Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hơn 4 thập kỷ qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế. Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, mở cửa đón đồng bào và bạn bè quốc tế vào Lăng viếng Bác và tham quan khu vực.

Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có chức năng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật công nghệ và môi trường phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, viên chức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, không ngừng học hỏi, đoàn kết cùng nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt là nghiên cứu đề xuất giải pháp tôn tạo vườn tre khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2011.

Vườn tre khu vực Lăng Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam, là nét độc đáo của kiến trúc cảnh quan toàn bộ khu vực Lăng. Hình ảnh vườn tre hai bên Lăng Bác rất đỗi thân thuộc, đã đi vào thơ ca, đi vào tâm hồn mỗi người. Ai đã một lần vào Lăng viếng Bác và tham quan khu vực thì không thể nào quên và luôn in đậm trong ký ức của mình về hai vườn tre xanh ngát, mang đậm nét dân tộc và hình bóng làng quê Việt Nam. Hai vườn tre vừa góp phần làm đẹp cảnh quan khu vực, vừa hài hòa với tổng thể kiến trúc của công trình, đồng thời luôn tạo cho mọi người cảm giác gần gũi, thân quen mà không ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của công trình. Đây là một hạng mục công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội trong tổng thể Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, Ban Quản lý Lăng đã duy trì, chăm sóc và bảo tồn kiến trúc cảnh quan trong khu vực. Hai vườn tre khu vực Lăng Bác được trồng từ năm 1975. Sau gần 40 năm, qua 4 lần cải tạo lớn, khả năng sinh trưởng và phát triển của hai vườn tre bên Lăng Bác đã có nhiều vấn đề nảy sinh. Số cây mẹ ra măng ít, tỷ lệ có sức sống tốt không nhiều, ít cây có cành và thân to do mật độ cây dày đặc, đường kính thân nhỏ, không tướng xứng với chiều cao của cây. Đặc biệt, tỷ lệ cây ra hoa nhiều, đã hết chu kỳ sinh trưởng.

Trước thực tế đó, năm 2011, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, điều tra kỹ thực trạng sinh trưởng, điều kiện tự nhiên, khả năng thích ứng của vườn tre khu vực Lăng Bác và một số vườn tre tại nơi nguyên sản tại tỉnh Thanh Hóa. Loài tre này thuộc loại tre mọc cụm, có dáng đẹp, thân to, đường kính gốc có thể tới 12cm, chiều cao tới hơn 20m. Lá và thân có màu xanh lục, thân thẳng, nhẵn bóng không có gai.

Tháng 3/2011 Trung tâm đã cử đoàn cán bộ đi công tác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa để nghiên cứu, khảo sát thực tế, lựa chọn mua giống tre đạt yêu cầu phục vụ nội dung trồng thử nghiệm tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến ngày 25/3/2013, dự án thay thế hai vườn tre khu vực Lăng chính thức được khởi công, thay thế trồng mới toàn bộ bằng loài tre cùng loài và được lấy giống tại vùng nguyên sản Lang Chánh, Thanh Hóa theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật lâm sinh đã được nhóm nghiên cứu Đề tài đề xuất và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài nhất trí thông qua.

Theo đó, khu vực hai vườn tre được thay thế bởi lớp đất phù sa sông Hồng; tiến hành xây kè bao quanh chu vi vườn bằng đá hộc, điều chỉnh lại kích thước, xử lý chống mối... Bụi cây giống được tạo bầu tại vườn ươm trước khi trồng để cây ra rễ và lá non. Qua kiểm tra cây giống tại vườn nguyên sản, các bụi cây giống đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật được đôn đảo về trồng tại thay thế cho hai vườn tre cũ.

vuon tre1
Vườn tre khu vực Lăng Bác sau cải tạo

Sau khi thu hồi các thân tre cũ, số lượng tre này được giao cho các nghệ nhân tại làng nghề Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội để chế tác ra các sản phẩm tre đan gắn với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động của Người lúc sinh thời. Đây là những sản phẩm mang ý nghĩa đặc biệt về giáo dục truyền thống, tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các sản phẩm này sẽ được lưu giữ tại phòng truyền thống của đơn vị, làm quà tặng cho các địa phương, giới thiệu với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi về Lăng viếng Bác.

vuon tre2
 
Các sản phẩm tre đan có nguồn gốc từ cây tre bên Lăng Bác

Mùa thu năm 1975, Lăng Bác được khánh thành. Trong các loài cây, hoa tiêu biểu của cả nước hội tụ về bên Lăng Bác, hai vườn tre vươn thẳng, xanh mướt được trồng bên Lăng của Người. Hàng tre xanh cũng đã vào tâm thức, thơ ca trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những hàng tre xanh bên Lăng Bác đã thực sự tô điểm thêm cho vẻ đẹp thanh tao, bình dị bên ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Ngày ngày nhân dân từ mọi miền Tổ quốc về Lăng viếng Bác, được ngắm nhìn hàng tre, biểu tượng cho tính cách của dân tộc Việt Nam: anh dũng, quật cường sức sống bền bỉ, dẻo dai “bão táp, mưa sa vẫn  thẳng hàng” và cũng là tượng trưng cho cốt cách của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Niềm vinh dự, tự hào được thực hiện nhiệm vụ bên Lăng Bác trở thành động lực và niềm vui để toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra sức phấn đấu, thi đua lập thành tích và ôn lại lịch sử, truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành của Ban Quản lý Lăng. Dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cán bộ, viên chức Trung tâm luôn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị đặc biệt và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối trung thành với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, để Lăng Bác mãi mãi là nơi tôn nghiêm, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam./.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Tác phẩm đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi viết
"45 năm sắt son bên Người" nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: