Dưới cái nắng oi bức của những ngày hè, mười hai giờ ba mươi phút.

Đường Hùng Vương, lẫn trong dòng người vào Lăng viếng Bác, một nhân viên tầm thước, gọn gàng với bộ quần áo vận hành, đang cố gắng gạt những chiếc yếm bạt mái che bị gió hất lên để bảo đảm che mát cho đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Người. Trán đẫm mồ hôi, nét mặt sáng tươi, ánh lên niềm vui khi thấy những dải yếm bạt đã buông đều thẳng tắp, Trương Văn Hữu dừng lại, dõi theo dòng người và ngước nhìn về phía Lăng, gương mặt thể hiện nét trang nghiêm, thành kính.

guong-nt-bqllang.gov.vn
Đồng chí Trương Văn Hữu chuẩn bị phục vụ Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ

Kết thúc buổi Lễ viếng Bác, mặt trời đã đứng bóng, những người công nhân cần mẫn đang thực hiện những công việc, Trương Văn Hữu đưa mắt nhìn những viên đá trên bậc thềm tam cấp phía trước cửa Lăng, bóng loáng như tấm gương lớn với nhiều mảng ghép in hình những khuôn mặt ửng đỏ, đẫm mồ hôi. Hữu cùng với anh em trong Tổ gấp lại những tấm thảm đỏ cẩn thận đưa lên chiếc xe tải nhỏ đang chờ dưới lòng đường Hùng Vương, kiểm tra vệ sinh lần cuối sau một buổi Lễ viếng Bác và tiếp tục đi sang Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ để thực hiện những công việc còn lại của buổi sáng hôm nay. Nhiệm vụ vệ sinh, bảo quản kiến trúc Công trình Lăng, phục vụ chu đáo lễ viếng Bác và lễ đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ là những công việc thầm lặng, thiêng liêng. Trương Văn Hữu đón nhận nhiệm vụ trong niềm thầm kính, trân trọng, mong sao ngôi nhà vĩnh hằng của Bác luôn sạch đẹp, để đồng bào và khách quốc tế mỗi lần về thăm Người luôn thấy được niềm vui, như khi trở về với chính ngôi nhà của mình. Ưu tư suy nghĩ anh hiểu rằng, người thợ bảo quản kiến trúc công trình ngoài sự cần mẫn, tỉ mỉ, phải có cái tâm trong sáng thì các anh mới làm tròn được nhiệm vụ được giao.

Trương Văn Hữu lớn lên ở vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Hưng Yên đã đi vào truyền thuyết với câu chuyện của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung, mảnh đất với những phố phường sầm uất trong câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” mà bà hay kể chuyện ngày xưa, trong một gia đình có bốn người con. Là anh cả nên Hữu phải lao động sớm hơn các bạn bè cùng trang lứa, kiếm những đồng tiền công của bác thợ rèn già cuối xóm để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Năm mười tám tuổi, Hữu gác lại giấc mơ ngồi trên giảng đường đại học, xung phong đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Ngày khám tuyển, Hữu nhớ như in câu hỏi của anh cán bộ tuyển quân:

- Hữu này! Em về công tác với anh ở Hà Giang nhé?  

Không một phút đắn đo Hữu trả lời:

- Vâng ạ!

Nhận được giấy báo nhập ngũ, gặp anh Hoan người cán bộ tuyển quân hôm ấy, Hữu mới hiểu rằng đó chỉ là phép thử cần thiết để các anh chọn lựa chiến sỹ vào làm nhiệm vụ đặc biệt tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hữu vẫn nhớ, khoá huấn luyện chiến sỹ mới có nhiều kỷ niệm vui đi kèm với nhớ nhà, nhớ các em trong mỗi đêm dài. Hôm đó giờ giải lao trên thao trường của đơn vị, nhận được thư của cô em gái, Hữu chạy thẳng ngồi bên gốc cây phượng già trổ hoa đỏ thắm, mở thư đọc, mắt Hữu đỏ hoe khi bị trung đội trưởng bắt gặp.

Kết thúc khoá huấn luyện Trương Văn Hữu được tuyển chọn về công tác tại Đội Bảo quản, Đoàn 195. Phấn đấu vươn lên, tháng 7 năm 1991, Hữu được cấp trên tin tưởng gửi đi học Trường Công nhân Kỹ thuật Nam Định. Tháng sáu năm 1994, Trương Văn Hữu tốt nghiệp ra trường với chứng chỉ nghề giỏi, ngành Bảo dưỡng kiến trúc với bậc thợ 4/7. Trở về nơi công tác quen thuộc, tâm trạng Hữu nhiều xúc cảm, mừng vui khi nghĩ về nhiệm vụ cao quí của người thợ bảo quản kiến trúc và tự nhủ làm sao cho luôn sạch đẹp để đồng bào thấy ấm áp, khi trở về Lăng viếng Người.

Nhớ lại giây phút nghỉ giải lao giữa buổi chiều nay, dưới tán cây xanh với những hạt nắng đang nhảy múa dưới vòm cây của khuôn viên nhỏ nép bên Quảng trường Ba Đình đầy nắng, tâm sự với người thợ trẻ Đỗ Đăng Vĩnh anh nói:

- Để công trình luôn được sáng, đẹp nhất là về ban đêm khi hệ thống chiếu sáng hoạt động đòi hỏi bề mặt tường đá phải thật sạch, độ bóng phải cao, do vậy để khắc phục được tối đa hiện tượng chảy nhũ trên bề mặt đá, điều ấy chỉ được thực hiện bằng những biện pháp thủ công thật tỉ mỉ…

Nghe đến đây Đỗ Đăng Vĩnh thắc mắc hỏi:

- Dạ! sao không sử dụng máy để đánh bóng bề mặt?

- Cũng được! tuy nhiên sử dụng máy đánh bóng thì rất khó thực hiện trên bề mặt rộng, cao của công trình Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Hơn nữa nếu sơ xuất, sẽ mất đi độ bóng sáng vốn có của các loại đá quý. Vì vậy, phải vệ sinh bằng biện pháp thủ công là tốt nhất, bằng những tấm khăn lau sạch và đôi tay cần mẫn tài hoa của người thợ bảo quản kiến trúc và ngược lại, chỉ một sơ xuất cẩu thả, không để ý, bụi bẩn bám vào đánh gợn lên trên bề mặt, tạo ra những mảng bám cho bụi, rêu mốc, địa y bám vào phát triển thì coi như chúng ta đã không hoàn thành nhiệm vụ!

- Dạ! vâng em hiểu!

- Tuy vậy, ngoài sự cần mẫn, tỉ mỉ chúng ta phải quan sát xử lý tinh tế, bảo đảm tính thẩm mỹ cao, áp dụng các phương pháp bảo quản, vệ sinh phù hợp để công trình Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ luôn đẹp, tươi sáng, bền vững với thời gian.

Bản tin thời tiết sau chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam luôn là sự quan tâm đặc biệt của anh, cẩn thận ghi chép những công việc cần làm cho ngày hôm sau. Một lần được chứng kiến cảnh anh đang cần mẫn chỉnh lại, căng thêm khung bạt mái che, trong khi thời tiết mát mẻ, tôi hỏi anh:

- Anh Hữu! Hôm nay trời râm mát mà anh, sao lại cẩn thận thế!

Quay lại phía tôi anh cười, chào tôi và nói:

- Tí nữa trời đổ mưa đấy em ạ!

Như lời anh nói, hơn ba mươi phút sau trời bỗng đổ mưa rào và tôi thấy câu hỏi của mình thật bàng quan, vô cảm điều đó làm tôi suy nghĩ, trăn trở mãi. Hôm sau tôi quyết định tìm gặp anh để tìm hiểu, anh cho biết: “Đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác là khách của Bác, chúng ta càng biết ơn Bác, kính trọng Bác bao nhiêu thì càng phải ân cần, tận tình chu đáo với khách của Bác bấy nhiêu, có thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết thì mới chủ động được trong công việc và khách của Bác sẽ không bị mưa”. Câu nói mộc mạc giản dị ấy là bài học về tình người, cách ứng xử, sự tận tâm với công việc đón tiếp mà Hữu đã làm, đọng lại trong tôi ký ức đẹp về anh không bao giờ quên.

Trận mưa lớn năm 2011, khi kiểm tra vệ sinh bề mặt đá hai bên Lễ đài, thấy hiện tượng nhũ đá chảy thành những vệt trắng loang lổ ở họng thoát nước, ảnh hưởng đến độ bóng sáng của bề mặt kiến trúc. Một mặt Hữu chỉ đạo anh em trong tổ tiếp tục sử dụng giẻ sạch lau nhiều lần. Mặt khác anh đặt câu hỏi, sao không sử dụng tấm tôn thẩm mỹ đặt dưới họng thoát nước hai bên lễ đài. Nghĩ là làm, anh mạnh dạn đề xuất sáng kiến: “Xử lý hiện tượng nhũ đá chảy tại họng thoát hai bên lễ đài B1, B2” và được Thủ trưởng đơn vị đồng ý áp dụng. Sau những trận mưa, kiểm tra bề kiến trúc, thấy mặt tường đá bóng sáng hơn, không còn hiện tượng nhũ đá chảy điều đó làm anh cảm thấy rất vui. Mỗi lần chứng kiến anh em trong tổ sử dụng bình xịt để phun nhũ lên tấm đồng hoa văn Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn cao, Hữu cảm thấy không yên lòng. Ngày đêm suy nghĩ , anh mạnh dạn đề xuất sáng kiến: “Thiết kế giá kẹp hộp sơn sịt nhũ tấm đồng tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ” khi đưa vào áp dụng, rất tiện, an toàn cho anh em thi công bảo dưỡng. Nhìn ánh mắt vui sướng của anh, tôi nhớ lại câu nói của Thượng tá Nguyễn Ngọc Huân - Đoàn trưởng Đoàn 195: “Anh Hữu là cán bộ tổ giản dị, tận tuỵ với công việc, người có nhiều ý tưởng, sáng kiến hay được áp dụng vào phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tấm gương tiêu biểu cho anh em chúng ta học tập!”./.

                                                                               Đặng Văn Phong

Bài viết khác: