Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tìm hiểu, quan tâm và đấu tranh cho lớp người cùng khổ của xã hội. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và giải phóng người phụ nữ khỏi số phận bị chèn ép, bị coi thường chỉ được ví thân phận mình như con ong, cái kiến trong xã hội phong kiến. Bác đã từng nhận định làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có ý nghĩa thực sự khi giải phóng được phụ nữ, bởi vì: “Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ một nửa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và chụp ảnh với đại biểu nữ
dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960).
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Bác và Đảng hết sức coi trọng và “thực hiện nam nữ bình quyền” cũng đã được nêu ra trong văn kiện thành lập Đảng tháng 2 năm 1930, được coi như một phần trong chủ trương đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.
Quan điểm nam nữ bình quyền của Bác không chỉ được xác định ngay trong bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng mà mục tiêu này còn được Người đưa vào chương trình hoạt động của Việt Minh năm 1941. Cụ thể là về: Chính trị vô luận nam nữ hễ ai từ 18 tuổi trở lên được quyền bầu cử, ứng cử; Đối với các lớp nhân dân phụ nữ được bình đẳng với đàn ông về mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. (Trích trong: Phụ lục Nghị quyết trung ương lần thứ VIII (năm 1941) - Chương trình Việt-Minh ).
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác cũng khẳng định với toàn thể đồng bào và tất cả bạn bè thế giới về quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam với nam giới. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chị em phụ nữ Việt Nam cũng được xếp ngang hàng với nam giới không phân biệt trong việc ứng cử cũng như bầu cử.
Có thể nói giải phóng thân phận người phụ nữ, đưa người phụ nữ lên tầm cao trong xã hội ngang bằng với nam giới thực sự được Hồ Chủ tịch quan tâm và thực hiện bằng những hành động thiết thực. Điều đó còn được Người pháp điển hóa trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chủ tịch đã đưa vào hiến định là: “ Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” - Điều 1 - Hiến pháp năm 1946 hay tại Điều 9 – Hiến pháp năm 1946 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tập hợp phụ nữ Việt Nam thành một khối thống nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử phụ nữ Việt Nam có một tổ chức chính thức được Nhà nước công nhận để hoạt động bảo vệ cho quyền lợi của toàn bộ phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ giải phóng người phụ nữ như đưa người phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, bảo đảm quyền lợi người phụ nữ bằng Hiến pháp, pháp luật. Để giải phóng phụ nữ một cách triệt để hơn, thì theo Người phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo, bồi dưỡng để người phụ nữ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao vì sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc nói chung và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua, tăng gia sản xuất và thực hành tiết hiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… Phụ nữ phải nhận rõ địa vị người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để thân phận của người phụ nữ hoàn toàn được giải phóng, thì tự bản thân các chị em phụ nữ phải có tinh thần cầu thị vươn lên, hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật. Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người chỉ rõ những hạn chế của phụ nữ như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; Người cũng thấy rõ khó khăn của người phụ nữ là phải chăm lo gia đình, con cái và Người động viên: Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng của mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn.
Năm 1969, Bác tặng hoa phong lan cho các nữ chiến sĩ Quảng Bình
Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Đáp lại tấm chân tình của Bác giành cho phụ nữ Việt Nam, các thế hệ phụ nữ Việt Nam ta đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Trong thời chiến, chị em không hề thua kém cánh nam giới mà tham gia kháng chiến chống giặc cứu nước mạnh mẽ hơn, hiên ngang hơn, sẵn sàng chống lại mọi bom đạn, ngục tù tra tấn của quân thù… để kháng chiến thành công giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại tất cả phụ nữ Việt Nam lại cùng chung vai, gánh sức cùng với nam giới để bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.
Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Với tinh thần học hỏi, làm việc không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều chị em phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động … Trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu như ngành dệt, may mặc, du lịch, công nghệ dịch vụ …
Ngày 20 tháng 10 hàng năm là dịp để tôn vinh phụ nữ Việt Nam cũng là cơ hội để chị em tỏ lòng biết ơn với Bác kính yêu, cũng như nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua của dân tộc để cảm thấy tự hào về những gì mà phụ nữ Việt Nam đã làm. Đó là những tấm gương anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Để từ đó nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng có những cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ kính yêu./.
Kim Yến