Đó là chủ đề của chương trình nghệ thuật do Trường Đại học văn hoá nghệ thuật Quân đội (ĐHVHNTQĐ) phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, tối ngày 3/9/2013, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 4 (3/9/-2013).
Trao đổi với chúng tôi trước giờ biểu diễn, Đại uý Đặng Minh Hải, Trưởng Ban Nghệ thuật, Trường ĐHVHNTQĐ cho biết: “Ngày Âm nhạc Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010, đến nay đã trở thành ngày hội tôn vinh các giá trị âm nhạc, ngày hội của công chúng yêu nhạc. Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng của nhà trường trong dịp này là chương trình ca, múa nhạc với chủ đề “Giai điệu quê hương” tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, nơi mà cách đây 68 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Các nghệ sỹ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Giai điệu quê hương”
Ngay từ rất sớm, các nghệ sỹ của Trường ĐHVHNTQĐ đã có mặt tại khu vực biểu diễn để làm công tác chuẩn bị. Gương mặt của anh chị em nghệ sỹ ngời lên niềm hạnh phúc bởi ai cũng thấy vinh dự khi được biểu diễn bên Lăng Bác Hồ kính yêu. Học viên Vàng Minh Dương, khoa Âm nhạc dân tộc, không giấu nổi niềm xúc động cho biết: Ngay từ khi nhận được thông báo của Ban Tổ chức, Dương thật sự xúc động, cảm giác vui sướng và hồi hộp xen lẫn nhau, mặc dù đây là lần thứ hai Dương vinh dự được biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình. Còn đối với giảng viên Hoàng Hà, thì đây là chương trình vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời làm nghệ thuật của chị, khi được mang lời ca, tiếng hát phục vụ quần chúng nhân dân tại “sân khấu” vô cùng đặc biệt này.
Xuyên suốt chương trình là những tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Dưới ánh đèn sân khấu lung linh, bên rặng tre ngà, dàn nhạc dân tộc trong trang phục truyền thống đã mở đầu chương trình nghệ thuật bằng bản hoà tấu “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, một tác phẩm được ví như tượng đài âm nhạc của một đất nước hòa bình, nhưng vẫn mang hơi thở tươi trẻ và sinh khí của thời hiện đại, hội nhập để phát triển. Hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình hiện ra qua từng nốt nhạc, ta như bắt gặp hầu hết các vùng miền Tổ quốc trong bài hát. Đó là những rặng phi lao của vùng biển xanh dạt dào sóng vỗ; là rừng cọ đồi chè của vùng trung du khi "suối đổ về sông qua những nương chè; với đồng bằng "thẳng cánh cò bay"; với "miền Nam đất nước quê hương chúng tôi, có rặng dừa xanh xa tít chân trời"...Cảnh vật và con người trong bài hát luôn hòa quyện vào nhau, để lại một tình cảm sâu lắng trong lòng khán giả.
Gặp lại học viên Vàng Minh Dương, nhưng lần này trên sân khấu khi anh đang thả hết tâm hồn vào tác phẩm “Xuân về bản Mông”. Tiếng sáo vút lên giữa không gian, lúc dìu dặt, khi thiết tha mà người nghe tưởng như mình đang đứng giữa bao la trùng điệp của vùng núi rừng Tây Bắc, nơi địa đầu Tổ quốc. Dương cho biết thêm, đây là tiết mục Dương mất rất nhiều thời gian để lựa chọn và luyện tập, bởi theo Dương thì tiếng sáo sẽ thay cho lời của đồng bào bản Mông quê em bày tỏ lòng biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ; nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà đồng bào mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Với chất giọng của người con xứ Quảng, giảng viên, nghệ sỹ Hoàng Hà đã thể hiện niềm cảm xúc dạt dào qua bài hát “Viếng Lăng Bác” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Viễn Phương). Từng lời ca như được dồn nén kết tinh không chỉ từ lòng thương nhớ Bác của riêng tác giả mà còn là cả sự tôn kính của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, đã thể hiện tình cảm của người con ở xa với nỗi nhớ thương ấp ủ bấy lâu nay đang trào dâng, thổn thức khi ra thăm Lăng Bác.
Khán giả tham dự chương trình nghệ thuật “Giai điệu quê hương” trên Quảng trường Ba Đình như được sống trong một không gian âm nhạc thật đặc biệt. Những bài ca đi cùng năm tháng trong chương trình là sự hội tụ của cảm xúc, của mọi cung bậc, được chắt lọc từ những tinh túy của các tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong nền âm nhạc Việt Nam, như những dòng suối nhạc dâng trào, lúc thăng, lúc trầm, khi thiết tha, thấm đẫm hồn dân tộc thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Đêm biểu diễn nghệ thuật của Trường ĐHVHNTQĐ đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn đọng lại sâu sắc trong lòng khán giả. Đây cũng chính là một nét mới trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Thiếu tá Hồ Trọng Tuấn, chỉ đạo nghệ thuật chương trình phát biểu: Rất vinh dự cho các nghệ sĩ Trường ĐHVHNTQĐ được biểu diễn phục vụ nhân dân và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không khí của toàn dân tộc kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và hưởng ứng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 4 tại Quảng trưởng Ba Đình lịch sử. Đây là động lực rất lớn để mỗi cán bộ, học viên, các nghệ sỹ của nhà trường tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân trong thời gian tới.
Trần Duy Hưng, Ngọc Hà