Ngày 19/10/1975, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/12/1975 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC thành lập tổ chức lấy tên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Kể từ đó, ngày 16/12 hàng năm trở thành ngày Truyền thống của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.
Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975 - 1986), ngày 29/8/1975 công trình Lăng được khánh thànhvà chính thức đi vào hoạt động, đón đồng bào cả nước đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao trời biển của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Để tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình lần lượt được cấp có thẩm quyền thành lập. Trên cơ sở ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/12/1975 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC thành lập tổ chức lấy tên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Từ ngày đầu thành lập, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình được giao nhiệm vụ “giúp Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội làm các việc ghi trong Quyết định 323/TTg ngày 15/10/1975 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình”.
Năm 1978, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 1689/QĐ-TC ngày 05/5/1978, xác định: “Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình là một đơn vị quản lý sự nghiệp lợi ích công cộng đặt trực thuộc UBND thành phố tổ chức quản lý, duy trì các công trình trong khu vực Quảng trường Ba Đình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm từng bước xây dựng khu vực Quảng trường thành trung tâm văn hóa của Thủ đô và cả nước”. Theo đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ: “Chăm sóc và tiếp tục hoàn chỉnh việc trồng cỏ, cây xanh, bảo đảm công tác vệ sinh trong khu vực Quảng trường; Quản lý, vận hành trạm xử lý và cung cấp nước chuyên dùng cho Lăng và Quảng trường đủ, đúng tiêu chuẩn chất lượng”.
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủban hành Quyết định số 739/TTg ngày 01/12/1994 giao: “Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo việc chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, sân đường và vệ sinh môi trường khu vực Đài Tưởng niệm”. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực tiếp thực hiện.
Đến năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/TTg ngày 14/12/1996 giao Ban Quản lý Lăng quản lý Quảng trường Ba Đình, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã bàn giao lại tổ chức biên chế, toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất để Ban Quản lý Lăng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên.Đồng thời, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TC ngày 08/4/1997 về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực thuộc Quận uỷ Ba Đình về sinh hoạt với Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng bộ Quân đội.Ngày 02/5/1997, Thành uỷ Hà Nội đã chính thức bàn giao Đảng bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về Đảng bộ Đoàn 969.
Kể từ đó đến nay, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình có nhiệm vụ giúp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống hè đường, thoát nước, chăm sóc cây, cỏ, vườn hoa, đảm bảo vệ sinh công cộng trong khu vực Quảng trường, Lăng và khu đón tiếp khách (theo Quyết định số 930/TTg ngày 14/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ).
Xây dựng và phát triển
Thời kỳ đầu, trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, nhiệm vụ đa dạng, yêu cầu cao, song ý thức được niềm vinh dự tự hào được làm việc bên Lăng Bác Hồ kính yêu, trực tiếp tô điểm thêm màu sắc, góp phần giữ gìn nâng cao giá trị văn hóa, chính trị của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cây xanh, cây cảnh theo thiết kế ban đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban đã nỗ lực không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tìm tòi, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây hoa, cây cảnh, cây xanh; tiến hành cải tạo nâng cấp các vườn hoa, cây cảnh; thay thế các loại cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực Lăng, nhằm từng bước xây dựng khu vực Quảng trường thành một trung tâm văn hóa của Thủ đô và của cả nước.
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã bám sát sự chỉ đạo của trên và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị liên quan, các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nhà kiến trúc...; đồng thời,có những chủ trương và biện pháp phù hợp trong công tác duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh theo hướng hoàn thiện kiến trúc sân, vườn bảo đảm chất lượng, tầm nhìn, đồng bộ với kiến trúc công trình Lăng.
Để có được không gian xanh, sạch đẹp xung quanh Lăng, phù hợp với cảnh quan kiến trúc và làm tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác, xứng đáng với vị trí trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, Ban đã nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp đối với từng loại cây hoa, cây cảnh trên khu vực; cải tiến quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc; chú trọng huy động mọi nguồn lực, nhất là các địa phương và nhân dân trao tặng cây cảnh, cây thế để tôn tạo Lăng Bác; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động triển khai thực hiện hiệu quả các phương án cải tạo, nâng cấp các vườn khu vực Lăng; thay thế, bổ sung các chậu hoa, cây cảnh trang trí trong khu vực; tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình chăm sóc và bảo vệ cây trồng tại khu vực Lăng,với phương châm đề ra “Khoa học, dân tộc, hiện đại, trang nghiêm và giản dị”.
Để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, nhất là từ năm 1997 cấp có thẩm quyền quyết định chuyển Đảng bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về sinh hoạt với Đảng bộ Đoàn 969, nhiệm vụ của đơn vị do Ban Quản lý Lăng chỉ đạo trực tiếp, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đối với đơn vị cũng có sự thay đổi so với trước. Do vậy, đơn vị đã từng bước điều chỉnh mọi mặt hoạt động nhằm thích ứng với cơ chế mới; đồng thời, không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; bổ sung các quy chế, quy định trong quản lý, điều hành; đổi mới phương pháp tác phong công tác; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để tạo nguồn và tạo điều kiện cho người lao động được rèn luyện, học tập, bồi dưỡng tự hoàn hoàn thiện bản thân, với hình thức “vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm”nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, năng lực công tác để có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình
Trong suốt 46 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản khác nhau, gắn với những nhiệm vụ cụ thể, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những đơn vị làm nhiệm vụ tại Lăng Bác, cấu thành Ban phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình trước đây và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay, có những đóng góp quan trọng vào những thành tích phát triển chung của Ban Quản lý Lăng.
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang đó, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: - Huân chương Lao động Hạng Ba (1980) - Huân chương Lao động Hạng Nhì (1985) - Huân chương Lao động Hạng Nhất (2000) - Cờ Thi đua của Chính phủ (2009) - Huân chương Độc Lập Hạng Ba (2010) - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2015) - Cờ thi đua của Chính phủ (2019) - Huân chương Lao động Hạng Nhất lần thứ Hai (2020)… |
Kế thừa và phát huy
Trong những năm qua, việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiệm vụ chuyên môn luôn được Ban chú trọng ưu tiên, được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng xuất, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Để giảm thiểu thiệt hại tối đa do sinh vật gây hại cây trồng, giảm mối nguy hại do hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và môi trường không khí tại khu vực Lăng, Banđã ứng dụng vào thực tiễn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật công nghệ cao, tạo không khí thân thiện và trong lành, đảm bảophát triển bền vững hệ sinh thái khu vực Lăng; đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất; cải tiến các loại công cụ, phương tiện phù hợp với điều kiện đặc thù nhiệm vụ duy trì các loại cây hoa cây cảnh, thảm cỏ tại khu vực. Thực hiện quy hoạch, nâng cấp, cải tạo vườn ươm Phú Thượng, đảm bảo tự chủ sản xuất các loại hoa, đào, quất phục vụ cho công tác trang trí thường xuyên và đột xuất. Sản lượng cây hoa tăng dần theo từng năm, đáp ứng từ 90.000 đến 160.000 cây hoa các loại, tập trung chủ yếu trên 20 giống hoa trọng điểm. Do vậy, nhiệm vụ duy trì, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ và bảo đảm cảnh quan môi trường tại khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình đã có nhiều đổi mới. Cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường đã thực sự tạo dấu ấn trong lòng đồng bào cả nước mỗi khi về Thủ đô.
Cán bộ, nhân viên, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ
Những năm gần đây, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tích cực cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức trang trí, nhất là những ngày lễ, Tết, kỳ họp Quốc hội và các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước diễn ra tại khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực chuyên môn, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa công trình Lăng. Đặc biệt, triển khai thực hiện Đề án 2341, với sự quyết tâm cao cùng với tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, tích cực chủ động của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan liên quan, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị đã có những đóng góp rất quan trọng, thiết thực vào những thành tích chung của Ban Quản lý Lăng trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình trong giai đoạn mới.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích xuất sắc của các thế hệ trước đây, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình hiện nay đã và đang nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác tôn tạo cảnh quan, môi trường khu vực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ,tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào những khâu đột phá, những nhiệm vụ mang tính cơ bản, lâu dài. Trong xây dựng Đảng bộ, đơn vị tập trung thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với tiếp tục đẩy mạnh “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng nhiệm vụ,gắn với cuộc vận động xây dựng: “Người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”.
Với niềm tin, sự cố gắng, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình tiếp tục đoàn kết thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Lăng giao./.
Nguyễn Minh Đức
Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình