Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã xây đắp nên nhiều truyền thống cao đẹp. Trong đó, truyền thống yêu nước, thương nòi, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sống nhân nghĩa, thủy chung, thông minh hiếu học, đề cao nhân phẩm, quý trọng tình người, khiêm tốn, trung thực, giản dị, tiết kiệm... là những nét đặc sắc được giữ vững và nâng cao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành một tình cảm sâu sắc, một lẽ sống cao đẹp, trở thành phong tục tập quán được các thế hệ nối tiếp nhau nâng niu, giữ gìn và trân trọng bồi đắp.

 Chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã trải qua biết bao biến cố và thăng trầm lịch sử, song vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp. Chính truyền thống của dân tộc, quê hương và gia đình đã thôi thúc, cổ vũ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu những tinh hoa đạo đức nhân loại, đến với tư tưởng nhân đạo cao cả của chủ nghĩa Mác - Lênin và nâng nó lên thành chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.

 Tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng không thể  tách rời của đạo đức dân tộc, tiêu biểu cho những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc và của Đảng ta. Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tin, sự cổ vũ, sự định hướng, là chuẩn mực mà mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sỹ trong quân đội nói riêng phải học tập, rèn luyện, phấn đấu noi theo suốt đời. Điều này được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khẳng định: “Mỗi người cộng sản chúng ta phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức tác phong của Bác Hồ, người Thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân” .

 Hiện nay, trong giai đoạn Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, việc giáo dục các giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc, của Đảng, Bác Hồ càng có ý nghĩa quan trọng. Không chú trọng giáo dục giá trị truyền thống đạo đức dân tộc, sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, dân tộc khác. Tuy nhiên, qúa trình giáo dục đạo đức, chúng ta phải biết kế thừa, tiếp thu những giá trị  truyền thống đạo đức tốt đẹp, gạn lọc, bỏ đi những phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu, trái với đạo lý, văn hoá dân tộc, chủ động phát hiện, chọn lọc, khẳng định những giá trị đạo đức mới nảy sinh, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại. Đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại,  phát triển nó phù hợp với đặc điểm con người Việt Nam. Tạo điều kiện để con người Việt Nam có thể hoà nhập với cộng đồng quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, “hoà nhập nhưng không hoà tan”.

Đạo đức “Bộ đội cụ Hồ” là đạo đức của người quân nhân cách mạng được giáo dục, rèn luyện theo  tư tưởng Hồ Chí Minh.  Đó là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó, thân thiết, tận tụy hết lòng vì nhân dân; quan hệ gắn bó với đồng chí, đồng đội. Đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” là yếu tố rất quan trọng của người quân nhân cách mạng; nhờ đó mà trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành của quân đội, cán bộ, chiến sĩ ta đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” .

Đối với cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, đạo đức, lối sống còn là yếu tố không thể thiếu để tạo nên uy tín của người quân nhân cách mạng. Đó cũng chính là yếu tố cơ bản tạo nên năng lực giáo dục cảm hoá, đoàn kết, quy tụ mọi người trong đơn vị. Trong chiến tranh, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, chiến sỹ thể hiện rõ nét ở chỗ luôn nhận về mình sự hy sinh,  gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ, đồng cam, cộng khổ với bộ đội. Ngày nay trong điều kiện hoà bình, phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” của người quân nhân cách mạng cần được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sỹ hiện nay phải  hướng vào mục tiêu chiến đấu trong thời bình, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Mặc khác, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau một bộ phận cán bộ, chiến sỹ quân đội trong những năm gần đây sa sút phẩm chất, đạo đức, mà tiêu biểu là lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng. Điều đó, đã làm hoen ố danh dự quân nhân, tổn hại đến bản chất, truyền thống quân đội. Bởi vậy, việc chăm lo giáo dục đạo đức, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kết hợp với đấu tranh khắc phục những hiện tượng làm hoen ố danh dự quân nhân là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.

 Trong hoạt động thực tiễn, những vấn đề tốt, xấu, đúng, sai, phải, trái, vẫn đan xen nhau, đấu tranh với nhau. Vì vậy, xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây. Phải thường xuyên xây dựng, bồi dưỡng những chuẩn mực đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc trau dồi đạo đức cách mạng. Tiếp nhận sự giáo dục đạo đức cách mạng là vấn đề rất quan trọng, song sự tự giáo dục, tự trau dồi đạo đức cách mạng của mỗi người là vấn đề trực tiếp quyết định sự hình thành, phát triển đạo đức cách mạng.

Song song với nội dung xây dựng  đạo đức cách mạng, vấn đề đặt ra là phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, thoái hoá, biến chất trong mỗi người cán bộ, chiến sỹ. Trong đó đặc biệt chú ý chống chủ nghĩa cá nhân trong từng con người, nhất là những cán bộ chủ trì các cấp. Trong tác phẩm “ Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm tính xấu như siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến đồng bào, tham danh lợi, địa vị, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, làm hại đến lợi ích cách mạng của nhân dân. Tóm lại do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm. Như vậy, chủ nghĩa cá nhân là mặt đối lập của  đạo đức cách mạng, là “kẻ thù nguy hiểm”, là nguyên nhân của nhiều sai lầm khuyết điểm của sự thoái  hoá về  đạo đức cách mạng, về lối sống của cán bộ. Do đó, để xây dựng  đạo đức cách mạng phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái mới và cái cũ, giữa mặt tích cực và tiêu cực, giữa đạo đức và vô đạo đức... nhằm xây dựng con người cách mạng, xây dựng và nâng cao đạo đức cách mạng. Do đó, chống chủ nghĩa cá nhân trước hết phải được tiến hành từ mỗi con người cán bộ, chiến sỹ. Chống chủ nghĩa cá nhân phải kiên quyết, triệt để, thường xuyên liên tục; ngược lại không được chủ quan, nóng vội, không được buông lỏng, hữu khuynh. Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, trước hết phải thường xuyên nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc để làm trong sạch về tư tưởng, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, chiến sỹ. Kiên quyết chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, làm ăn phi pháp, ăn chặn, bớt xén tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sỹ ; lối sống xa hoa, hưởng lạc trong một số cán bộ có chức, có quyền. Thường xuyên nêu cao tính đảng, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội mà trực tiếp nhất là  quy định của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương về những điều đảng viên, cán bộ quân đội không được làm…, có như vậy, mới góp phần xây dựng đạo đức cách mạng và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả trong mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Trong điều kiện mới của sự nghiệp cách mạng, những yêu cầu mới về đạo đức quân nhân được đặt ra, việc chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ về truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nhằm làm cho mỗi quân nhân kế thừa, phát huy, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp đó. Phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” là việc làm có ý nghĩa to lớn trong giáo dục, xây dựng, phát triển đạo đức cách mạng. Nhất là trong tình hình hiện nay, đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sỹ  đang đứng trước những thử thách mới như: chủ nghĩa cá nhân trong thời kỳ kinh tế thị trường, hợp tác, mở cửa, giao lưu quốc tế; lối sống thực dụng của xã hội tiêu thụ tư sản; sự băng hoại  các  giá trị đạo đức truyền thống và cách mạng…. Mặt khác với âm mưu nham hiểm của các thế lực phản động, thù địch đã và đang ra sức lợi dụng tình hình đó để tấn công, hạ gục mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội. Vấn đề đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc thường xuyên tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống để đáp ứng mọi nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Đó cũng là những việc làm thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

 Thiếu tướng TS Đặng Nam Điền

Chính uỷ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

                                                                          

 

 

 

Bài viết khác: