Trong những ngày cuối tháng 7, tôi có cơ hội được gặp chị Bùi Thị Chất (sinh năm 1955) tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một nữ bộ đội, bước ra từ cuộc chiến tranh gian khổ, chị mang trong mình những nỗi đau trên cả thân thể và tinh thần nhưng chị vẫn luôn cố gắng, nỗ lực để sống, chăm sóc chồng, con.

 MG 9249
Người bộ đội năm xưa giờ vẫn kiên cường sống cùng những nỗi đau chiến tranh để lại

Tình yêu đẹp thời chiến

18 tuổi, người con gái tên Bùi Thị Chất đã khoác lên mình màu xanh áo lính, chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị... Có thể nói, cuộc chiến của ta khi ấy quá nhiều khó khăn khi phải dùng vũ khí thô sơ để chống lại những thiết bị hiện đại nhất thế giới khi đó. Sự tàn bạo của đế quốc Mỹ đã khiến bao nhiêu cô gái, chàng trai đang ở thời kỳ đẹp nhất của tuổi thanh xuân như chị phải rời xa cuộc đời.

Nói chuyện với tôi, chị Chất nhớ lại thời gian ở chiến trường: Chiến tranh vốn vô cùng nguy hiểm, nhiều bất trắc, chuyện sống, chết hay trở thành tàn phế... chỉ trong gang tấc. Sau mỗi trận đánh, tôi thường phải chứng kiến những người đồng đội, người bạn của mình ra đi mãi mãi, hy sinh vì đất nước. Vì thế, khi ấy, chỉ có mục tiêu là hoàn thành nhiệm vụ được giao phó là thiêng liêng, là trên hết.

Khoảng thời gian tham gia chiến đấu đã trở thành phần ký ức quan trọng nhất trong cuộc đời của những người như chị Chất. Hơn nữa, đối với riêng chị, đó còn là thời điểm của câu chuyện tình đẹp với người chồng trong tương lai. Bởi chính tại nơi chiến trường ác liệt này, chị đã có cơ hội quen, yêu anh Hoàng Văn Lương. Dù năm tháng đã dần trôi đi, nhưng những ký ức đẹp về tình yêu đó vẫn luôn đi cùng chị. Nhất là khi anh Lương mất (năm 2003), những ký ức đó là động lực, giúp chị mạnh mẽ lên nhiều hơn để đối diện với những khó khăn, nghiệt ngã trong cuộc sống.

Theo lời chị Chất kể lại, năm 1972, anh Lương là bộ đội lái xe chở đạn vào tiếp viện cho chiến trường. Nhiệm vụ của anh là đi từ hết chiến trường này sang chiến trường khác. Một lần, vào năm 1975, tại chiến trường Quảng Nam, đơn vị của chị bị gặp trận càn, rất nhiều đồng đội của chị hy sinh. Trong hoàn cảnh đó, chị cùng các đồng đội sống sót đã được anh Lương, các đồng chí lái xe khác giúp đỡ. Và tình yêu của anh chị đã bắt đầu như thế...

Trong suốt chiều dài kháng chiến của đất nước ta đã có không ít những mối tình như anh Lương, chị Chất. Quả thực, tình yêu trong sự ác liệt của chiến tranh rất đặc biệt. Bởi họ yêu nhau lắm nhưng hầu như không có cơ hội gặp được nhau. Họ chỉ gặp được nhau qua những bức thư tay nhỏ bé nhưng đầy ắp sự ấm áp của tình yêu đôi lứa. Chị tâm sự: “Những lá thư hồi ấy hay lắm! Viết rồi phải gửi truyền tay nhau để đọc. Từ lá thư để cảm nhận tình yêu từ nhau. Tuy không được gặp trực tiếp nhưng thấy tình yêu hồi đó sâu sắc lắm. Lần nào có cơ hội được gặp nhau là cảm động, không thể kìm được nước mắt”. Giữa sự ác liệt của bom đạn, tình yêu chính là động lực, là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho những người lính như chị Chất, anh Lương...

“Quen nhau được vài tháng, tôi và anh quyết định chính thức yêu nhau. Yêu nhưng không thể thường xuyên gặp nhau nên tình yêu lạ lắm! Nhưng thật sự tình yêu thời đó rất đẹp và thiêng liêng! Chỉ cần một lần gặp nhau, nắm được tay nhau đã là hạnh phúc vô cùng” – chị Chất chia sẻ.

Năm 1976, chị trở về sau khi cuộc chiến kết thúc. Tình yêu của chị cũng dường như kết thúc tại đó. Bởi những cuộc hành quân bất ngờ khiến chị không có cơ hội gặp anh để báo cho anh biết. Chị cũng không nhận được tin của anh, không biết anh còn sống hay đã hy sinh. Chị bảo hồi ấy chị xác định sẵn tinh thần là sẽ không còn cơ hội để gặp nhau, yêu nhau lần nữa vì làm sao giữa hàng vạn, hàng triệu người ấy có cơ hội để gặp lại. Dù biết quê quán nhưng chuyện tìm lại nhau cũng không hề đơn giản.

Nhưng không thể ngờ được, năm 1977, anh và chị lại có cơ hội đó. Khi ấy, chị đang là nhân viên bán hàng của công ty phục vụ bán lẻ Sông Đà, anh là lái xe cho cán bộ. Tình cờ, anh dừng chân ngay tại địa điểm chị đang bán hàng. Nhận ra nhau và anh chị thêm một lần nữa có cơ hội để yêu thương nhau thật sự, trân trọng nhau và có thể ở bên nhau để chăm sóc cho nhau, bù đắp lại thời tuổi trẻ đã cống hiến cho đất nước.

Nỗi đau chiến tranh để lại...

Đầu năm 1979, hai anh chị quyết định tổ chức đám cưới. Một lễ cưới đơn giản được cơ quan tổ chức nhưng lại rất ấm áp và vui vẻ. Chị bảo hôm ý ai cũng mừng cho anh chị, nhất là câu chuyện tình yêu chiến tranh và có cơ hội gặp lại đã khiến không biết bao nhiêu người xúc động.

Nhưng những hạnh phúc hứa hẹn sau đám cưới chẳng được bao lâu. Thay vào đó là nỗi đau đớn khôn nguôi khi chị phải tận mắt chứng kiến những đứa con của mình sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Cả chị và anh đều bị nhiễm chất độc da cam. Điều đó như dao cắt vào trái tim của người làm cha làm mẹ như anh chị. Cả bốn người con của chị đều không thoát được những di chứng nặng nề từ cuộc chiến đầy gian khổ ấy. Giữa hòa bình nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn từng ngày bám lấy gia đình anh chị!

Chồng chị hàng ngày vẫn bị những cơn đau hành hạ. Những vết thương trên khắp cơ thể, sức khỏe suy giảm, anh không còn đủ sức để làm lái xe. Anh nghỉ việc. Hai vợ chồng sống tại khu tập thể của cơ quan. Chưa khi nào nguôi ước muốn có được một ngôi nhà thật sự cho gia đình. Sau một thời gian, chị cũng được nghỉ theo chế độ 176. Cuộc sống khó khăn, những cơn đau cần thuốc nên khó khăn lại càng tăng lên nhiều lần hơn. Những đứa con của chị có lớn nhưng không có khôn, chị không thể dựa vào chúng. Giờ đây, chị chính là người làm chủ gia đình, là nơi vững chãi nhất cho các thành viên trong gia đình có thể dựa vào.

Mảnh đạn trong đầu anh Lương ngày càng hành hạ anh nhiều hơn, khiến anh vật vã cực độ trong những cơn đau không có điểm dừng. Cuộc sống khó khăn, vất vả, chị không có điều kiện chăm sóc chồng, nhất là khi anh bị nặng hầu như mọi hành động của anh đều không thể kiểm soát được. Sau đó, anh được chuyển vào bệnh viện theo chế độ. Đến năm 2003, anh Lương qua đời. Thêm một lần nữa, nỗi đau trong người phụ nữ này lại càng “nặng” hơn!

Giờ chị sống nhờ tại nhà anh trai của chồng, cùng với một người con trai tại Nguyễn Trãi, Từ Liêm, Hà Nội. Chị chia sẻ: “Tôi có bốn người con. Nhưng giờ chỉ kiếm tiền thêm bằng việc bán trà đá, nhà không có nên tôi không có điều kiện nuôi các con. Mỗi đứa tôi phải gửi đi các nhà chị em trong gia đình trông nom giúp. Tôi chỉ ở cùng một đứa con trai vì nó bị nặng, nằm một chỗ nên phải chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ”. Chị càng ngày càng có tuổi, sức khỏe yếu đi nhưng chuyện về những đứa con vẫn luôn khiến chị lo lắng khôn nguôi.

Người con hiện tại đang sống cùng chị nặng hơn 80 kg nên việc chăm sóc cũng không đơn giản. Theo lời chị kể lại, hầu hết những việc nặng đều phải nhờ đến anh trai chồng, các cháu giúp, mình chị không đủ sức để chăm sóc cho con mình.

 MG 9234
Chị Bùi Thị Chất (thứ 7 từ trái sang) trong Buổi Gặp mặt – Giao lưu – Tôn vinh Gia đình Liệt sỹ, Thương binh và những tấm gương tiêu biểu các tỉnh, thành phía Bắc.

Trải qua chiến tranh, đối diện với những khó khăn của cuộc sống, chị Chất vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ. Chị bảo chị không oán trách cuộc đời hay than thân trách phận sao cuộc đời mình lại kém may mắn như vậy. Bởi chị bảo còn sống sót trở về để được cảm nhận sự tự do, độc lập của đất nước đã là một điều may mắn nhất.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, dù nhiều gian nan, khó khăn nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt chị. Nước mắt của chị đã rơi nhiều nhưng nước mắt ấy cũng chỉ đủ để xoa dịu những vết thương. Chia sẻ về điều luôn tâm niệm trong cuộc sống, chị nói: “Mỗi người đều có số phận. Điều quan trọng là phải biết chấp nhận, vượt qua nó và sống để không phải hối tiếc”.

Vào Lăng viếng Bác trong những ngày này, được gặp, trò chuyện với những người thương binh, Người có công với cách mạng mới thấy được sự hy sinh to lớn của họ trong cuộc chiến ác liệt đã qua. Từ đó, chúng ta thêm yêu và trân trọng hơn sự độc lập, tự do của ngày hôm nay...

Thanh Huyền

Bài viết khác: