Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Lăng Bác được quyết định xây tại Quảng trường Ba Đình. Cùng với việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng được thiết kế, cải tạo và xây dựng lại to đẹp hơn, trang nghiêm hơn, hiện đại hơn để tương xứng với ý nghĩa lịch sử to lớn. Cuối năm 1973 đầu năm 1974, Nhà nước ta đã tổ chức thi thiết kế, quy hoạch Quảng trường Ba Đình.
Sân cỏ trên Quảng trường Ba Đình -
điểm nhấn đặc biệt trong quần thể kiến trúc khu vực
Tháng 5/1974, phương án thiết kế làm các ô cỏ vuông vức xen giữa những con đường nhỏ trải bê tông sỏi chính thức được chọn. Theo ý tưởng của các nhà kiến trúc sư khi thiết kế, quy hoạch sân cỏ Quảng trường Ba Đình, các ô cỏ là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam, góp phần làm cho quần thể kiến trúc khu vực Lăng thêm hoàn chỉnh. Đồng thời, thảm cỏ phù hợp hơn với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Trong những buổi mít tinh, diễu hành, quần chúng nhân dân đứng trên quảng trường ít bị chịu ảnh hưởng của bức xạ mặt trời hơn trên nền bê tông. Theo thiết kế này thì Quảng trường Ba Đình, vườn hoa tiếp giáp và Lăng Bác là một quần thể kiến trúc thống nhất, tổng diện tích cải tạo và xây dựng là 14ha. Quảng trường ở phía trước Lăng diện tích là 2,8 ha chứa khoảng 10 đến 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường chia thành 168 ô vuông, có kích thước mỗi ô 10x10m để trồng cỏ bốn mùa. Giữa các ô cỏ là lối đi lát bằng gạch sỏi nổi rộng 1,4m. Loại cỏ được chọn để trồng là cỏ lá gừng, đây là loại cỏ mọc khỏe, đan chặt vào nhau thành tấm trên mặt đất.
Ngày 02/9/1975, Lễ duyệt binh lịch sử chào mừng Ngày Quốc khánh đất nước đã long trọng diễn ra ở Quảng trường Ba Đình. Ngày 15/10/1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 323/TTg về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/12/1975, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Theo đó, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình được giao nhiệm vụ: “Chăm sóc thảm cỏ, vườn hoa, cây xanh và tiếp tục hoàn chỉnh việc trồng cây trong khu vực Quảng trường theo thiết kế đã được duyệt”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với việc duy trì, chăm sóc sân cỏ Quảng trường Ba Đình, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học để chăm sóc từng loài cây, hoa, thảm cỏ. Bên cạnh đó, chủ động liên hệ với các cơ quan tìm mua máy cắt cỏ phục vụ việc chăm sóc thảm cỏ khu vực Quảng trường.
Những năm qua, bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã chú trọng làm tốt công tác kỹ thuật định kỳ; chủ động kiểm tra phòng trừ sâu, bệnh hại và đưa ra các phương án tối ưu, bảo đảm thảm cỏ phát triển xanh tốt, góp phần điều hòa không khí, tạo không gian thoáng mát cho khu vực. Hình ảnh những thảm cỏ xanh mát mắt trên quảng trường đã trở thành hình ảnh quen thuộc với hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam.
Sân cỏ Quảng trường Ba Đình trong quá trình cải tạo
- Lần thứ nhất: Đầu năm 1987, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tiến hành cải tạo 168 ô cỏ trên Quảng trường Ba Đình do cỏ tranh lấn át cỏ lá gừng, thời gian thi công tiến hành trong 02 tháng, Ban phải thi công làm việc 3 ca liên tục để hoàn thành đúng tiến độ đề ra (ghi trong biên niên sự kiện). Đây có thể coi là lần đầu tiên cải tạo sân cỏ, kể từ khi đưa Công trình Lăng Hồ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình vào hoạt động chính thức.
- Lần thứ hai: Năm 1999, Ban Quản lý Lăng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao cải tạo sân cỏ Quảng trường Ba Đình tại văn bản số 59/VPCP-VX ngày 11/02/1999.
Đến đầu năm 2000, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 55/VPCP-VX ngày 05/01/2000 gửi Văn phòng Trung ương Đảng để xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị về việc trồng lại cỏ trên sân cỏ Quảng trường Ba Đình. Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 654/VPCP-VX ngày 25/02/2000 giao Ban Quản lý Lăng tổ chức triển khai trồng lại cỏ và lắp đặt hệ thống tưới phun sân cỏ Quảng trường Ba Đình.
Được sự cho phép, Ban Quản lý Lăng, trực tiếp là Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã cải tạo trồng lại toàn bộ số ô cỏ được trồng từ trước nâng tổng số lên thành 176 ô cỏ. Giống cỏ thay thế lần này là cỏ lá gừng khai thác tại tỉnh Bình Dương; đồng thời, kết hợp đầu tư trang bị hệ thống tưới phun tự động bảo đảm sân cỏ Quảng trường Ba Đình luôn sinh trưởng phát triển tốt. Theo đó, Ban Quản lý Lăng đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-BQLL ngày 20/7/2000 về việc Quản lý duy trì thảm cỏ, quản lý vận hành hệ thống phun tưới và bảo vệ an ninh sân cỏ Quảng trường Ba Đình.
- Lần thứ ba: Ngày 06/7/2000, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 2786/VPCP-VX đồng ý tiếp tục trồng lại cỏ vườn hoa phía Bắc Quảng trường Ba Đình. Và từ đây, sân cỏ Quảng trường đã nâng tổng số lên thành 240 ô cỏ.
Năm 2014, thực hiện Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình Thủ đô Hà Nội và phục vụ cho dự án Nhà Quốc hội (mới), Ban đã bàn giao 30 ô cỏ để mở rộng đường Độc Lập. Như vậy, Quảng trường Ba Đình ngày nay có khuôn viên với chiều dài 367m và rộng 85m, với 210 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m.
- Lần thứ tư: Sau gần 20 năm duy trì chăm sóc, kể từ lần cải tạo lớn năm 2000, các ô cỏ đã già hóa, úa vàng, khả năng sinh trưởng kém, mặt cỏ ghồ ghề, nhất là việc duy trì, chăm sóc và đưa máy móc vào sử dụng gặp khó khăn. Do vậy, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã đề xuất với Ban Quản lý Lăng đầu tư, từng bước cải tạo trồng mới lại các ô cỏ (trong dịp tu bổ định kỳ năm 2019 thí điểm trồng mới lại 07 ô cỏ; dịp tu bổ định kỳ năm 2020 đã cải tạo trồng mới lại 49 ô cỏ) bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Các ô cỏ được cải tạo trồng mới trong thời gian qua, đồng thời với việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác duy trì chăm sóc, đến nay sân cỏ luôn phát triển xanh tốt, giữ được vẻ đẹp vốn có của Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình.
Tiếp nối những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong thời gian qua, trong dịp tu bổ năm 2021, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình tiếp tục thực hiện cải tạo trồng mới lại 5.880m2 sân cỏ, tương ứng với 49 ô cỏ.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong đợt tu bổ định kỳ năm 2021, góp phần làm cho quần thể kiến trúc của khu Quảng trường Ba Đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đơn vị đã tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch, biện pháp thi công, phấn đấu hoàn thành các nội dung bảo đảm vượt tiến độ, phục vụ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, lập thành tích chào mừng 45 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập đơn vị (16/12/1975 - 16/12/2021).
Suốt 76 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 đến nay, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, Quảng trường Ba Đình không chỉ là một điểm đến để tham quan mà đây còn là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Kết quả đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, gắn liền với 45 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Dương Thúy Hà
Bài viết đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi viết "45 năm sắt son bên Người" nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh