Hội thi "Cán bộ hội và tuyên truyền viên giỏi" năm 2013 của Phụ nữ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cấp cơ sở đã kết thúc với một không khí hết sức sôi nổi, hào hứng. Hội thi đã thu hút được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự  cổ vũ, động viên của đông đảo các khán giả là cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị, những người thân trong các gia đình hội viên. Thông qua Hội thi, đã góp phần nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng cho chị em cán bộ, hội viên. Nhiều vấn đề nổi cộm trong ứng xử gia đình và xã hội đã được các đội tập trung đưa ra thảo luận và giải quyết có lý, có tình  thông qua sự thể hiện rất tinh tế.

hoi-thi-phu-nu-b

hoi-thi-phu-nu-a
Hội thi "Cán bộ hội và tuyên truyền viên giỏi" năm 2013 của Phụ nữ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cấp cơ sở

Khi đặt vấn đề tìm hiểu về công tác chuẩn bị và tổ chức Hội thi của các Hội phụ nữ trong đơn vị, Đại úy Phan Thị Đông, Trợ lý Phụ nữ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho biết: Thực hiện kế hoạch của trên về tổ chức Hội thi “Cán bộ phụ nữ giỏi và tuyên truyền viên giỏi về phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, thời gian qua, Phòng Chính trị đã chủ động tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội, đồng thời xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai Hội thi ở các cấp. Nét mới của Hội thi lần này là thành lập 3 cụm thi ở cơ sở, thông qua đó lựa chọn những đội xuất sắc để tham dự Hội thi ở cấp Bộ Tư lệnh.

Theo quy chế của Hội thi, các đội tham dự phải trải qua các phần thi, gồm thi kiến thức, màn chào hỏi, xử lý tình huống, tuyên truyền viên và năng khiếu. Các phần thi về kiến thức, tuyên truyền viên và năng khiếu đã thể hiện được tài năng, kiến thức công tác hội của đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ của các cơ quan, đơn vị. Các đơn vị với cách thể hiện khác nhau đã giới thiệu một cách khái quát nhất về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của hội mình những năm qua, sự đóng góp của công tác hội và vai trò của chị em phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.  

Riêng phần thi xử lý tình huống là các tiểu phẩm được sân khấu hoá do chính chị em trong hội thể hiện. Đây là phần thi gây sự chú ý và hào hứng nhiều nhất cho các khán giả. Được theo dõi không khí Hội thi ở cả 3 cụm thi, chúng tôi ghi nhận được sự sôi nổi, phấn khởi của chị em hội viên. Một trong những phần thi cũng không kém phần hấp dẫn, đó là xử lý tình huống, trong đó, cán bộ hội phải "hoá giải" các vấn đề thường gặp trong công tác vận động quần chúng, vận động phụ nữ, công tác Hội, các lĩnh vực của cuộc sống: Xây dựng gia đình "Hạnh phúc bền vững"; "Gia đình 5 không, 3 sạch"; phòng, chống các tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình; chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình...  

Qua các tiết mục, khán giả như được hòa mình vào những hoàn cảnh đang diễn ra trong cuộc sống, có tình huống khiến người xem tự suy ngẫm về những điều tưởng như rất nhỏ nhặt ngay trong từng gia đình, cơ quan hay chính mỗi người nhưng sẽ là những mâu thuẫn ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình, đến sự phát triển của toàn xã hội nếu như không có sự hiểu biết thấu đáo, cách giải quyết hợp tình, hợp lý.  

Tiểu phẩm của Hội Phụ nữ Đoàn 275 đưa đến cho khán giả một câu chuyện về áp lực sinh con trai của một gia đình. Anh Toàn và cả gia đình chồng chị Thao đã từ lâu khao khát có con trai để nối dõi tông đường. Ngay cả trong bữa ăn, giấc ngủ, khi tham gia công tác xã hội, tư tưởng có con trai vẫn luôn ám ảnh và đeo đuổi anh, vì thế, không khí trong gia đình thường xuyên căng thẳng.   Tình huống "căng như sợi dây đàn" này đã được hoá giải kịp thời nhờ chính cán bộ Hội là tuyên truyền viên tích cực, phân tích thấu tình đạt lý cho anh Toàn và gia đình chồng chị Thao hiểu rõ tác dụng của việc kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khôn lớn, trưởng thành hơn là tìm mọi cách sinh cho được "quý tử".

Tại Cụm thi của Hội Phụ nữ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự “nhập vai” của chị em hội viên. Khó có thể nhận ra chị em hàng ngày với bộ trang phục bảo hộ lao động gắn bó với cây hoa, cây cảnh, nay lên sân khấu lại nhập tâm với vai diễn một cách xuất sắc như vậy. Với tiểu phẩm "Trẻ cậy cha, già cậy con" của Chi hội Đội Ươm cây Phú Thượng đã mang đến cho người xem một thông điệp rõ ràng: Trách nhiệm chăm sóc cha mẹ là của tất cả các thành viên trong gia đình chứ không phải của riêng ai. Chị Đỗ Thị Liễu, người đóng vai chị dâu, chia sẻ: Qua tiểu phẩm này, chúng tôi muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng, để có được sự thành công của mỗi người hôm nay là công ơn nuôi dạy của các đấng sinh thành, khi cha mẹ về già, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ là nhiệm vụ chung của tất cả anh chị em trong gia đình, thể hiện sự báo hiếu tốt nhất đối với các bậc sinh thành.

Đồng chí Đại úy Phan Thị Đông, Trợ lý Phụ nữ của Bộ Tư lệnh cho biết: Là thành viên của Ban giám khảo tại các cụm thi, qua theo dõi các phần thi, đặc biệt là phần năng khiếu với các tiểu phẩm được trình diễn trên sân khấu, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy sự "nhập vai" tài tình mà rất gần gũi, đời thường của cán bộ hội và hội viên phụ nữ - các đồng nghiệp mà chúng tôi vẫn gặp gỡ, làm việc hàng ngày. Chúng tôi hiểu rằng, có được những tiết mục để chúng ta thưởng thức hôm nay là một quá trình kiên trì khổ luyện vượt lên những khó khăn, e ngại của các chị. Đây cũng chính là sự thành công của Hội thi lần này.

  Hội thi “Cán bộ phụ nữ giỏi và tuyên truyền viên giỏi về phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ở cấp cơ sở của Phụ nữ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã khép lại. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 5 đội tham gia hội thi cấp Bộ Tư lệnh. Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trong Hội nghị rút kinh nghiệm tổ chức Hội thi ở cấp cơ sở đã nhấn mạnh: Các đơn vị đã tổ chức Hội thi chặt chẽ, chu đáo, thiết thực, đảm bảo tính công bằng, khách quan, đúng quy chế và thể lệ thi. Hội thi lần này đã tạo ra sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo sự hưởng ứng của hội viên, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Đây là dịp để đánh giá một cách toàn diện chất lượng công tác, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, là dịp để cán bộ phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị được giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng công tác và bản lĩnh ứng xử trong mọi tình huống, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Duy Hưng, Ngọc Hà

Bài viết khác: