Nhắc đến nhạc sĩ Thuận Yến là nhắc đến một nhạc sĩ gắn liền với những ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu. Đó là “Bác Hồ một tình yêu bao la” - một giai điệu ngọt ngào ấm áp tình quê hương xứ sở để ngợi ca Người. Đó là “Miền Trung nhớ Bác” - âm vang những xúc động bùi ngùi nhớ thương Bác… Và không thể không nhắc đến “Vầng trăng Ba Đình” - một khúc ca lắng đọng, da diết về Bác Hồ, về Lăng Bác, về Quảng trường Ba Đình lịch sử, ai nghe cũng đều xúc động vô cùng. Đây cũng có lẽ là một trong những ca khúc thành công nhất của nhạc sĩ Thuận Yến khi viết về Bác Hồ.
Vầng trăng Ba Đình là ca khúc được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc từ lời thơ của Phan Ngọc Cảnh. Bài hát này đã đoạt giải Nhất ca khúc của Bộ Văn hóa vào năm 1984. Mỗi lần ca khúc được vang lên chắc hẳn bất cứ ai cũng đều chung một cảm xúc đó là sự đồng điệu với người nhạc sĩ đứng trước Lăng Bác trên quảng trường Ba Đình ngắm ánh trăng sáng vời vợi như ánh lên một tình yêu với Người vô bờ bến. Theo năm tháng mỗi khi nhắc về Người, nhắc về Lăng Bác, nhắc về Quảng trường Ba Đình thì nhiều người vẫn đều nhớ về “Vầng trăng Ba Đình”.
Không diễm lệ, cầu kỳ, không kiểu cách, sang trọng, với “Vầng trăng Ba Đình”, nhạc sĩ chọn cách phổ nhạc đầy dung dị, gần gũi. Bởi thế mà mỗi lần được nghe ca khúc ai nấy cũng đều thấy thật thân thương, trìu mến như hình ảnh của Bác Hồ luôn hiện hữu trong tâm khảm của mỗi người Việt. Từ lời ca trong sáng, nhạc điệu bay bổng của ca khúc cứ thế gieo thêm vào trong lòng người nghe những tình cảm thiêng liêng, ấm áp về Người. Đó có lẽ cũng chính là mong muốn của nhạc sĩ Thuận Yến khi viết lên ca khúc này.
Bài hát “Vầng trăng Ba Đình” mở đầu bằng lời ca: “Trăng lên kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ơi vầng trăng, vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông, mênh mông, mênh mông và thiêng liêng”. Ôi một khung cảnh mênh mông nên thơ mà trữ tình mở ra qua từng lời hát về một Quảng trường Ba Đình ngày trăng lên khiến ai cũng thấy xao xuyến lòng. Nghe câu ca, bất cứ ai cũng dễ hình dung ra một đêm trăng soi chiếu bên Lăng Bác với nguồn sáng rực rỡ đến mức “Quảng trường dâng biển sáng”. Một nguồn sáng đến vô cùng cũng như tình yêu của những người con đất Việt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đến vô tận. Hơn hết đó chính là một tình cảm thiêng liêng không gì sánh bằng.
Nếu lắng nghe kỹ ca khúc “Vầng trăng Ba Đình”, sẽ thấy rõ được sự tinh tế trong quan sát của người nhạc sĩ tài hoa - Thuận Yến. Sự tinh tế đó được thể hiện qua lời hát: “Trong Lăng Bác vừa chợp nghỉ/ Như sau mỗi việc làm/ Trăng ơi trăng biết thế/ Nên trăng bước nhẹ nhàng”. Nhìn thấy Bác nằm trong Lăng, nhạc sĩ Thuận Yến đã liên tưởng đến những giờ phút Bác đang còn chợp nghỉ sau lúc làm việc ở nhà sàn. Những lời hát này cũng đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp ngày thường giản dị của Bác. Chữ “chợp” mới đẹp, mới tinh tế làm sao. Đó chính là một khoảnh khắc hiếm có, vì một đời Bác luôn nghĩ về dân về nước. Hay cũng chính là sự thể hiện, Người vẫn sống bên cạnh chúng ta hàng ngày.
Hình tượng “trăng” trong bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến cho người nghe hồi tưởng về hình tượng “trăng” trong thơ Bác qua đoạn nhạc: “Như đầy thuyền trăng ngân/ Rằm xưa trăng đấy hát/ Dưới trăng rừng Việt Bắc/ Bác luận bàn việc quân/ Gió hàng tre dào dạt/ Quanh Lăng như đầy thuyền”. Nếu ai đã đọc thơ Bác thì chắc chắn không thể nào quên thi phẩm “Nguyên tiêu” với câu thơ nổi tiếng Bác Hồ viết: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Câu thơ như được tái hiện qua lời nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến giúp người nghe bước trên hành trình hồi tưởng từ ánh trăng Ba Đình đưa ta về với ánh trăng sông Đáy trong bài “Nguyên tiêu” của Bác. Qua đây, mỗi người càng thấm thía hơn những hi sinh lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam.
Nhiều người ví “Vầng trăng Ba Đình” là một ca khúc bừng sáng lý tưởng. Tất cả những hình ảnh “Hàng tre - Lăng Bác - Con thuyền - Vầng trăng...” trong ca khúc như hòa quyện với nhau trong một gam màu sáng tinh khôi, tinh khiết mang đến vầng trăng không chỉ của thiên nhiên mà còn là vầng trăng hội tụ tình cảm thiêng liêng, một niềm tin yêu tỏa sáng mà mỗi người con đất Việt dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Dùng tâm can để thưởng thức nhạc phẩm “Vầng trăng Ba Đình” của nhạc sĩ Thuận Yến nhiều người sẽ có được cảm nhận đây giống như một lời tâm tình tự sự vượt qua thời gian, không gian. Đó chính là tiếng lòng của nhạc sĩ, của những người lính cảnh vệ, của những người dân Việt Nam dâng lên Bác. Tất cả được biểu lộ rõ qua lời nhạc cuối: “Là người con trung hiếu/ Được gác với đêm rằm/ Mời vầng trăng yêu dấu/ Bước lên thềm vào Lăng”. Đúng vậy, với những người chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “được gác với đêm rằm” để “mời vầng trăng yêu dấu, bước lên thềm vào Lăng” có lẽ là niềm tự hào không gì kể cho hết. Với mỗi chiến sĩ, cán bộ, công nhân viên đang làm nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỗi giây phút, mỗi khoảnh khắc bên Lăng đều thực sự thiêng liêng vô cùng.
Cho đến nay, đã trải qua 46 năm, lớp lớp cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Suốt 46 năm qua dù phải trải qua nhiều khó khăn song trên hết bằng tình yêu vô bờ bến, sắt son dành cho Bác Hồ kính yêu, đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua mọi thử thách.
Sau cùng, dẫu có bao biến thiên của thời cuộc thì trăng vẫn lên, ánh trăng vẫn soi chiếu nơi “quảng trường dâng biển sáng”. Đó là “Vầng trăng Ba Đình” mãi mãi bừng lên chói ngời như tình cảm của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu./.
Phương Ngân