để tham gia những chuyến đi tập huấn ý nghĩa như vậy trong những năm sau”.
Chuyến đi trong 5 ngày của Lớp tập huấn đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, với các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu tại các điểm Di tích, chuyến đi đã đem lại nhiều bài học ý nghĩa đối với từng cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác đón tiếp, tuyên truyền trong Đoàn. Đây chính là cơ sở để nâng cao hơn nữa hoạt động đón tiếp, tuyên truyền lại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích K9; đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của đồng bào và khách quốc tế trong điều kiện hiện nay; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt đã được giao phó./.
Thanh Huyền, Kim Ánh