Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, Người đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Cho đến hơi thở cuối cùng, Người đã đem hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Công lao trời biển của Người không chỉ in đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn được ghi tạc trong lòng nhân dân và bạn bè tiến bộ quốc tế.
Nhân dân và du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 29/8/1975, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể. Để bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình, ngày 14/8/1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/CP thành lập Ban Phụ trách Quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình (nay là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có chức năng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo đảm an ninh, nghi lễ và tổ chức đón tiếp, phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan, sinh hoạt văn hoá, chính trị; quản lý, tôn tạo Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Quảng trường Ba Đình và các công trình, kiến trúc có liên quan; bảo đảm duy trì tốt hoạt động chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ, vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh tuyệt đối quanh khu vực Lăng và vận hành tốt, an toàn, hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã 45 năm kể từ ngày thành lập, bao thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đoàn kết, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ phục vụ bên Lăng Bác. Với những cán bộ đã rời công tác về lại quê hương, tuy tuổi đã cao nhưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn sáng mãi trong mỗi hành động, việc làm, là tấm gương sáng ngời lan tỏa về học tập và làm theo gương Bác. Tôi có dịp gặp gỡ với bác Dương Văn Viện, nguyên Đại tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được nghe bác kể về cuộc đời quân ngũ của bác gắn với những năm tháng được phục vụ bên Lăng Bác Hồ là những năm tháng ý nghĩa nhất trong cuộc đời, mãi mãi không thể nào quên.
Vinh dự mười một lần được gặp Bác Hồ
Bác Dương Văn Viện đã có một vinh dự lớn mà không phải thanh niên nào cũng có được, là được mười một lần gặp Bác Hồ. Đó là tại Đại hội Đoàn thanh niên cứu quốc toàn quốc lần thứ II (10/1956) khi bác là cán bộ của tỉnh đoàn Hà Tây; Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua Công - Nông- Binh toàn quốc lần thứ II (7/1958); Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (5-10/9/1960) và 4 năm với 8 lần họp Quốc hội khóa II là 8 lần được gặp Bác Hồ (1960-1964).
Đại biểu họp Quốc hội khóa II năm 1960 chụp với Bác Hồ - bác Dương Văn Viện hàng đầu, thứ 2 từ trái sang (ảnh chụp lại từ ảnh của nhân vật)
Bồi hồi xúc động bác kể: “Ấn tượng nhất là hai lần được chụp ảnh với Bác Hồ và một lần được Bác hỏi chuyện. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tôi được Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi giấy mời về dự. Buổi sáng hôm khai mạc đại hội, giờ giải lao thấy Bác nói chuyện với mọi người ngoài hành lang, tôi cố len vào trong để được đứng gần Bác, được nghe Bác nói chuyện và được nhìn thấy Bác rõ hơn. Sau khi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bác nói: "Chú Lam chọn cho Bác một cháu trai, một cháu gái trẻ tuổi nhất là công nhân, nông dân đến chụp ảnh với Bác". Thật không ngờ, tôi lúc ấy mới 25 tuổi và chị Len là công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng được chọn chụp ảnh chung với Bác”.
Các đại biểu trẻ tuổi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960 chụp ảnh với Bác Hồ (ảnh chụp lại từ ảnh của nhân vật)
10 năm “Làm người lính cận vệ bên Lăng Bác”
Say sưa trong câu chuyện quân ngũ khi còn trẻ, bác kể với tôi về cái duyên và niềm vinh dự được về công tác phục vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời quân ngũ 25 năm của bác Dương Văn Viện thì 14 năm được tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (1967-1981).
Với những thành tích đạt được cùng với phẩm chất đạo đức tốt, năm 1981 bác được cấp trên điều động từ thị trấn Sisôpôn biên giới Campuchia - Thái Lan về phục vụ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác tâm sự: “Đó là một sự may mắn và vinh dự lớn đối với tôi. Cuộc đời tôi thật là sung sướng quá, tôi muốn reo lên thật lớn khi nghe thông báo về quyết định được về làm nhiệm vụ ở Lăng Bác. Đồng đội ai ai cũng chúc mừng tôi, ao ước sau này được về Lăng viếng Bác”. Những lời chia sẻ rất mộc mạc ấy vẫn như vỡ òa cảm xúc của 30 năm về trước, mà bất kể ai khi có niềm vinh dự ấy cũng sẽ cảm thấy như vậy.
Trong quá trình công tác, nhiều lần bác Viện được gặp đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ để xin tư liệu về Bác để giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống Hồ Chí Minh. Bác được đồng chí Vũ Kỳ động viên: “Chú Viện được điều về phục vụ bên Lăng Bác Hồ là vinh dự lớn đó, nhưng cũng rất nặng nề vì Ban Quản lý Lăng là đơn vị đặc biệt, rất tôn nghiêm, mẫu mực cho cả nước học tập....”.
10 năm công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác Dương Văn Viện đã không ngừng học tập, phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại, nhiều năm bác đã nhận được danh hiệu chiến sĩ thi đua, và các bằng khen, giấy khen của thủ trưởng các cấp. Căn dặn chúng tôi, thế hệ trẻ công tác phục vụ nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác bảo: “Học tập Bác Hồ từ những điều bình dị nhất, nói ít nhưng phải làm nhiều. Tôi hứa trước đảng bộ quê tôi là tôi sẽ suốt đời học tập theo gương Bác Hồ, gương mẫu cho đến lúc chết”.
Nối tiếp truyền thống gia đình, con trai bác Dương Văn Viện là đồng chí Đại úy QNCN Dương Trường Sơn hiện cũng đang công tác tại Đội Quản lý Di tích, Đoàn 285, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ, tôn tạo Khu K9, mảnh đất lịch sử đã được Bác Hồ lựa chọn làm khu căn cứ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là nơi đã bí mật gìn giữ thi hài Bác trước khi công trình Lăng được hoàn thành.
Nhiệm vụ Ban Quản lý Lăng có nhiều bước phát triển so với trước đây
Bác Dương Văn Viện tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng (ảnh chụp lại từ ảnh của nhân vật)
Được nói chuyện, ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội, cũng như nghe thế hệ cán bộ trẻ tại Ban Quản lý Lăng trao đổi về thực hiện nhiệm vụ ngày nay, bác Dương Văn Viện thấy được bước phát triển rất đáng tự hào của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ở thời kỳ mới. Đó là: Các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đơn vị luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa công tác y tế và công tác kỹ thuật trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ, cải tiến trang thiết bị trong nhiệm vụ làm thuốc, pha chế dung dịch; bảo đảm thi hài Bác luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.
Cùng với công tác y tế, công tác kỹ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, một nhiệm vụ rất quan trọng của đơn vị. Công tác bảo đảm kỹ thuật được thực hiện trong điều kiện mới với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn trước đây. Nhiệm vụ chính của các hệ thống thiết bị tại công trình Lăng là tạo ra và duy trì môi trường không khí tinh khiết, có chế độ nhiệt ẩm thích hợp, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong điều kiện thăm viếng với các yêu cầu chính xác, ổn định, thường xuyên liên tục. Công tác bảo đảm an ninh, nghi lễ tại Lăng là nhiệm vụ đòi hỏi tính nghiêm cách, chuẩn mực rất cao vì được thực hiện tại nơi trang nghiêm, thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại, hằng ngày có nhiều người đến thăm viếng; bên cạnh đó còn thực hiện các nghi thức đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ quốc gia vào Lăng viếng Bác và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Trong các nhiệm vụ của đơn vị, nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ chủ yếu. Vì thế, công tác đón tiếp, tuyên truyền luôn được sự quan tâm của thủ trưởng các cấp, không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, cảnh quan khu vực được tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, làm cho Lăng Bác trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, điểm đến của du khách quốc tế mỗi khi đến đất nước Việt Nam thân yêu.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, tự lực tự cường vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó. Thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi “lắng hồn núi sông” - một công trình của “lòng dân, ý Đảng” - một công trình kiến trúc văn hoá độc đáo, niềm tự hào của người Việt Nam được tôn tạo, duy tu, bảo vệ đã đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác.
Bởi vậy, về thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành nhu cầu tự thân, là tình cảm, niềm tin không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Đó là nguồn động lực lớn lao để mỗi chúng tôi, thế hệ trẻ công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp thiêng liêng và cao cả, quyết tâm vươn lên làm chủ khoa học, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Bác để muôn đời con cháu mãi được về bên Người và nguyện sắt son bên Người.
Lưu Thị Thúy Nga
Tác phẩm đạt giải Nhì trong cuộc thi viết "45 năm sắt son bên Người"
nhân kỷ niệm 45 năm ngày Truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh