Khi tôi còn bé, bất kỳ ai đặt chân đến nơi nào trên mảnh đất Nghệ An, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị tới nông thôn đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cây hoa râm bụt khoe sắc màu rực rỡ, những hàng rào râm bụt đẹp mà bình dị. Hoa râm bụt là đồ chơi thân thiết của tụi trẻ con. Những cánh hoa, nhụy hoa được các em dùng để dán lên trán, lên mặt, để ghép thành hình các con vật hay vò lá râm bụt trộn chung với nước xà phòng, dùng cọng đu đủ, cọng cỏ để thổi những quả bong bóng nhiều màu bay lên… Lớn lên, khi được đi học, được đọc nhiều sách báo mới biết rằng loài hoa dân dã, thân thuộc ấy lại gắn liền với nhiều câu chuyện kể xúc động về Bác Hồ kính yêu - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người con vĩ đại của quê hương Nghệ An nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

ram but a

Hoa râm bụt

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người rất yêu thiên nhiên, luôn muốn sống hòa mình vào thiên nhiên. Trong số những loài hoa được Người yêu thích, phải nhắc đến hoa râm bụt - loài hoa mộc mạc, dân dã nhưng thanh cao.

Với năm cánh mỏng đỏ thắm, hoa râm bụt nghiêng mình thả xuống trông giống như chiếc lọng che. Không biết từ bao đời, các cụ bảo hoa râm bụt là hoa cửa Phật. Hoa bắt đầu nở rộ vào những ngày đầu hè, tỏa hương thơm nhè nhẹ. Mỗi bông hoa chỉ nở trong khoảng thời gian rất ngắn. Cây râm bụt rất dễ trồng, dâm cành xuống là mọc thành cây.

Nhà văn Sơn Tùng đã từng có nhận định: “Hoa sen từ ao bùn lên mà là biểu tượng trong sạch, thanh cao, Phật tính được dâng lên Chùa. Hoa râm bụt từ nơi xó vườn, ngõ xóm, bờ ao và sớm nở tối tàn là thứ hoa quê, “hoa bờ rào, bờ dậu”. Nếu tôi không nhầm thì chỉ có hai vị anh hùng dân tộc, hai bậc danh nhân văn hóa: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh nâng hoa râm bụt lên bậc thanh cao phật tính, lòng mẹ… bài thơ Mộc cận, là hoa râm bụt của Nguyễn Trãi:

“Ánh nước hoa in một đoá hồng

Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng

Chiều mai nở, chiều hôm rụng

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.(1)

Hoa râm bụt - loài hoa gắn liền với tuổi thơ, với quê nhà đã theo Bác suốt những năm dài hoạt động cách mạng: Khi bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, khi sống ở Khu ATK Định Hóa hay những ngày về ở Thủ đô Hà Nội. Theo lời kể của Bác Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy, pho tư liệu sống về Hồ Chủ tịch thì nơi Bác ở, Bác thích trồng cây râm bụt làm bờ rào, trang trí khuôn viên. Bác hay nhắc anh em trong cơ quan: “Ngoài làng thì trồng cây đa, trong nhà trồng cây râm bụt”. Nếp nhà tập tục quê hương là những khởi thủy tạo nên tính cách đầu tiên của con người.(2)

ram but b

Cây râm bụt Bác trồng tại Khu ATK Định Hóa - Thái Nguyên. Ảnh: Internet

Tại quê Bác ở làng Kim Liên (Nghệ An), bờ hoa râm bụt vẫn phủ dày xanh ngát hai hàng lối đi. Bên thềm hoa râm bụt kia là nơi chôn nhau cắt rốn của ba chị em Bác.

Cụ Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai của Bác đã có lần thổ lộ về kỷ niệm tuổi thơ: "Ba chị em bác đều cắt rốn chôn nhau sau căn nhà ở góc vườn kia. Đó là phía sau ngôi nhà có bờ râm bụt bao quanh, ngăn cách sân với mảnh vườn đằng trước. Hồi bé, anh em Bác quấn quýt với bờ râm bụt. Em của Bác còn ẵm ngửa, mẹ Bác sai chị Thanh hái hoa râm bụt cột chỉ treo lơ lửng, đung đưa; em bé nhìn theo cái màu đỏ ấy, tay chân bơi với muốn bay lên với chùm hoa. Đến tuổi biết đi, anh em Bác tha thẩn bên bờ hoa râm bụt từ bên vườn nhà mình sang sân vườn ông bà ngoại. Em Bác thích thú cái trò tách cánh hoa râm bụt dán lên má khoe: "Em có má hồng "... Ngày vào kinh đô Huế, nhà có vườn rộng, bờ rào râm bụt và chè mạn hảo được cúp xén nhẵn như bức tường xanh... Một hôm, em Bác dựng một màn tuồng trong vở tuồng "Tiết Cương phá thiết khâu phần"… đám học trò này dùng mủ cây ruối dán cánh hoa râm bụt vào má, trán, rốn, cằm, hóa trang vai tướng trung, mặt đỏ, dùng mực nho vẽ mặt oai nịnh thần, vai ác. Diễn xong, anh em Bác bị ngứa, gãi sưng tấy cả da mặt. Mẹ bắt hai anh em nằm vào giường để ăn roi; mẹ phạt thì em Bác thưa: "Mẹ ơi, con được mẹ cho cầm hoa râm bụt chơi, mẹ nói hoa này hiền như bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán hoa lên mặt, nào ngờ!”. Mẹ Bác phì cười: “Hoa râm bụt hiền, nhưng nhựa cây ruối nó dữ".(3)

Người làng Kim Liên quê Bác vẫn thường kể lại: Năm 1957, gần năm mươi năm xa nơi sinh trưởng mới có dịp trở lại, Bác vẫn nhớ cặn kẽ từng người, từng cảnh, từng nếp sống sinh hoạt. Và Người không quên hàng râm bụt dẫn lối vào nhà, nhất là nơi góc vườn sau nhà, ngay bên hàng râm bụt, là nơi chôn nhau của cả 3 chị em Bác. Rặng râm bụt ở ngôi nhà Bác đã được trồng lại theo ý nguyện của Bác.

 ram but c

            Trở về thăm quê sau gần 50 năm xa cách, Bác vẫn không quên hàng râm bụt dẫn lối vào nhà

Tuổi thơ gắn liền với hình ảnh cây râm bụt quê nhà. Bước vào con đường cứu nước, Bác mang cả tình yêu quê hương vào trong những câu thơ, hóa vào lòng đất để cây đơm hoa nơi Bác ở.

Nhà văn Sơn Tùng kể trong tác phẩm “Hoa râm bụt”: Năm 1977, lão thuỷ thủ 80 tuổi Đào Nhật Vinh từ Thành phố Hồ Chí Minh ra viếng Bác. Ông nói: Hôm nay (1977), tôi vào Lăng viếng Bác Hồ, thăm nơi sinh thời Người ở, làm việc với căn nhà sàn, ao cá, hàng rào râm bụt… Ký ức trào lên như sóng biển Đông, mà dấu ấn mạnh trong tâm khảm tôi là kỷ niệm ngày tôi tới số 9 ngõ Công-poanh. Đó là một ngày Chủ Nhật, ngày 30-1-1921… Lên cầu thang, bước tới cửa phòng anh Nguyễn, mùi hương từ trong phòng thơm ngát! Một cảm giác khác lạ! Phòng anh Nguyễn gợi nhớ về quê hương đất nước! Nhớ nhà!... Tôi bồi hồi nhìn vào cái bàn bên cửa sổ, nơi Anh làm việc thường ngày đang có bàn thờ, hương nghi ngút, ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt: “Ngày giỗ mẹ Anh. Hai mươi năm về trước cũng vào ngày Chủ Nhật, mồng 10-2-1901, là ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý mẹ Anh qua đời!... Từ ngày đi xa Tổ quốc, lần này ngày giỗ mẹ chẵn hai mươi năm Anh mới bày biện một chút lễ bạc lòng thành cúng mẹ, còn hàng năm Anh chỉ là “tâm hương tưởng niệm”(4).

Khi ông Vinh thắc mắc chưa hiểu tại sao gà thờ cúng mẹ mà ngậm hoa râm bụt, Bác đã giải thích bằng câu ngạn ngữ: “Gà thờ giỗ cha, gà ngậm ngọn trúc; Gà thờ giỗ mẹ, gà ngậm hoa râm bụt”. Bông râm bụt hiện diện trong câu chuyện kể của cụ Vinh giúp chúng ta hiểu thêm về con người Bác. Dù có bôn ba nơi đất khách quê người thì trong trái tim Bác, tình yêu đối với gia đình, với quê hương, đất nước, tấm lòng hiếu thảo với bậc sinh thành không bao giờ phai nhạt. Những giá trị văn hóa dân tộc đẹp đẽ vẫn luôn song hành cùng Người trên hành trình tìm đường cứu nước, tiếp thêm sức mạnh cho Người.

Trong những năm tháng sống và hoạt động cách mạng tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, hay khi đã về ở và làm việc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sau khi quân ta về tiếp quản Thủ đô vào năm 1954, Bác vẫn giữ thói quen trồng cây. Trong số rất nhiều loài cây được trồng ở nơi đây không thể thiếu bóng hình cây râm bụt. Bác từng dùng câu chuyện về cây râm bụt để nhắc nhở anh em cận vệ: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”(5).

Tháng 5 năm 1957, trong dịp theo dõi Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi ở Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Khi xây dựng các ngôi nhà, làm đường sá Người đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng trống không có cây trồng. Bác còn tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, trồng rau xanh và trồng hoa. Hai loại cây được trồng ở những nơi thường xuyên Người có thể nhìn thấy được đó là cây vú sữa của miền Nam thân yêu và cây hoa râm bụt của quê hương. Cây vú sữa được trồng ngay trước cửa sổ bàn làm việc; cây hoa râm bụt trồng ở con đường bậc thang ngày ngày Bác vẫn đi dạo rèn luyện sức khỏe.

 ram but d

Hai hàng râm bụt trên con đường sỏi đi bộ ở Khu Di tích K9

Sau khi Bác qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với Người và cũng thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Nằm trong kiến trúc Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vườn Lăng là nơi hội tụ cây trồng của khắp mọi miền đất nước, được trang trí ngăn nắp, trang nghiêm, đậm tính dân tộc, để lại trong lòng mỗi người con đất Việt cũng như du khách quốc tế những ấn tượng sâu sắc, khó quên. Đó là những cây cảnh, cây thế, cây hoa đặc trưng của các vùng, miền trên dải đất hình chữ S thân yêu; là những cây hoa thơm đậm đà tình quê hương mà lúc sinh thời Bác yêu thích như Nhài, Ngâu, Nguyệt quế, Mộc hương và Móng rồng…

Đến với vườn Lăng, khách tham quan có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh thân quen của hàng rào râm bụt. Những bông râm bụt khoe sắc đỏ tươi thắm, đung đưa trong gió, tỏa hương thơm nhẹ nhàng, êm dịu cùng với những loài hoa khác làm cho không gian cảnh quan vườn Lăng thêm hấp dẫn, độc đáo. Những hàng rào râm bụt nơi đây như hình bóng thân yêu của quê hương xứ Nghệ, của tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc vẫn bên Người trong giấc ngủ ngàn thu.

 ram but e1

Hoa râm bụt khoe sắc ở vườn Lăng

Bác Hồ rất yêu thiên nhiên và là người khởi xướng các phong trào trồng cây cùng với phương châm: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cây và người luôn gắn bó thân thiết bên nhau cùng với đất trời. Trong số những loài cây được Bác yêu thích và hiện diện trong suốt cuộc đời Người, kể cả khi Người phải xa quê hương, xa Tổ quốc là bóng hình của hoa râm bụt. Với Bác, hoa râm bụt là hoa của tình yêu quê hương, yêu đất nước, con người; hoa của tuổi thơ.

Theo thời gian, hai hàng râm bụt ở đây đã cằn cỗi không còn khả năng phục chế. Năm 2011, được sự nhất trí của lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa đã trồng mới lại hai hàng râm bụt. Đến nay, hai hàng râm bụt đã phát triển xanh tốt và cho hoa đẹp.

Với tất cả tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong những năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực hết mình trong việc bảo  tồn, tôn tạo cảnh quan ở khu vực Lăng và Khu Di tích K9 để phục vụ tốt hơn đồng bào và khách quốc tế, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thu Hiền

Chú thích: (1, 2, 3, 4, 5). Sơn Tùng (2007), Hoa râm bụt, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, Tr.91, 83, 84, 87, 89.

 

Bài viết khác: