Sau khi rửa mặt xong, Bác thường không đổ ngay nước đi mà trút vào một chiếc vại nhỏ. Khi cần tưới nước cho mấy luống rau cải trước nhà, Bác lấy nước ở vại đó đem đi tưới. Đó chỉ là một trong số những câu chuyện ít người biết về sự giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ trong 19 ngày sống và làm việc bí mật tại ngôi nhà nhỏ xóm Lài Cài, thôn Phúc Đa, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội.
Khu Nhà lưu niệm Bác Hồ được giữ nguyên hiện trạng.
Lịch sử ngôi nhà lưu niệm
Đầu 1947, tình hình chiến sự giữa ta và quân địch ngày càng khốc liệt. Từ ngày 13.1.1947, để chỉ đạo kháng chiến, Bác Hồ đã bí mật chuyển tới sống và làm việc tại ngôi nhà tranh của cụ Nguyễn Đình Khuê, xóm Lài Cài, Phúc Đa, Cần Kiệm, Thạch Thất, Sơn Tây cũ (nay là Hà Nội). Trong 19 ngày sống tại đây, Bác có nhiều cuộc gặp gỡ các cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ, họp bàn và giải quyết những công việc lớn về kháng chiến và kiến quốc.
Tới Khu Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Lài Cài, chúng tôi được gặp bà Tạ Thị Lạm (74 tuổi), cháu dâu cụ Nguyễn Đình Khuê. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà tranh đầy vẻ xưa cũ, vừa đi bà vừa kể: “Các cụ tôi bảo rằng nơi ở của Bác là thông tin tuyệt mật nên được giấu kín hoàn toàn, ngoài cụ ông, cụ bà nhà tôi thì không ai được biết. Cái cô mà đi chợ nấu ăn cho Bác, cụ Khuê nhà tôi phải nói với mọi người là con dâu ở Hà Nội về, nhằm giữ bí mật tuyệt đối về sự có mặt của Bác tại đây. Về sau, khi Bác đã rời đi, cụ nhà tôi mới kể lại chuyện này cho con cháu nghe, ai nấy đều sửng sốt. Dạo ấy, tôi vẫn chưa về làm dâu con trong nhà nhưng những câu chuyện về cuộc sống giản đơn, tiết kiệm của Bác thì các cụ nhà tôi kể kỹ lắm, con cháu trong nhà ai nấy đều biết cả. Sau đó, Bác có về thăm lại nơi đây một lần nhưng lúc đó công an đông quá nên tôi chỉ có thể đứng từ xa nhìn Bác. Ấn tượng của tôi về Bác là một Ông Cụ râu tóc bạc, dong dỏng gầy, mặt bộ quần áo màu nâu”.
Bà Tạ Thị Lạm.
Theo lời bà Lạm, ngôi nhà đất này được cụ Khuê xây dựng để chia cho hai người con của mình ra ở riêng. Ngôi nhà còn xây dang dở chưa xong thì đón Bác Hồ về ở. Tường nhà là tường đất, mái lợp rạ, nền đất, cột kèo bằng tre. Cho đến nay, về cơ bản ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng như dạo Bác về ở, chỉ sửa lại nền (lát gạch thay cho nền đất) và mái (mái cọ, bên trên phủ rạ thay cho mái rạ trước kia). Nhà có hai gian buồng, gian bên trái là nơi nghỉ ngơi của cụ Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) còn gian bên phải là nơi Bác đọc sách, làm việc và ngủ, nghỉ.
Vị lãnh tụ và sự giản dị, tiết kiệm hiếm có
Chỉ vào chiếc vại đất nung cùng chiếc thau đã có phần hoen gỉ được trưng bày trong tủ kính, bà Lạm kể: “Đây là chiếc thau Bác thường dùng để rửa chân tay, mặt mũi. Vì rất tiết kiệm nên sau khi dùng nước xong, Bác không đổ đi ngay mà trút hết số nước đó vào cái vại này. Trước nhà, Bác có trồng 3 luống rau cải, Bác dùng nước trong vại để tưới rau mỗi sáng”.
Vốn tính giản dị nên Bác chỉ chuyên mặc những bộ quần áo nâu, áo gụ đơn giản, có chiếc đã bạc màu nắng mưa. Có riêng một người nấu ăn để đảm bảo bữa ăn nào của Bác cũng đủ dinh dưỡng, Bác có đủ sức khỏe lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công nhưng Bác rất tiết kiệm, bữa cơm của Bác thường chỉ có rau xanh, nếu có thức ăn thì cũng chỉ là mấy con cá, con tép kho mặn.
Chiếc thau Bác thường sử dụng.
Vại nước chứa nước đã qua sử dụng để tưới rau.
Theo những lời bà Lạm được cụ mình kể lại thì đã có một năm Bác về ăn Tết cùng gia đình. Cả nhà cụ Khuê hoạt động cách mạng, được đón Bác về ăn Tết là một niềm vui to lớn, cụ Khuê cũng muốn chuẩn bị một vài món ăn ngon song ý định này ngay lập tức bị Bác xua đi. Cuối cùng, cái Tết năm ấy cũng chỉ có mấy món “hạng sang” là cá mắm, cá tép. Nhân dịp đó, Bác đã viết 4 chữ Nho “Cung Chúc Tân Xuân” đề tặng gia đình cụ Khuê. Lời chúc đầu xuân mới của Bác được gia đình gìn giữ cẩn thận và đã đóng khung, treo tại khu nhà lưu niệm để khách mọi miền tới thăm quan.
Hiện nay, một số hiện vật về cuộc sống của Bác trong 19 ngày tại Lài Cài đã được đem đi trưng bày ở bảo tàng, ngôi nhà còn giữ lại những kỷ vật tiêu biểu nhất. Theo năm tháng, ngôi nhà bị rạn nứt, bong tróc theo thời gian, một số hiện vật cũng bị hỏng hóc. “Cứ khi nào có cái gì đó cần sửa chữa là có người về sửa ngay, họ đều cố sửa làm sao để giữ nguyên được nét xưa cũ của ngôi nhà như dạo Bác đang sống”, bà Lạm cho biết.
Cận cảnh gian phòng của Bác.
Cũng theo bà Lạm, trước đây cổng vào nhà bà và khu lưu niệm là một (được xây từ năm 1936), hiện nay, cổng đã được tách riêng để tiện việc tham quan cho khách thập phương, đường vào cổng trước là đất, nay cũng đã được lát đá. Riêng khu sân rộng với toàn bộ cây cối vẫn giữ nguyên như trước. Con rể bà Lạm đang là người trực tiếp chăm nom, dọn dẹp và hướng dẫn, giới thiệu cho các du khách tới thăm về lịch sử của ngôi nhà. Bà Lạm ở sát ngay nhà bên nên thường sang Khu Nhà lưu niệm để lau chùi, quét dọn lá cây khô, vào các tuần rằm mùng một thì hoa quả, đèn hương cúng viếng Bác.
Ông Kiều Văn Tưởng (Phó chủ tịch xã Cần Kiệm) cho biết, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề tôn tạo, giữ gìn ngôi nhà mà Bác Hồ từng sống và làm việc. Mỗi khi phát hiện có sự hỏng hóc, sập xệ, cán bộ xã đều kiến nghị lên huyện để có phương án hỗ trợ, khắc phục kịp thời. Hiện nay, xã cũng đã làm bản kế hoạch kỹ lưỡng về việc tôn tạo, tu bổ lại Khu Di tích này và đã trình lên huyện đợi xét duyệt. Khi xét duyệt xong, xã sẽ triển khai từng phần trong kế hoạch để giữ gìn Khu Di tích giàu giá trị lịch sử này.
Đinh Thùy