Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam. Lịch sử nước nhà mãi lưu danh hai nhân vật vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã đưa hai con người xuất chúng ấy đến gần với nhau, trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí, hai người tri kỷ để làm nên hai cái tên mà chắc là hàng trăm năm nữa, lịch sử còn phải nhắc tới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân duyên lịch sử
Lịch sử luôn có những sự trùng hợp rất ngẫu nhiên. Dân tộc Việt Nam đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người đã làm thay đổi lịch sử dân tộc ta, đã làm hồi sinh đất nước, làm cả thế giới phải nghiêng mình tôn kính trước một Việt Nam nhỏ bé nhưng anh hùng, đưa tên tuổi của nước nhà vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều sinh ra ở mảnh đất miền Trung giàu truyền thống cách mạng: Bác Hồ sinh ra ở quê hương Nghệ An đầy nắng và gió, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời từ “miền gió lạ cát trắng” - Quảng Bình. Quê hương anh hùng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hun đúc và hình thành lòng yêu nước sâu nặng trong con người Bác Hồ và Bác Giáp.
Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng cũng là năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng An Xá. Cũng thật ngẫu nhiên, lịch sử lại đưa hai con người kiệt xuất của hai thế hệ nối tiếp nhau ấy trùng phùng, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt phần đời còn lại của mỗi người và trở nên vĩ đại, bất tử.
Tháng 6-1940, lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc. Kể từ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực trong trái tim, là người có ảnh hưởng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Những thành công trong cuộc đời cầm binh đưa Võ Nguyên Giáp đến vị thế của một tướng lĩnh huyền thoại có dấu ấn sâu đậm của người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng từng bộc bạch: “Tôi được biết và ngưỡng mộ Người từ lúc mới giác ngộ cách mạng - từ lúc tôi 13-14 tuổi. Lúc đầu, được xem ảnh Bác, được đọc tác phẩm của Người; về sau tham gia các tổ chức cách mạng, lại được tiếp xúc với nhiều bài viết của Người. Lòng hâm mộ đối với Bác trong trái tim tôi lúc bấy giờ thật là không bờ bến. Và tôi hằng mơ ước có ngày được gặp nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng nước ta. Thế rồi, lần đầu tiên được gặp Bác, ấn tượng sâu sắc để lại trong tâm trí tôi là con người Bác sao mà giản dị thế. Bác gọi tôi là đồng chí, tôi gọi Bác là anh… Bác là một con người giản dị và vĩ đại, càng giản dị lại càng vĩ đại. Về sau, được sống và làm việc gần Bác, ấn tượng của buổi gặp mặt ban đầu ấy càng thêm sâu sắc, càng được khẳng định.”1
Người học trò xuất sắc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ, cũng là một tấm gương điển hình về đạo đức của người cách mạng, về đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Trước nhiều thời điểm lịch sử của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn bạc để đưa ra những quyết định trọng đại
Chính Bác Hồ là người đã đưa Võ Nguyên Giáp đến với nghiệp “võ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel vào năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày đầu đến với việc… nhà binh: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi chúng tôi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một đồng chí đã nói: "Khởi nghĩa vũ trang ư? Nhưng chúng ta làm gì có vũ khí?". Hồ Chủ tịch trả lời cần ưu tiên vấn đề con người: "Con người trước đã, vũ khí tính sau. Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả”.
Sau đó, Người nói thêm: "Đồng chí Văn (tức là tôi) cùng các đồng chí khác sẽ làm công tác vận động quần chúng". Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người nhắc lại, tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự. Vì vậy, tôi đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ.
Tháng 12-1944, Bác Hồ giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập đội quân chủ lực đầu tiên. Trong một bài phát biểu vào năm 1989, Đại tướng khẳng định mình vẫn luôn nhớ lời Bác dạy khi giao cho đồng chí nhiệm vụ đặc biệt vào thời điểm năm 1944 đó: “Phong trào có lúc lên, lúc xuống. Nếu có được đội ngũ cán bộ, cán bộ trong đảng và cán bộ ngoài Đảng, có đội ngũ cốt cán thì lúc phong trào lên sẽ tốt, lúc khó khăn, phong trào xuống, cũng vẫn vững vàng thôi. Vì vậy, phải hết sức chú trọng cán bộ, nhất là thanh niên, cả gái và trai”. Tôi đã làm như vậy. Đến mãi sau này, tôi vẫn làm như vậy.”2
Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Kể từ đây Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh thế kỷ, trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân ta lập nên những chiến công vang dội.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở ra một kỷ nguyên cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Đến ngày 28-5-1948, tại buổi lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta, Hồ Chủ tịch long trọng tuyên bố: “Nhân danh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sỹ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác”. Từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam khi mới ở tuổi 37, là vị quân nhân đầu tiên được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian. Điều này thể hiện sự thiên tài của Bác trong dùng người: Bác không chọn bất kỳ một nhà quân sự được đào tạo bài bản nào mà lại chọn đúng một thầy giáo dạy Sử, một sinh viên Luật học để cầm quân. Và cũng chính nhà giáo ấy đã lãnh đạo quân đội ta từ vỏn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ trở thành một quân đội chính quy ngày càng hiện đại với những binh đoàn hùng mạnh ngày nay.
Đặc cách phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp là thiên tài của Bác Hồ trong dùng người
Ngày 22-12-1949, trong thư gửi bộ đội và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội, Bác Hồ viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta…”.
Trong sự nghiệp, Tướng Giáp không bao giờ quên lời dạy sâu sắc của Bác: “Tình hình phức tạp phải nhớ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước là bất biến, cần nắm vững, đó là nguyên tắc, đó là chiến lược. Trên cơ sở nguyên tắc ấy, sự bất biến ấy mà vận dụng sách lược, tùy tình hình cụ thể mà ứng phó. Suốt đời, tôi nhớ lời dặn của Bác, mỗi lần gặp khó khăn lại nhớ đến lời dặn ấy. Sao mà sâu đậm đến như thế”.3
Trong ký ức của Tướng Giáp, “vào tháng chạp năm 1944… trong hang đá lạnh lẽo, cùng nằm trên giường làm bằng cây rừng ghép lại, ánh lửa bập bùng, trò chuyện đã rất khuya, bỗng Bác nói: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”. Câu nói ngắn gọn ấy, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân. Điều tâm đắc đó đã trở thành máu thịt trong tôi.”4 Dĩ công vi thượng là cốt cách người cách mạng. Bốn từ ấy đã được Đại tướng nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận lúc ra đi về với Người.
Việc dùng người đối với Bác Hồ mà nói là cả nghệ thuật. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo của Đảng ta là “dùng người như dùng gỗ” và “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác luôn thể hiện sự vững tin ở phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của người học trò xuất sắc của mình.
Còn nhớ trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuối Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi Võ Đại tướng:
- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?
Đại tướng báo cáo với Bác, ở mặt trận có mặt của Tổng Tham mưu phó và Phó Chủ nhiệm chính trị, sẽ tổ chức một cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng ở lại căn cứ phụ trách Mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.
Bác thân mật nói với Võ Đại tướng:
- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.
Khi chia tay, Bác còn nhắc:
- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.
Và trong những thời khắc lịch sử quan trọng, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán đầy tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc của một vị danh tướng, ra quyết định quan trọng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Võ Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.
Trong suốt cuộc đời cầm quân sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt câu nói của Bác Hồ: “Vì nước ta nhỏ, yếu, nhân dân ta sẽ ít thôi, không nhiều như Trung Quốc cho nên làm thế nào để thắng địch nhiều mà tổn thất ít nhất”, phải chắc thắng mới đánh, chiến thắng nhưng phải giảm thiểu được tối đa thiệt hại của quân ta, không để cấp dưới phải hy sinh nhiều. Đó chính là tính nhân văn trong con người vị danh tướng dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là “một trong những học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là một trong số ít người có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện nhất về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.5
Hai cốt cách phi thường, hai con người toàn năng
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những con người toàn năng, vĩ đại, đã làm cho Việt Nam tỏa sáng. Cuộc đời của hai Bác thật trong sáng và đẹp đẽ: Đẹp từ tuổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, đẹp về trí tuệ, về đạo đức, về phong cách; đẹp từ việc nhỏ đến việc lớn; đẹp trong quá khứ, trong hiện tại và sáng mãi trong tương lai! Một vẻ đẹp bình dị mà cao quý.
Năm 1992, đồng chí Peter MacDonald, một nhà quân sự và một nhà nghiên cứu, đã xuất bản tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá” (Giap, an assessment) bằng tiếng Anh (bản dịch tiếng Pháp là: Giáp - Hai cuộc chiến tranh Đông Dương). Trong đó có đoạn: Người Việt Nam, bất kể là ai, đều là những nhân tố thật sự kiến tạo nên thắng lợi: Họ đã tỏ ra cương quyết, hết lòng, kỷ luật, dũng cảm và nhiệt tình. Họ đã có một vị Tổng tư lệnh phi thường, đó là Hồ Chí Minh, người cầm lái; Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy các lực lượng vũ trang (….).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Trọn cuộc đời, Người đã hy sinh cho hạnh phúc của toàn dân tộc. Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, giá trị của toàn nhân loại. “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị áp bức mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”6. Đó là những lời ngợi ca đẹp đẽ mà Tiến sĩ A.Atmet, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã để lại cho dân tộc và nhân loại cần lao những di sản vô cùng to lớn đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta đi đến thắng lợi.
Võ Nguyên Giáp - vị tướng văn võ toàn tài, một thiên tài toàn năng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa, kinh tế... Trong thế kỷ XX, thế giới chắc không có vị tướng nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đánh bại 10 Đại tướng của Pháp, 4 Đại tướng của Mỹ, được cả thế giới vinh danh. Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu Thế giới được tổ chức ở Thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) đã nhất trí bầu Võ Nguyên Giáp là 1 trong số 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất của nhân loại mọi thời đại (Việt Nam có 2 người trong danh sách này, người còn lại là Trần Hưng Đạo). Hãng tin AP đánh giá: Là một anh hùng dân tộc, đồng chí Giáp để lại một di sản chỉ đứng sau duy nhất người thầy của mình, chủ tịch sáng lập và nhà lãnh đạo giành độc lập cho đất nước - Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo được nhiều học trò và Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất. Giờ đây, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - hai người con kiệt xuất của dân tộc ta đều đã về với thế giới bên kia. Song, đối với toàn thể đồng bào và nhân dân cả nước ngày nay và cho đến tận mai sau thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi với non sông, đất nước./.
Thu Hiền
------------
(1, 2, 3, 4, 5). Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006), Nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.510, 515, 513, 514, 3.
(5). Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (2001), Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.5.