Hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước” do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Nghệ An tổ chức từ ngày 8-9/4/2013 tại thành phố Vinh. Tham gia Hội thảo có gần 200 đại biểu đến từ Bảo tàng của các tỉnh, các Khu Di tích lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước.

hoi-thao-khoa-hoc1
Tiến sỹ Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu
tại Hội thảo khoa học

 Sinh ra và lớn lên từ quê hương Nam Đàn, Nghệ An, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sớm có chí đánh đuổi thực dân, phong kiến. Tuổi thơ của Người gắn bó với những hoạt động yêu nước của cha anh và lớp lớp sỹ phu, công nhân lao động khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1941, Người về Pắc Bó - Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp giữ vững chính quyền cách mạng, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Dấu ấn hoạt động của Người, cùng với những lần đi kiểm tra, làm việc trải dài, rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành, địa phương trong cả nước. Sau khi Người qua đời, với lòng thành kính và biết ơn Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người, xây Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và hệ thống các bảo tàng, các di tích lịch sử lưu niệm về Người trong cả nước để lưu giữ, bảo quản, tôn tạo và phát huy giá trị của những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Người.

Bên cạnh những công trình lớn ấy, với lòng kính yêu, biết ơn, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều hình thức tưởng niệm phong phú, đa dạng như: Tượng, Tượng đài, Nhà bia, Đền thờ, Quảng trường, Thờ phối trong các đền, chùa, lấy tên của Bác đặt cho thành phố, trường học….. Gần nửa thế kỷ qua, những công trình tưởng niệm và mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng mà còn là niềm tự hào, động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân ta tích cực thực hiện lời dạy của Người là xây dựng một nước Việt Nam: Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên cả nước có gần 400 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang phát huy tác dụng, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục, tuyên truyền về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong không khí sôi nổi của cuộc Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và phát biểu những ý kiến hết sức sâu sắc và kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Bác Hồ. Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu Di tích Kim Liên cho biết:“Khu Di tích Kim Liên là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người. Thông qua những tư liệu, hiện vật, người xem sẽ hiểu được hoàn cảnh sống của gia đình Bác Hồ, đó là lòng yêu nước thiết tha, chí căm thù giặc, tấm lòng bao dung, đức hy sinh cao cả… Những năm qua, Khu Di tích thường xuyên mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày lễ, ngày chủ nhật, có khi ngoài giờ hành chính.

Ngoài ra Khu Di tích còn còn tích cực đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền của mình như: Báo cáo chuyên đề về Bác Hồ, tổ chức triển lãm, tọa đàm khoa học… Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên của Khu Di tích với niềm vinh dự, tự hào là những người con quê hương Bác Hồ, bằng tinh thần trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ hòa nhã, văn minh, lịch sự đã đón tiếp và hướng dẫn tận tình chu đáo đồng bào và khách quốc tế tới thăm Khu Di tích  đồng thời để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách”.

Theo con số thống kê của Khu Di tích, đến nay đã có trên 30 triệu lượt khách tới tham quan, bình quân hàng năm đón từ 1,6 đến 2 triệu lượt người. Năm có số lượng khách tham quan lớn nhất là năm 1990 - kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích đã đón 4,3 triệu lượt khách.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, các thiết chế, công trình tưởng niệm Bác Hồ ở thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy giá trị, ý nghĩa chính trị là giáo dục, tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của thành phố. Hiện nay trên thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hai cụm công trình tưởng niệm Bác Hồ, đó là: Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi và Tượng Nguyễn Tất Thành tại Bến cảng Sài Gòn nhưng đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân thành phố. Tất cả các sinh hoạt chính trị, các buổi đặt hoa, dâng hương, báo công đều được tổ chức trang trọng ở nơi đây, và các cụm công trình này thực sự là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu.

hoi-thao-khoa-hoc2
Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học

Đến từ tỉnh cực nam Trung bộ, đại biểu của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trong tham luận của mình đã đề cập đến tính hiệu quả trong các hoạt động tuyên truyền giáo dục tại Khu Di tích Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, một công trình tưởng niệm của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận được khởi công xây dựng năm 1986, thể theo ý chí, nguyện vọng và lòng kính yêu sâu sắc của nhân dân Bình Thuận đối với Bác. Những năm qua, một trong những hoạt động thu hút khách đến với bảo tàng là hoạt động tưởng niệm, hoạt động này từ lâu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu đối với các đoàn khách mỗi khi đến với Dục Thanh. Tại gian trang trọng của bảo tàng, hàng ngàn buổi lễ tưởng niệm, dâng hoa, dâng hương, báo công… được tổ chức, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Trong giây phút thiêng liêng đứng trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả như được trở về với cội nguồn dân tộc, luôn cảm thấy thanh thản lạ thường. Ánh mắt bao dung, đôn hậu và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác đã tiếp thêm sức mạnh to lớn, để mỗi cá nhân tự hứa với lòng mình sẽ thực hiện tốt hơn những lời Bác dạy. Tất cả mọi người, từ các cụ già đến các cháu nhỏ khi đến với Bảo tàng đều có những ấn tượng sâu sắc, thông qua những dòng lưu niệm được ghi lại: “… Tôi đã được xem Bảo tàng về Bác ở nhiều nơi, nhưng Bảo tàng Bác Hồ ở Bình Thuận rất đẹp, nội dung cô đọng, rõ ràng, có tác dụng giáo dục rất mạnh nên đã gây nhiều cảm xúc trong tôi, đặc biệt là gian tưởng niệm Bác Hồ” (Cụ Nguyễn Hữu Quý – Câu lạc bộ Hội người cao tuổi Thủ đô Hà Nội, ngày 08/5/2010), “Hôm nay được dẫn đoàn học sinh Trường THCS và THPT Phạm Ngũ Lão - Quận Gò Vấp - Tp Hồ Chí Minh đến dâng hương tưởng niệm Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận và vinh dự tổ chức lế kết nạp Đoàn cho thanh niên của trường, tôi cảm thấy thật vinh dự và hạnh phúc. Đây sẽ mãi là nơi giáo dục truyền thống được giới trẻ tôn kính và tưởng nhớ”, (Nguyễn Thị Thanh Thảo - giáo viên Văn A, ngày 21/3/2013).

Lúc sinh thời, do hoàn cảnh đất nước còn trong chiến tranh, Bác Hồ chưa có dịp vào thăm Tây Nguyên, nhưng đồng bào Tây Nguyên luôn kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Người và ngược lại, Bác cũng dành vô vàn tình yêu thương đối với đồng bào Tây Nguyên.

Tới tham dự Hội thảo, trong tham luận của mình, đại biểu Huỳnh Văn Kính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum cho chúng tôi biết một thông tin quý giá về một hiện vật đặc biệt hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng: Đó là bức tượng Bác Hồ được đúc bằng đồng cao 12,5cm. Về sự ra đời của Bức tượng này, theo lời kể của một số lão thành cách mạng, vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, một người dân tộc Jrai ở xã Ia Lang, huyện Đức Cơ đã bí mật đúc thủ công một bức tượng Bác Hồ bằng đồng  tặng cho chi bộ xã. Bức tượng chỉ cao 12,5cm nhưng luôn được đặt trang trọng trong lễ kết nạp đảng viên mới và được truyền từ chi bộ này đến chi bộ khác. Sau đó, tượng Bác được truyền tay đến những chiến sĩ cộng sản. Họ truyền tay nhau, người ngã xuống truyền cho đồng đội với lời căn dặn: “Các đồng chí dù có phải hy sinh cũng quyết giữ lấy tượng Bác để làm cách mạng”. Cứ thế bức tượng luôn được giữ cẩn thận qua bao trận càn quét của địch. Bức tượng Bác được xem là chứng nhân của lịch sử, hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum.

Lòng dân Tây Nguyên với Bác đặc biệt còn khắc ghi qua câu chuyện góp gỗ xây Lăng Bác ở Hà Nội. Những cây gỗ quý giá hàng trăm năm tuổi ở rừng nguyên sinh Kon Hà Nừng đã hòa quyện vào tình cảm, trái tim của đồng bào Tây Nguyên để xây dựng Công trình Lăng Bác. Sức mạnh nào, nếu không phải là tình yêu, lòng kính trọng liệu có thể thực hiện công việc khó khăn đến thế khi phải vượt đường xa, suối sâu, bom đạn của chiến tranh để đưa gỗ ra tới Thủ đô. Hiện nay, ở Gia Lai có 3 công trình tưởng niệm Bác Hồ, đó là: Bảo tàng Hồ Chí  Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946. Trong đó, Công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được khánh thành ngày 09/12/2012 thực sự là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, một công trình lịch sử - văn hóa, có giá trị to lớn. Như tâm sự của ông Huỳnh Minh Kính: Điều quan trọng nhất với công trình này là niềm mơ ước bấy lâu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nay đã trở thành hiện thực. Có Bác về bên cạnh, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin tưởng chắc chắn rằng, “trời Tây Nguyên thêm xanh” hơn.

Đã hơn 40 năm ngày Bác Hồ đi xa, nhưng tấm lòng của mỗi người dân đất Việt đều hướng về Người với tình cảm đặc biệt. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình nơi Bác Hồ đang yên nghỉ hay tại các Di tích, Công trình tưởng niệm về Người trên khắp cả nước, hàng vạn lượt nhân dân và khách quốc tế thành kính đến với Người bằng tình cảm sâu nặng. Đã từ lâu rối, mọi người dân Việt Nam đến với Bác như một nhu cầu tinh thần, một phong tục tập quán, một đời sống văn hóa tâm linh. Một nén nhang thơm, một phút tưởng niệm trước tượng đài, phòng thờ của Người chính là tâm nguyện, là niềm tin mãnh liệt của người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định rằng, trong nhiều năm qua hoạt động của các Di tích và các Công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước đã phát huy giá trị, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các Di tích, Công trình tưởng niệm về Người sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân; để mỗi người đến với Bác tự thấy lòng mình bình yên, thanh thản, biết sợ hãi khi làm điều xấu, thấy hạnh phúc khi làm điều tốt lành. Mỗi người sống tốt lành cả xã hội sẽ tốt lành, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác: