K9 là địa danh gắn liền với tên tuổi và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây có nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông, ngọn mác như mọc ở dưới đất lên, có thể vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.

Trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 năm 1957, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Một năm sau, Bác Hồ quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Trong những năm 1960-1969, Bác và Trung ương Đảng đã nhiều lần làm việc và đưa ra những quyết sách quan trọng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là nơi Người tiếp các vị khách quốc tế đặc biệt như bà Đặng Dĩnh Siêu - Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai hay Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 02/9/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chọn K9 - nơi gắn liền với những năm tháng cuối đời của Bác, để giữ gìn thi hài của Người. Trong 6 năm kháng chiến ác liệt và thiên tai, lũ lụt đe dọa, K9 đã trở thành nơi chủ yếu để giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác. Thời gian đó, nhiều đoàn của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã lên viếng Bác, thể hiện quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” như lời Bác dạy. Với những sự kiện đó, K9 đã trở thành một địa danh lịch sử đặc biệt, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để phát huy giá trị của Khu K9 trong giai đoạn mới, ngày 17/3/2014, công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công. Công trình được khánh thành vào ngày 02/9/2015 nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo trong lễ khởi công và lễ khánh thành.

Nhà tưởng niệm nằm trên đồi cao gần ngay ngôi nhà sàn và nhà kính quen thuộc nơi Bác đã nhiều lần lên làm việc và tiếp khách quốc tế từ những năm 1960 đến 1969 cũng là nơi giữ gìn thi hài của Người trong sáu năm kháng chiến. Đây là nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng bằng gỗ tại vị trí trung tâm Khu K9 nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn bộ các hạng mục công trình bao gồm: Nhà tưởng niệm chính, nhà bia và hạ tầng sân, đường, tường rào đồng bộ.

nha tuong niem CTHCM tai K9
C
ông trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9

Đây là công trình mang hình thức kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ; mặt bằng nhà hình vuông diện tích 441m2, chiều cao từ nền đến đỉnh mái là 11,87m, không gian nhà được bố trí cân đối. Nền lát đá hoa cương, cửa bức bàn, lan can gỗ, mái lợp ngói mũi Giếng Đáy, Quảng Ninh. Móng, sàn nhà được đổ bê tông cốt thép; phần thân nhà (cột, kèo, xà, hoành, rui) sử dụng kết cấu gỗ lim theo kết cấu kiến trúc cổ; bao che xung quanh nhà là hệ thống vách gỗ; đá ốp mảng cờ Đảng, cờ Tổ quốc và bệ Tượng thờ bằng đá đỏ Bá Thước, Thanh Hóa (loại đá đỏ đã được dùng để ốp lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), ngôi sao vàng và búa liềm được sử dụng từ đá vàng của Nghệ An.

Trong khuôn viên Nhà tưởng niệm là 2 nhà bia kết cấu gỗ lim (20,25m2), Lầu hóa vàng (4,84m2); sân, thềm, đường, bậc cấp lát bằng đá granite Phú Yên; hệ lan can đá quanh sân, thềm bằng đá trắng Yên Bái; chiếu sen bằng đá sa thạch Đà Nẵng; cùng hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ với trang thiết bị đồng bộ. Và đặc biệt, 2 văn bia bằng đá quý coridon từ quê hương Bác (Quỳ Hợp, Nghệ An) do Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An cung tiến.

Mặt bằng tổng thể công trình bố trí các cao độ khác nhau, theo địa hình tự nhiên. Đường vào nhà tưởng niệm được mở từ đường nhựa cổng lên Khu Di tích có chiều dài 130m, rộng 3m, bề mặt lát đá granite. Từ đường này, đi lên 9 bậc là đến khoảng sân thứ nhất của khu vực Nhà tưởng niệm.

Sân thứ nhất có kích thước 49x21m lát đá granit, nằm ở cao độ 29.85m. Nằm đối xứng 2 bên là 2 nhà bia mặt bằng hình vuông 4,5x4,5m  để trống 4 mặt. Nhà bia có  kiến trúc theo kiểu 1 tầng, bốn mái đao. Kết cấu và trang trí theo kiểu kiến trúc gỗ truyền thống (ngói chiếu, rui, mè…). Bước từ sân lên 3 bậc đá tới mặt bằng đặt bia đá. Bia được tạc từ khối đá có hình chữ nhật, đường bao xung quanh có đường nét tự nhiên, được đục 01 mặt ghi bài phúng do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu phụng thảo tại Đá Chông ngày 19 tháng 5 năm 2015.

Lối lên khoảng sân thứ 2 được chia sang 2 bên, bao gồm 27 bậc (3 nhịp 9 bậc). Giữa 2 lối lên là chiếu sen chạm khắc hoa văn trang trí kích thước 11,4m x 6,4m. Sân thứ 2 là khoảng sân Nhà tưởng niệm, có kích thước 28x42m, nằm ở cao độ 33.90m. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi thức, sinh hoạt chính trị… Ở giữa đặt một lư hương to bằng đồng để mọi người thắp hương tưởng niệm Bác. Bao quanh sân cốt 29.85m và sân cốt 33.9m là các lan can đúc bằng đá cẩm thạch chạm trổ với tổng chiều dài là 290m.

Đứng dưới sân nhìn lên Nhà tưởng niệm Bác thấy những nét rất quen thuộc của phong cách kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ, hai đầu bờ nóc gắn trang trí hình triện cách điệu; các tầu mái được làm hơi chéo dần về phía đầu hồi để tạo thành góc đao cong, đầu đao đắp hình hoa sen. Mặt bằng ngôi nhà hình vuông, kích thước 21x21m, có hàng cột hiên bao quanh cùng hành lang rộng 2,5m, lan can đá bao quanh hàng cột hiên hình hoa sen cách điệu.

Khi bước từ sân lên 9 bậc bắt gặp những cánh cửa bằng gỗ lim được mở ở 3 gian, mỗi bộ cửa gồm 6 cánh làm theo kiểu cửa bức bàn, đục chạm hoa văn, hai cửa chính giữa có kích thước lớn hơn nhằm nhấn mạnh trục Thần đạo. Bên trong là hệ cột bằng gỗ lim chia ngôi nhà thành 3 gian: Gian giữa rộng 6,1m, hai gian bên rộng 4,95m, nền nhà lát đá granít 600x600. Gian chính giữa là bàn gỗ (kích thước 4,0m x 2,4m x 1,8m) đặt tượng Bác bằng đồng cao 2,25m, phía trước có đặt 1 bát hương to bằng đồng, hai bên bàn đặt đôi hạc chầu bằng đồng, phía trước là bàn đặt lễ (kích thước 3,0m x 1,5m x 1,35m),  2 cột bên ban thờ treo đôi câu đối chữ Việt: “Hồn Việt tụ nơi đây linh khí trải dài muôn dặm đất/Bác Hồ về thuở ấy tinh anh tỏa sáng bốn phương trời”, phía trên hai cột phía sau có bức đại tự ghi “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Hai gian bên mặt tường sau bàn thờ trang trí bao gồm: Bên trái trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bên phải trích Di chúc của Bác; mảng tường phía sau tượng Bác được trang trí cờ Tổ quốc, cờ Đảng ốp đá granít màu đỏ. Phía trước, hai bên bàn đặt lễ đặt giá chuông, giá khánh theo kiểu “tả chung, hữu cổ”.

Bên cạnh các thành phần tưởng niệm chính còn bố trí bàn ghi cảm tưởng ở bên phải gian trước, bàn sắp lễ để ở hành lang ngoài. Xung quanh nhà tưởng niệm là rừng cây phong phú và đa dạng về chủng loại, ngoài ra còn được trồng các loại cây đã gắn bó với Bác như: Hàng rào dâm bụt, các bụi trúc quen thuộc với với làng quê Việt Nam.

nha tuong niem CTHCM tai K9 anh 2

nha tuong niem CTHCM tai K9 anh 3
Nơi đây, nhiều đoàn đại biểu, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã thành kính dâng hương tưởng niệm, tổ chức lễ báo công dâng Bác

Trong những năm qua, đã có hàng ngàn lượt khách đến tham quan K9 và thắp hương tưởng nhớ công lao của Bác Hồ kính yêu tại Nhà tưởng niệm. Có thể nói Khu K9 nói chung, Nhà tưởng niệm Bác nói riêng là một trong những địa chỉ đỏ, là nơi về nguồn để đồng bào, khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Nhà tưởng niệm Bác tại K9 cũng là công trình tâm linh nhằm phát huy giá trị lịch sử, chính trị và văn hóa của Khu K9, giáo dục truyền thống cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau có niềm tin vững vàng vào công cuộc xây dựng đất nước theo mong muốn của Bác trước lúc đi xa./.

Giang Hải

Bài viết khác: