Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là một công trình văn hóa đặc biệt, là một tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân cả nước đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa-xã hội mà còn là một địa chỉ đỏ, nơi tìm hiểu về lịch sử truyền thống, về Chủ tịch Hồ Chí Minh của du khách khi hành hương về quê Bác.

tuong-dai-Bac-Ho1
Ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (2003- 2013)

           Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ là nơi hội tụ sắc trời của thành Vinh, là điểm nhấn của không gian, kiến trúc và ấn tượng cho du khách mỗi khi đi trên con đường thiên lý Bắc –Nam. Hòa vào dòng người hành hương về xứ Nghệ trong những ngày này, đi trên Quảng trường Hồ Chí Minh lộng gió, trong tôi trào dâng một cảm xúc bồi hồi, một cảm giác thấy là lạ mà thân quen. Nơi đây cũng có một không gian khoáng đạt mà thật giống với Quảng trường Ba Đình, nơi có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng những hàng vạn tuế đứng hai bên, những ô cỏ vuông vắn và hệ thống tưới phun và hàng trăm loài cây, hoa của khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ về đây đua nhau khoe sắc thắm. Chính giữa Quảng trường là Tượng đài Bác Hồ uy nghi mà giản dị, vẫn phong thái ung dung tự tại, đôi dép cao su quen thuộc như ngày nào Bác về thăm quê. Toàn bộ Tượng đài Bác Hồ được làm bằng chất liệu đá granit được lấy từ Bình Định dựng theo mẫu của nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn (Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) cao 18 mét (phần thân tượng cao 12 mét), nặng 150 tấn. Tượng Bác dựa vào thế núi mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người, một địa danh đã gắn bó với Bác từ thuở ấu thơ. Núi được đắp hình chữ “Vương” , đỉnh cao nhất là 11m, thấp nhất là 9m và có đường lên núi tham quan thuận tiện. Mặt trước của núi có trồng cây xanh tạo phông cho Tượng đài Bác, phía sau núi Chung tạo rừng nguyên sinh phục vụ hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi cho nhân dân và du khách đến thăm. Phía trước Tượng Bác là khoảng không gian của Quảng trường gồm 99 ô cỏ xanh mướt, rộng 11ha. Đây chính là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa- chính trị vào mỗi dịp lễ quan trọng và là nơi nhân dân Nghệ An, du khách tham quan hàng ngày.

          Tìm hiểu về quá trình xây dựng Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An cho biết: “Công trình được khởi công xây dựng ngày 19/5/2000 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành ngày 18/5/2003. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là một công trình văn hóa có giá trị đặc biệt và ý nghĩa chính trị quan trọng. Để có được một công trình văn hóa này là cả một quá trình về ý tưởng, về lựa chọn địa điểm, mẫu sáng tác phác thảo và quá trình thi công… Tất cả ở đó là kết tinh tình cảm, trí tuệ, lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu của mọi người, từ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà văn hóa, các nhà điêu khắc đến các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước”.

           Song song với việc xây dựng Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ, ngày 10/4/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, với chức năng, nhiệm vụ chính: Tổ chức bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ. Sau tròn 10 năm đi vào hoạt động, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào công tác giáo dục, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đến với mọi tầng lớp nhân dân và khách quốc tế. Ông Trương Hải Linh, Trưởng Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ phấn khởi cho biết: “Xác định rõ tầm quan trọng của công trình có ý nghĩa chính trị- văn hóa mang tầm cỡ quốc gia nên Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình. Kể từ ngày khánh thành công trình tới nay, Quảng trường đã tổ chức đón tiếp và làm tốt công tác dâng hoa tưởng niệm trước Tượng đài Bác Hồ và trồng cây lưu niệm cho đoàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các đoàn khách quốc tế, đồng bào trong và ngoài nước, du khách các nước tham quan, học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước”

Theo con số thống kê của Ban Quản lý: Mỗi năm đơn vị đã đón tiếp gần 4 triệu lượt khách tham quan, vui chơi giải trí; Tổ chức dâng hoa, báo công, sinh hoạt chính trị cho 250 đoàn, trong đó có nhiều đoàn đến từ các nước như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Camphuchia, Mỹ, Hàn Quốc…; Tổ chức tuyên truyền bằng pano, áp phích, cờ vui, cờ phướn, thăm hoa logo chữ mỗi năm 7-8 đợt tạo thành điểm nhấn tuyên truyền, trang trí rực rỡ trên địa bàn thành phố Vinh. Hàng ngày, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh, các tin bài viết, bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người xứ Nghệ. Mỗi năm Ban Quản lý còn tổ chức xây dựng mới và triển lãm ảnh chuyên đề tại Quảng trường Hồ Chí Minh 2-3 đợt, thu hút hàng chục nghìn người tham gia…. Để đa dạng hóa các hoạt động phục vụ du khách và nhân dân tại Quảng trường, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ngay trên Quảng trường. Được biết  Ban Quản lý cũng đang tích cực làm công tác chuẩn bị để xây dựng và hoàn thiện trang tin điện tử, xuất bản các ấn phẩm, phim phóng sự về quá trình xây dựng, trưởng thành của Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ.

 Là một công trình của tỉnh Nghệ An, thể hiện tình cảm của người dân Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chung đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ có vị trí quan trọng trong lòng nhân dân và khách quốc tế, đã và đang phát huy tác dụng to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người thấm sâu, lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

Duy Hưng 

Bài viết khác: