Cách đây 52 năm, vào lúc 09 giờ 47 phút ngày 02-9-1969 (nhằm ngày 21-7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta qua đời. Người ra đi để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè trên toàn thế giới. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ biệt thế giới này để trở về với cõi vĩnh hằng nhưng mãi còn đây hình ảnh một con người vĩ đại mà muôn nhịp đập trái tim của Người đều dành trọn cho dân, cho nước. Người còn sống mãi trong trái tim nhân loại, sống mãi với dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đạo lý, là tình cảm thiết tha của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác. Việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là một chủ trương đúng đắn, có giá trị lịch sử to lớn, ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và của toàn nhân loại.

giu mai niem tin
Đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động và cao đẹp của “Lòng dân - ý Đảng”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước; biểu tượng tập trung nhất ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc- “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; là quyết tâm của toàn dân tộc, là lời hứa của các thế hệ tiếp bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Lăng Bác còn là nơi nhân dân cả nước biểu dương lực lượng, thể hiện ý chí, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của các thế hệ người Việt Nam càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. 46 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, dòng cảm tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và khách quốc tế đã được lưu giữ như mỗi ngày một dài thêm… mỗi người ở một vị trí khác nhau, nhưng tựu chung lại là sự kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện mãi mãi học tập và làm theo lời Bác dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, 20 tuổi, người dân tộc Hơ-mông, trong đoàn giáo viên huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang về viếng Bác đã xúc động viết: “Cháu là người dân tộc Hơ-mông, lần đầu tiên vinh dự được về Hà Nội viếng Bác. Cháu chưa một lần được thấy Bác, hôm nay được gặp Bác, cháu rất cảm động. Người Hơ-mông chúng cháu được như ngày nay, được cơm no, áo ấm, được có chữ, cùng tiến bộ như các dân tộc đa số, riêng cháu lớn lên trở thành cô giáo là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ. Cháu và dân tộc Hơ-mông chúng cháu rất ơn Đảng, ơn Bác. Cháu nguyện sẽ học tập và cố gắng giảng dạy cho các em học sinh người Hơ-mông đời đời theo Đảng, theo Bác…”. Đoàn nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, gồm 18 chị em từ thành phố Hồ Chí Minh ra Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác đã nhòa nước mắt, ghi lại tình cảm của mình: “Hôm nay con về thăm Lăng Bác; nuốt lệ mừng nhớ lại tháng năm xưa… Tháng năm trong nhà tù Mỹ - Ngụy, hay tin Bác mất, chị em quyết định mặc niệm, để tang đồng phục đen, quấn tang trắng, chào cờ và hát mặc niệm ngay trước mũi súng địch, làm chúng tức tối đàn áp rất dã man. Cuối cùng chúng cháu vẫn là người chiến thắng, vì là con cháu của Bác Hồ luôn luôn mang tư tưởng bất khuất và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng sẽ về ta, nên luôn lạc quan cách mạng và đã được trao trả với tư thế của người chiến thắng”. Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Quận 1, thành phố mang tên Bác đã viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động được đến viếng Bác. Bác mãi mãi sống trong trái tim đồng bào Nam Bộ. Về Lăng viếng Bác, thương nhớ Bác vô cùng, nguyện học tập và sống theo gương Bác”.

Với khách nước ngoài, khi đến Hà Nội hầu hết đều vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; số lượng khách quốc tế vào Lăng viếng Bác năm sau luôn cao hơn năm trước và họ đều có chung cảm tưởng: Hiếm có vị lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít người trước đây là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, nhưng ngày nay, trước chính sách mở cửa, đổi mới của Đảng và Nhà nước, họ đã đến Việt Nam và vào Lăng thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hận thù, đối lập dường như không còn nữa, quá khứ được gác lại và cùng nhau hướng về tương lai. Có thể nói, những dòng tình cảm của mỗi người khi đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dù màu da, tiếng nói có khác nhau, nhưng đều đã dành những tình cảm đặc biệt đối với Người.

Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói: “Chúng ta thật hạnh phúc vì có Bác, được thấy Bác nằm yên nghỉ trong Lăng giữa Ba Đình, như tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua những khó khăn, xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như điều Bác hằng mong muốn”.

Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, giá trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh thân thế, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện cụ thể việc đẩy mạnh, làm lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Hơn nửa thế kỷ Người đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính, được nhân loại biết đến với tấm lòng kính trọng thì mãi mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế. Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con đất Việt luôn trào dâng tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng và nỗi nhớ Bác khôn nguôi. Với riêng những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ về Bác là mỗi người dâng trọn tất cả tấm lòng kính yêu, trân trọng dành cho người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Mỗi người nhớ về Bác, nghĩ về Bác để cùng nhau phấn đấu, rèn luyện mình tốt hơn, góp phần để Lăng Bác là nơi lan tỏa các giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để Bác Hồ thực sự sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Thanh Huống

Bài viết khác: