“Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc... Nghiêm trang trong nắng Ba Đình, hoa thơm ngát trời Thủ đô”.
Mỗi khi nhạc và lời của Bài hát “Chúng con canh giấc ngủ của Người” của nhạc sỹ Nguyễn Đăng Nước cất lên chúng ta lại thấy hình ảnh người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác đang ngày đêm làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả “Giữ yên giấc ngủ cho Người”.
Vậy là đã gần 52 năm Bác Hồ đi xa và cũng gần 46 năm ngày mở cửa Lăng để đón tiếp đồng bào trong nước và khách quốc tế tới viếng Bác, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự hào được thay mặt Quân đội làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nướcvà nhân dân giao phó: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.
Tổ chức nghi lễ chào cờ trước Lăng Bác
Sáng ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón tiếp, phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Người. Để bảo đảm nhiệm vụ nghi lễ, đón tiếp phục vụ đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, những cán bộ, chiến sỹ đầu tiên được vinh dự lựa chọn làm nhiệm vụ an ninh, nghi lễ tại Lăng, trong đó có tiêu binh danh dự tại cửa Lăng gồm 2 chiến sỹ: Binh nhất Nông Văn Thành (dân tộc Tày) và Binh nhất Nguyễn Văn Ri (dân tộc Kinh); Tiêu binh danh dự bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 4 chiến sỹ: Binh nhất Hà Văn Tặng; Binh nhất Nguyễn Phúc Trị; Binh nhất Bùi Thanh Vững và Binh nhất Nguyễn Trọng Nghĩa. Ngày 29 tháng 8 năm 1975 đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 46 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”.
Một trong những thành tích mà cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 46 năm qua phải kể đến đó là thực hiện nhiệm vụ tiêu binh nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.
Đổi gác tiêu binh
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu học tập kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, vận dụng phù hợp với truyền thống văn hóa, tinh hoa của dân tộc Việt Nam.
Đoàn 275 vinh dự là đơn vị trực tiếp tổ chức huấn luyện, luyện tập và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả này. Do tinh chất, yêu cầu nhiệm vụ thực hiện nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình là nhiệm vụ nghi lễ quốc gia, đòi hỏi tính nghiêm cách, chuẩn mực rất cao; chiến sỹ tiêu binh danh dự đứng nghiêm trong thời gian dài. Thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ tiêu binh danh dự là điều không dễ dàng, nhất là trong những ngày nắng nóng hay những đêm đông giá rét.
Để thực hiện các nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sỹ tiêu binh phải có trình độ chuyên môn tốt để đáp ứng được yêu cầu thực hiện các nghi thức, nghi lễ bởi các nghi thức, nghi lễ đều ở cấp Nhà nước. Do vậy, phải đòi hỏi cả phẩm chất đạo đức, yêu cầu thể lực cũng như yếu tố chính trị và trải qua một quá trình huấn luyện nghiêm túc. Đặc biệt về lý lịch chính trị gia đình, bản thân phải rõ ràng, trong sạch; có đạo đức, văn hóa tốt, có thể lực, quân dung đẹp, ngoại hình cân đối.
Công tác huấn luyện tiêu binh được thực hiện tại Đoàn 285
Sau khi được tuyển chọn từ các địa phương về đơn vị công tác, kết thúc 3 tháng huấn luyện tân binh ở Trung tâm Huấn luyện, Đoàn 285, các đồng chí sẽ tiếp tục được tuyển chọn rất kỹ về quân dung, động tác điều lệnh đội ngũ để bước vào huấn luyện nghiệp vụ Tiêu binh nghi lễ. Đây là thời gian luyện tập và rèn luyện vất vả với cường độ rất cao, người chiến sỹ phải trải qua một thời gian huấn luyện bài bản, công phu, phải rèn luyện từ những động tác nhỏ nhất trong điều lệnh như: Khuôn mặt tươi tỉnh, mắt nhìn thẳng cho tới động tác bắt đầu vào vị trí đứng, tập vác súng, động tác đổi gác, thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng trên Quảng trường Ba Đình. Nhưng vất vả nhất vẫn là động tác đứng nghiêm dưới trời nắng nóng có ngày lên tới trên 40 độ hay những ngày trời rét buốt có hôm dưới 10 độ trong thời gian từ 3 đến 4 giờ liền. Nhìn những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má với những bộ quân phục ướt sũng, chúng tôi hiểu rằng với sự kiên trì khổ luyện cùng ý chí và nghị lực rất cao, bảo đảm mọi cử chỉ, động tác thuần thục, chính xác tuyệt đối, các chiến sỹ tiêu binh với hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Là những người trực tiếp huấn luyện tiêu binh nghi lễ tại Trung tâm Huấn luyện, Đoàn 285 đồng chí Đại úy Ngô Trọng Duy, Phó đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275 đã chia sẻ với chúng tôi: “Vinh dự, tự hào là cán bộ, chiến sỹ Đội Tiêu binh danh dự được thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Chúng tôi nguyện kế tục, tiếp bước các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống vẻ vang, tích cực học tập, huấn luyện, rèn luyện để xứng đáng là người chiến sỹ tiêu binh danh dự, thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao”.
Bên cạnh nhiệm vụ tiêu binh, nghi lễ thường xuyên tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào các năm chẵn hoặc nhân tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, các chiến sỹ tiêu binh Đoàn 275 còn được giao nhiệm vụ tiêu binh phục vụ Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 02/9; Lễ rước đuốc, lấy lửa… tại Quảng trường Ba Đình lịch sử; tham gia cùng Đoàn Nghi lễ Quân đội đón tiếp chu đáo các Nguyên thủ quốc gia tại Phủ Chủ tịch. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 cùng với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh phục vụ chu đáo, an toàn tuyệt đối các sự chính trị trọng đại của đất nước.
Để phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người, yêu cầu, nhiệm vụ nghi lễ đòi hỏi có sự bổ sung, đổi mới và phát triển nâng cao chất lượng thực hiện nghi lễ để Lăng Bác trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đoàn 275 tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 19 tháng 5 năm 2001, 37 cán bộ, chiến sỹ (từ ngày 31 tháng 8 năm 2004, rút xuống còn 34 đồng chí, tượng trưng cho 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay). Đây là nhiệm vụ nghi lễ quốc gia, có ý nghĩa thiêng liêng, diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, gắn kết hình ảnh Tổ quốc và lãnh tụ của dân tộc; trực tiếp giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc đối với đồng bào trong nước và tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với bầu bạn quốc tế.
Trải qua hơn 20 năm tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, là cả một hành trình với những khó khăn, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào. Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ tiêu binh danh dự đã nỗ lực luyện tập, vượt qua những khó khăn, thử thách, tích cực học tập, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm vinh dự, tự hào mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
Trong niềm xúc động của buổi Lễ báo công với Bác tại Khu K9 trước khi rời Trung tâm Huấn luyện để trở về Thủ đô làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, đồng chí Binh nhì Hà Văn Ngọ thay mặt cho 85 chiến sỹ vinh dự được tuyển chọn về công tác tại Đội Tiêu binh danh dự năm 2021 đã xin hứa với Bác sẽ nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; tích cực học tập, rèn luyện, đoàn kết, khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy trí tuệ của tuổi trẻ để cống hiến cho Quân đội, cho quê hương, đất nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác Hồ”.
Nhìn những ánh mắt rạng ngời của các chiến sỹ tiêu binh danh dự được về công tác tại Thủ đô hôm nay chúng tôi tin tưởng rằng các đồng chí sẽ là những thế hệ chiến sỹ viết tiếp lên những truyền thống vẻ vang của lực lượng làm nhiệm vụ tiêu binh nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Bảo vệ Lăng Anh hùng “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, xứng đáng là người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác Hồ./.
Đức Hùng