Cách đây hơn 6 năm, vào ngày 14 tháng 5 năm 2007, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Đá Chông” tại Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Trước giờ khai mạc, các đại biểu làm Lễ dâng hương, tưởng nhớ Bác và tham quan những hiện vật tại Khu Di tích K9. Đến bên cuốn sổ ghi Lưu niệm, mọi người đều lặng đi khi đọc những dòng cảm tưởng sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Hôm nay, ngày 07 tháng 01 năm 1998 lên thăm lại Khu Di tích K9, cũng thường gọi là khu Đá Chông, nhìn lên bức tượng khá giống của Bác, ngồi lại tại cái bàn trước đây, Bác đã họp cùng các anh trong Bộ Chính trị, càng nhớ Bác vô cùng, cảm thấy như ngày nào lên đây làm việc với Bác.
Rõ ràng là Bác sống mãi với non sông, đất nước, với các thế hệ; Bác vẫn lãnh đạo quân và dân ta, dưới ngọn cờ của Bác và của Đảng, thắng lợi tới đỉnh cao mới, thực hiện lý tưởng, cũng là mong muốn tột bậc của Bác, đưa nước ta đến độc lập và thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Ngày Xuân, càng nhớ Bác kính yêu”.
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi ở sổ Lưu niệm tại Khu Di tích K9
Trong buổi Hội thảo, có nhiều ý kiến phát biểu tham luận làm sáng tỏ các sự kiện, hiện vật gắn liền với Bác Hồ ở Khu Di tích Đá Chông, trong đó có một số ý kiến phát biểu kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Đá Chông cùng làm việc với Bác. Ông Lê Văn Năm, ở thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, nguyên là chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Trung đoàn 600 đã làm nhiệm vụ bảo vệ khu Đá Chông từ năm 1960 đến năm 1968 bồi hồi kể lại: “Năm 1963, đúng ngày 19 tháng 5, Bác lên làm việc tại Đá Chông. Anh em trong Tổ bảo vệ và phục vụ tại đây đang chuẩn bị lên nhà 2 tầng chúc mừng ngày sinh lần thứ 73 của Bác, thì ngay từ sáng sớm đã thấy Bác xuống thăm nơi ở của anh em tại khu vực dành cho lực lượng bảo vệ và phục vụ. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí lên chúc thọ Bác. Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị trao đổi công việc rồi ăn cơm trưa. Sau đó, Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tới xóm Đồi, xã Thuận Mỹ thăm gia đình cụ Cẩm. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đến thăm xóm Sung và thăm xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Cuối buổi chiều hôm đó, Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị trở về Hà Nội”.
Đại tướng tại Khu Di tích K9
Kể về những lần gặp Bác, ông Trần Văn Bắc, ở Thôn 1, xã Thuận Mỹ, huyện Ba Vì, nguyên là cán bộ của Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ tại Đá Chông từ năm 1962 đến 1990 cho biết: “Ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ lên Đá Chông. Cùng đi có các đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Bác và các đồng chí cùng đi đã trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5 tháng 8 năm 1964) và một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân. Bác đã trao đổi với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Bá Đặng, cùng một số cán bộ Binh chủng Công binh và quyết định việc đào hầm trú ẩn tại K9. Trước đó Bộ đội Công binh đã đào hầm phía gần nhà bảo vệ và bể nước (ngay phía sau ngôi nhà 2 tầng), khi Bác lên quan sát địa thế, Bác đã yêu cầu chuyển xuống vị trí gần gốc đa, khu vực nhà kính bây giờ. Theo Bác, phía đó có sự che chắn của đỉnh U Rồng, địch khó có thể đánh phá bằng không quân được”.
Đại tướng tưởng niệm và trồng cây tại Khu Di tích K9
Nhớ lại câu chuyện vào dịp tháng 5 năm 1957, khi Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, Bác đã chọn Đá Chông làm căn cứ của Trung ương. Trong những năm 1958 đến năm 1965, Bác đã nhiều lần lên Đá Chông kiểm tra, làm việc, đón tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) năm 1961 và đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc - man Ti - tốp năm 1962 đã có nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tham gia. Mỗi lần cùng với Bác lên Đá Chông đều lắng đọng lại trong Đại tướng những tình cảm đặc biệt dành cho Bác Hồ.
Những dòng lưu niệm của Đại tướng đã thôi thúc tôi tìm gặp Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội Di tích thuộc Đoàn 285 và được nghe kể chi tiết câu chuyện: “Hôm đó, ngày 07 tháng 01 năm 1998 (tức ngày mồng Chín tháng Chạp năm Đinh Sửu), Đại tướng lên từ sáng. Sau khi thắp hương tưởng niệm Bác, Đại tướng vào thăm căn phòng họp Bộ Chính trị năm xưa. Trong tâm trạng xúc động, Đại tướng chỉ cụ thể vị trí Bác ngồi chủ trì hội nghị và từng vị trí các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngồi dự họp. Đến bên chiếc bàn ở góc phòng họp, Đại tướng lật từng trang sổ Lưu niệm và chăm chú ghi từng chữ, từng dòng cảm tưởng nhớ tới Bác Hồ. Buổi chiều, Đại tướng đã trồng cây lưu niệm trước cửa ngôi nhà hai tầng và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên của Đội Di tích”. Trước khi kết thúc, Đại tướng căn dặn những công việc cụ thể dành cho cán bộ, nhân viên Đội Di tích: “Đây là Khu Di tích rất đặc biệt, gắn liền với Bác Hồ cả khi Bác còn sống và sau khi Người đã qua đời. Mỗi hiện vật, cây, hoa nơi này đều in đậm bóng hình của Bác. Vì vậy các cháu phải trân trọng, nâng niu bảo quản, giữ gìn thật tốt từng hiện vật, từng gốc cây để tỏ lòng kính yêu Bác và cũng là để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đồng bào mỗi khi đến tham quan tại Khu Di tích”.
Sau đó, ngày 30 tháng 8 năm 2002, Đại tướng tiếp tục lên thăm Khu Di tích K9. Sau khi nghe Đại tá Lại Văn Sương, Đoàn trưởng Đoàn 285 báo cáo kết quả công tác đón tiếp khách đến thăm Khu Di tích và những công việc bảo quản, giữ gìn các hiện vật ở đây Đại tướng rất hài lòng. Đại tướng tiếp tục căn dặn đơn vị phải học gương Bác Hồ về phong cách tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự mỗi khi đón tiếp, phục vụ đồng bào. Mỗi lần Đại tướng lên thăm Khu Di tích K9, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Đoàn 285 đều cảm nhận được tình cảm đặc biệt của Đại tướng dành cho đơn vị và đều tự hứa sẽ quyết tâm làm thật tốt những điều mà Đại tướng đã căn dặn.
Mới ngày nào Đại tướng lên thăm Khu Di tích mà đã hơn mười năm. Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế đau buồn, thương tiếc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với tổ tiên, anh Nguyễn Trọng Nghĩa lại kể cho tôi về tình cảm của gia đình mình qua một kỷ vật đặc biệt: “Ngày nào, cả nhà mình cũng mang cuốn sách “40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” mà trước khi rời Khu Di tích K9 năm 1998 trở về Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thân mật ký tặng cho tôi, để tưởng nhớ tới những công lao to lớn của Đại tướng đối với cách mạng, đối với Quân đội và riêng với Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9”./.
Nguyễn Hữu Mạnh