Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn đánh giá cao và dành sự quan tâm, niềm tin vững chắc về vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam. Trong Di sản tư tưởng vĩ đại Người để lại cho muôn đời sau, vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ nước nhà luôn được Bác quan tâm đặc biệt. Người đã khẳng định và nhấn mạnh: “Trong lịch sử phát triển của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng giữ một vai trò rất quan trọng”; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”….“Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các Bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III,
tháng 9-1960 - Ảnh Internet
Nhằm đưa vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngang bằng với nam giới trong xã hội, Người cho rằng giữa nam và nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều có quyền bình đẳng giới như nhau, không được trọng nam và coi thường phụ nữ. Từ quan điểm tư tưởng đó, Người đã xem công việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng nước ta. Tại lớp học ở Quảng Châu (Trung Quốc), khi nói về vai trò của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại quan điểm của Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi”. Và Người khẳng định: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới mới thành công”.
Trong Chương trình vắn tắt của Đảng năm 1930, Người ghi rõ: “Về phương diện xã hội: Thực hiện nam nữ bình quyền". Trong Mười chính sách của Mặt trận Việt Minh do Bác Hồ soạn thảo năm 1941 cũng ghi rõ: “Đàn bà cũng được tự do; Bất phân nam nữ cũng cho bình quyền".
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng; giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ là một nội dung quan trọng của quyền con người, một nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”; tại Điều 24, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 ghi rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, biết bao xương máu của nhân dân Việt Nam đã đổ xuống, trong đó là những tấm gương anh dũng, kiên cường, bất khuất của các nữ Anh hùng - những người phụ nữ Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử dân tộc, như các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc…..
Trước tinh thần, nghị lực và tấm gương hy sinh, dũng cảm của các chị, các mẹ đối với cách mạng, Bác càng khẳng định và luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người đã bày tỏ sự cảm kích chân thành, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc và trịnh trọng tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong thư gửi Phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ ngày 8-3-1952, Bác khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng... Các bà mẹ chiến sỹ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sỹ thành một mối thương yêu không bờ bến mà giúp đỡ chiến sỹ và chăm sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Có thể nói, đây là những minh chứng hùng hồn nhất khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ, lo cho hạnh phúc của nữ giới không chỉ về chính trị và còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Người khuyên bảo, nhắc nhở nữ giới nâng cao ý thức, quyền lợi, trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng chính mình, phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách đồng thời Bác phê phán tình trạng chồng đánh chửi vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Chồng đánh chửi vợ…đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”…“Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”…..“Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.
Những lời dạy thấm thía chứa đựng tình cảm thương yêu, trân trọng, sự quan tâm sâu sắc của Bác giành cho phụ nữ Việt Nam đã trở thành bài học có ý nghĩa nhân văn cho đến ngày nay. Tôn trọng và khẳng định quyền bình đẳng, vì sự tiến bộ của phụ nữ là tiền đề vững chắc tạo cho chị em sức mạnh vươn lên đóng góp sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Luôn quan tâm đến quyền lợi, vì sự tiến bộ của của phụ nữ, trăn trở về vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, trước khi đi xa, trong Bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Trước lúc đi xa, Người vẫn luôn tâm niệm, thường trực trong tâm khảm của Người và dành một phần trong Bản Di chúc thiêng liêng để nói về một vấn đề quan trọng là quyền bình đẳng của phụ nữ. Đó là lời căn dặn tâm huyết, sự trăn trở cả cuộc đời của Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ - là làm thế nào, làm gì để giải phóng phụ nữ nước ta, để thực hiện nam nữ bình quyền, để quyền lợi của phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo đảm.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới và thực hiện quyền bình đẳng giới trong đời sống xã hội. Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua năm 2006. Thực hiện Điều 4 Luật Bình đẳng giới: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; chỉ đạo xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bình đẳng giới.
Tại Hội thảo về việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và lồng ghép giới trong một số dự án Luật với chủ đề “Nữ đại biểu Quốc hội với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong một số dự án Luật” năm 2009 đã chỉ ra rõ thực trạng thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước và thế giới, quyền bình đẳng của phụ nữ trên nhiều mặt đang và tiếp tục được thực hiện.
Trong lĩnh vực chính trị; lĩnh vực kinh tế và lao động; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; lĩnh vực y tế; lĩnh vực gia đình…nam giới và phụ nữ ngày càng bình đẳng khi tham gia các hoạt động và tỷ lệ chị em được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày càng tăng cao: Ở khối địa phương, tỷ lệ nữ đảng viên mới kết nạp chiếm từ 25 đến trên 30% trong tổng số đảng viên mới kết nạp. Ở khối cơ quan trung ương, có nhiều Bộ, ngành tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ Đảng đã đạt từ 15 đến trên 20%. Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, có 02 nữ ủy viên tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, nữ ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiếm tỷ lệ 7,5%, dự khuyết chiếm tỷ lệ 14,29%; Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng chiếm 21,4%. Trong Quốc hội: Số đại biểu nữ giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội đã tăng lên: Có 3 chị là Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có 01 Phó Chủ tịch Quốc hội, 02 Chủ nhiệm Ủy ban; có 03 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, 02 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội và 72 chị là uỷ viên các Uỷ ban, Hội đồng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, tỷ lệ phụ nữ đã tham gia vào Hội đồng dân tộc và Uỷ ban khoa học, Công nghệ và Môi trường tăng trên 10% so với nhiệm kỳ trước (Hội đồng dân tộc có 56,4% và Uỷ ban khoa học, Công nghệ và Môi trường 32,4% là nữ). Số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các nhiệm kỳ 1994 - 1999, 1999 - 2004 và nhiệm kỳ 2004 - 2009 (và được kéo dài đến 2011 theo Nghị quyết của Quốc hội) đều tăng so với các nhiệm kỳ trước. Trong đó, tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số đại biểu nữ tăng 0,55% so với nhiệm kỳ trước; Hội đồng nhân dân cấp huyện số đại biểu nữ tăng 2,02%; Hội đồng nhân dân cấp xã số đại biểu nữ tăng 2,92%. Số lượng nữ Ủy viên Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ này cũng được tăng lên đáng kể. Trong đó, tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, số thành viên nữ chiếm tỷ lệ 8,61%; Ủy ban nhân dân cấp huyện, số thành viên nữ chiếm tỷ lệ 6,4%; Ủy ban nhân dân cấp xã, số thành viên nữ chiếm tỷ lệ 3,99%. Đội ngũ cán bộ, công chức tăng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là cán bộ, công chức nữ. Nhiều công chức nữ đã được bổ nhiệm, đề bạt, giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương với số liệu cụ thể như sau: Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 436 cán bộ, công chức nữ, chiếm 23,9%; Khối cơ quan thuộc Chính phủ có 64 người, chiếm 24,81%; Khối Tổng cục thuộc Bộ và tương đương có 141 người chiếm 24,61%; Khối cơ quan Cục thuộc Bộ và tương đương có 249 người, chiếm 22,55%; Khối cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 18,95%; Khối cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện chiếm tỷ lệ 15,59%; Đối với các Chi cục thuộc Sở, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 12,84%. Có thể thấy nam giới và phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong việc tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Với số lượng cán bộ, công chức nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện tới trung ương chiếm khoảng 31,10%, trong đó, nữ lãnh đạo chiếm khoảng 18,4%, phụ nữ ngày càng có cơ hội bình đẳng với nam giới trong việc xây dựng và thực hiện quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức. Ở cấp xã, cán bộ chuyên trách là nữ chiếm 16,27% trong tổng số cán bộ chuyên trách…
Quán triệt thực hiện Chương trình hành động của Đảng uỷ Đoàn 969 thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn (2015 - 2016) của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) đơn vị. Những năm qua, công tác VSTBPN và bình đẳng giới đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc; bám sát định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nhiệm vụ của đơn vị. Cấp uỷ, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp đã có sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác VSTBPN, đánh giá đúng vai trò, vị trí của phụ nữ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của người phụ nữ trong đơn vị, trong xã hội và trong gia đình; tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ và khả năng của mình, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Thủ trưởng các cấp và Đại biểu phụ nữ các cơ quan, đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội đại biểu phụ nữ Bộ Tư lệnh lần thứ III
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị đã được quan tâm, đào tạo, đề bạt, bố trí, bổ nhiệm: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng đạt 8,13%, trong đó: Có 05 cán bộ nữ là ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ, 05 cán bộ nữ là Bí thư chi bộ, 04 cán bộ nữ là Phó Bí thư chi bộ. Số lượng nữ tham gia lãnh đạo quản lý đạt 8,82%, trong đó: Có 05 cán bộ nữ là Trưởng phòng và tương đương, 07 cán bộ nữ là Phó phòng và tương đương, 02 cán bộ nữ là Trưởng ban và tương đương. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, việc bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên nữ cũng luôn được quan tâm, từ 96 đảng viên nữ, đến nay đã có 132 đảng viên nữ = 17,2% tổng số đảng viên kết nạp trong đơn vị (tăng 2% so với năm 2010) khẳng định sự phấn đấu của chị em phụ nữ trong đơn vị, đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, phát triển đảng viên nữ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Mục tiêu giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đã được chú trọng thực hiện: Bảo đảm 100% lao động nữ của đơn vị luôn được quan tâm bố trí việc làm phù hợp với trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Lực lượng nữ làm nhiệm vụ y tế 10%; đón tiếp tuyên truyền 15,5%; bảo đảm, phục vụ và chuyên môn khác 74,5% tổng số nữ. Trên các lĩnh vực công tác, lao động nữ luôn được tạo điều kiện phát huy khả năng, tích cực phấn đấu góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao: Trong những năm qua có 45 chị em được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyển chế độ từ công nhân viên quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp, chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan, trong đó: 03 đồng chí đào tạo sau đại học; 04 đồng chí trình độ đại học; 02 đồng chí được cử đi bồi dưỡng kiến thức quân sự, 03 đồng chí được chuyển chế độ từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan, 15 đồng chí được chuyển từ công nhân viên quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp; 04 đồng chí được cử đi bồi dưỡng lý luận chính trị; 04 đồng chí được đào tạo trình độ cao đẳng; 10 đồng chí được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ nữ được nâng cao cả số lượng, chất lượng: Từ 195 đ/c cán bộ nữ (2010) lên 230 (2013) tăng 1,06%; quân số nữ tham gia các nội dung học tập chính trị, chuyên đề đảm bảo 98% .
Trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; văn hóa, thông tin tuyên truyền đã được bảo đảm bình đẳng: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật có liên quan đến công tác Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quán triệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ số 11/NQ-TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn (2011 - 2015). Tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, các hoạt động của phụ nữ trên Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội, mỗi năm có trên 20 tin, bài.... Kết quả phong trào thi đua quyết thắng hàng năm tỉ lệ hội viên phụ nữ được khen thưởng ở các cấp chiếm trên 10% trong tổng cá nhân được khen thưởng của đơn vị; 151 cán bộ nữ đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, nhiều đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, tiêu biểu như các đồng chí: Tống Thị Nhung, Nguyễn Thị Chinh, Lương Thị Hà, Đào Thị Mai, Đỗ Thị Hiền, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Thị Thúy Nga....
Trong đời sống gia đình, từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở bảo đảm bình đẳng giới: Phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của nhà nước, quân đội và tham gia học tập, giáo dục chính trị tại đơn vị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ về đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình Việt Nam, về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Quán triệt Chỉ thị 49/CT của Ban Bí thư về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phát huy vai trò và vì sự tiến bộ của phụ nữ sẽ là điều kiện tiên quyết để phụ nữ Việt Nam hôm nay quyết tâm, đoàn kết, ra sức phấn đấu học tập, lao động, rèn luyện, vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
Huyền Trang