Từ ngày 06 đến 17/9/2021, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quân năm 2021, với 76 cán bộ dự thi đến từ 54 đơn vị đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng. Đây là dịp nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng, với chế độ; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Đại úy Trần Xuân Trọng, Trợ lý Thanh niên, Phòng Chính trị trình bày nội dung dự thi
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có 01 chuyên đề tham gia Hội thi với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” do đồng chí Đại úy Trần Xuân Trọng, Trợ lý Thanh niên, Phòng Chính trị trình bày. Đây là lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Và cũng là một trong những mục tiêu quan trọng đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Bởi lẽ, qua hơn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, với quyết tâm, tinh thần, trách nhiệm cao và niềm tự hào sâu sắc, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã chủ động sáng tạo, vượt qua muôn vàn gian khó, thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt tại một công trình đặc biệt với một khát vọng vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng của Đảng, vì một Việt Nam cường thịnh như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là việc làm vô cùng cần thiết trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế
Thời đại Hồ Chí Minh, đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc trường chinh đấu tranh vì độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất và vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta có những thời cơ to lớn để phát triển, chúng ta rất cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từ đó có thể khẳng định, “Khát vọng phát triển đất nước” luôn hiện hữu và là quy luật khách quan trong tiến trình phát triển của đất nước ta.
Trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong Top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch và ổn định lại nền kinh tế. Đó là kết quả của các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, được quốc tế đánh giá cao; là không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân, đẩy mạnh chống tham nhũng, mở rộng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; là phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới; là thái độ kiên quyết, kiên trì chống lại các âm mưu xâm phạm chủ quyền của đất nước bằng các biện pháp hòa bình; là thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần vì con người và “không ai bị bỏ lại phía sau”... Việt Nam hiện nay trong mắt bạn bè quốc tế là quốc gia có chỉ số tăng trưởng kinh tế nhanh hàng đầu thế giới, là nước có nhiều danh thắng có thể trở thành điểm đến của du khách, là quốc gia yên bình, thân thiện, hiếu khách, là nơi có thể đến đầu tư do có nhiều lợi thế...
Tuy nhiên, vị thế dù không ngừng được nâng cao nhưng với không ít bạn bè quốc tế, thậm chí là người Việt Nam ở nước ngoài, vẫn còn nhìn chúng ta khá dè dặt. Không ít bạn bè quốc tế vẫn nhớ đến Việt Nam như là một quốc gia giỏi chiến đấu, đã đánh thắng những đế quốc sừng sỏ, chứ chưa nhận ra sự vươn lên manh mẽ của Việt Nam về kinh tế, về hội nhập quốc tế.
Tại “Đối thoại 2045”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam năm 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó”. Tức là khát vọng Việt Nam hùng cường không phải là một khẩu hiệu suông mà chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nỗ lực, phấn đấu. Bởi vậy, việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là việc làm vô cùng cần thiết trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc mà Người để lại.
Về các mục tiêu phát triển
Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miềm Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Thứ hai, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Thứ ba, đến năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Có thể thấy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu không phải chỉ cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà còn tầm nhìn tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và chúng ta gọi đây là khát vọng phồn vinh dân tộc.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia… Trong đó, cần phải thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Chính những thay đổi lớn về tư duy đã tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng được xác định là một mũi nhọn chiến lược trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Hai là, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Để thực hiện được khát vọng phát triển đất nước thì đòi hỏi phải có những con người đủ năng lực, trí tuệ thực hiện khát vọng đó. Con người là trọng tâm, là động lực căn bản của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, Đảng ta xác định cần phải chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi và phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo đón đầu để tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực đáp ứng với các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Ba là, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đối khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, phòng, chống dịch bệnh; lây nhiễm, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cho Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Đảng ta đã xác định văn hóa là mục tiêu của sự phát triển. Vì thế cần phải xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, là nền tảng để xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Bốn là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả. Báo cáo chính trị Đại hội XIII khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đây vừa là quan điểm, vừa là phương châm chỉ đạo của Đảng.
Năm là, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Trong Báo cáo chính trị, vai trò của Nhân dân được đặc biệt đề cao: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ta xác định phải “Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở” theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Sáu là, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện. Tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước không chỉ nhằm mục tiêu “giảm cơ học” để giảm chi ngân sách nhà nước, mà còn để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; đặc biệt khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác cán bộ, công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”.
Khát vọng vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt
Với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thiêng liêng, trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó; là khát vọng, là trách nhiệm chính trị cao cả; là niềm vinh dự và tự hào của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ.
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phấn đấu đến năm 2030 xây dựng đơn vị đạt trình độ hiện đại cả về tổ chức, biên chế, trang bị kỹ thuật; làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trải qua hơn 50 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; hơn 45 năm đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng cống hiến, ý chí nghị lực; tinh thần chủ động, sáng tạo; tự lực, tự cường vượt qua những khó khăn thử thách; những thời điểm có tính chất bước ngoặt, nắm bắt thời cơ; biến thách thức thành cơ hội để phát triển: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác; vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống thiết bị Công trình Lăng; bảo đảm an ninh, an toàn và thực hiện trang trọng các nghi thức, nghi lễ; đón tiếp, phục vụ tận tình chu đáo đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan Khu Di tích K9.
Khát vọng đó - Khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị, một lần nữa được khẳng định rõ hơn, sâu sắc hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đoàn 969 lần thứ X.
Với phương châm “Kế thừa - Ổn định - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”; tập trung xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 trong sạch vững mạnh, tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng đơn vị đạt trình độ hiện đại cả về tổ chức, biên chế, trang bị kỹ thuật; làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân viên chiến sĩ trong đảng bộ, đơn vị được cụ thể hóa và khẳng định trong 9 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; đặc biệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả “3 khâu đột phá”: Đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; Đột phá, tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, văn hóa công sở, chấp hành kỷ luật, pháp luật; Đột phá nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp - Những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các khâu đột phá đó là minh chứng cho khát vọng vươn lên; cho ý chí, nghị lực của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.
Truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần thiết, có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tạo động lực, xây dựng ý chí quyết tâm; tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tự chủ, tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.
Khát vọng phát triển trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là khát vọng về một Việt Nam đổi mới, dân tộc Việt Nam cường thịnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc. Khát vọng thiêng liêng, lớn lao, có sự hòa hợp ý Đảng với lòng dân, tạo sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng chính là khát vọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Xây dựng một đất nước có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”./.
Trọng Hải