Bên cạnh niềm vui và vinh dự lớn là người lính trong đội ngũ giữ yên giấc ngủ của Người, tôi luôn tự hào được chứng kiến quá trình hình thành, phát triển của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và có thời gian đáng kể làm việc dưới quyền, gặp gỡ trưởng ban đầu tiên - Thiếu tướng Trần Kinh Chi.

Trong tôi, trước đây cũng như bây giờ, những điều không thể nào quên về Ban Quản lý Lăng - một mô hình tổ chức chưa có tiền lệ và vị tướng trưởng ban đầu tiên, quyết đoán, sắc sảo luôn gắn liền với sự trân trọng về một tổ chức hiệu lực, hiệu quả và người đứng đầu, trách nhiệm, tâm huyết.

Một mô hình đặc biệt, chưa có tiền lệ

Mỗi khi vào Lăng viếng Bác hoặc đi qua Quảng trường Ba Đình ngắm nhìn Công trình Lăng Bác với vóc dáng uy nghiêm nhưng gần gũi, quan sát các hoạt động thường ngày ở đây chúng ta thường nhắc đến và ghi nhận công việc thầm lặng mà vinh dự của một đơn vị quân đội có nhiệm vụ đặc biệt - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều này rất đúng mà chưa đủ. Để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm an ninh an toàn phục vụ chu đáo nhân dân và khách quốc tế đến viếng Người, chăm lo, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực, bên cạnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần có những lực lượng khác góp phần thực hiện nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, trong một tổ chức quản lý, điều hành thống nhất: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tran kinh chi 2021
Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Bác về với cõi vĩnh hằng, trong thời gian lưu giữ thi hài Bác tại một số căn cứ, Bộ Chính trị đã có quyết định về xây dựng Công trình Lăng và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Cũng tại thời điểm này, ban chỉ đạo đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức, quản lý, điều hành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần trao đổi, thống nhất nội bộ, ban chỉ đạo lựa chọn đề xuất phương án tham khảo ý kiến các bộ, ngành có liên quan, ý kiến của chuyên gia Liên Xô, sơ bộ xác định phương hướng tổ chức và nội dung công tác quản lý, điều hành khi đón Bác về Lăng. Đó là những phác thảo đầu tiên nhưng rất cơ bản cho một phương án lâm thời của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phương án lâm thời mang đậm dấu ấn của các sĩ quan quân đội dày dạn trận mạc, bản lĩnh, trí tuệ, đủ khả năng nắm bắt thực tiễn, dự báo và hoạch định chính xác lời giải cho nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng chưa từng có tiền lệ này. Là người được ban chỉ đạo phân công, Đại tá Trần Kinh Chi trực tiếp chỉ đạo mọi công việc chuẩn bị để tổ chức lâm thời, sớm hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả.Nhớ lại, khi sức khỏe của Bác ngày một yếu dần, trung tuần tháng 8-1969, theo thẩm quyền được Bộ Chính trị giao, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Quân ủy Trung ương, trong Ban chỉ đạo có Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội. Ông là Ủy viên ban chỉ đạo, được phân công điều hành mọi công việc cụ thể.

Mùa xuân năm 1975, thắng lợi dồn dập từ chiến trường miền Nam tạo thêm động lực để đẩy nhanh tốc độ thi công các hạng mục cuối cùng của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là lúc nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác cơ bản hoàn thành, đang trong giai đoạn hoàn thiện, hiệu chỉnh, hoàn công và nghiệm thu từng phần. Tháng 6-1975, toàn bộ công việc chuẩn bị cho ngày đón Bác về Lăng và Lễ khánh thành Công trình Lăng đã được hoàn tất. Ban chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác tập trung chỉ đạo tổ chức lực lượng, phân giao nhiệm vụ, thống nhất nguyên tắc, chế độ phối hợp, hiệp đồng. Đây chính là thời điểm tổ chức lâm thời của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được kiện toàn và đi vào hoạt động.

Chiều 18-7-1975 đoàn xe chuyên dụng chở thi hài Bác xuất phát từ căn cứ K9 (Đá Chông, Ba Vì) về Thủ đô Hà Nội, một cuộc hành quân lịch sử do Thiếu tướng Trần Kinh Chi chỉ huy (ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974), tối cùng ngày đoàn xe về tới Quảng trường Ba Đình, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người. Sáng 29-8-1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế, đại biểu các bộ, ngành và Thủ đô Hà Nội. Sau buổi lễ các đoàn đại biểu lần đầu tiên vào Lăng viếng Bác trong không khí trang nghiêm, xúc động.

Xuất phát từ ý nghĩa lớn lao của Công trình Lăng và nhiệm vụ đặc biệt gắn liền với Bác, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới đặt ra, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 14-8-1976 Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định thành lập Ban phụ trách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thuộc Hội đồng Chính phủ. Quyết định nêu rõ các nhiệm vụ của ban ở tầm vĩ mô, trọng tâm là thống nhất kế hoạch, điều hòa phối hợp công tác, lập kế hoạch chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính, mối quan hệ và chế độ báo cáo, thường kỳ báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Hội đồng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch, quản lý vận hành Lăng và Quảng trường Ba Đình.

Ngay trong quyết định đầu tiên liên quan tới Ban phụ trách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình (nay là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đặt Ban vào vị trí Ban thuộc Chính phủ và quy định thường kỳ báo cáo lãnh đạo Đảng, Chính phủ tình hình thực hiện nhiệm vụ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua năm tháng, tại các nhiệm kỳ của mình, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bổ sung, điều chỉnh, phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kế thừa.

Gần đây nhất, tại Nghị định số 18/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, nghi lễ, tổ chức các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội và các công trình, kiến trúc có liên quan, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Ấn tượng về vị tướng trưởng ban đầu tiên

9 ngày sau quyết định thành lập Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi công văn thông báo cho Thủ tướng Chính phủ và Quân ủy Trung ương ý kiến của Bộ Chính trị. Thông báo có nội dung: “Việc quản lý Lăng và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc rất phức tạp, tỉ mỉ, nhưng phải bảo đảm làm thật tốt và về thời gian phải bảo đảm rất lâu dài. Vì vậy phải có đồng chí đủ năng lực chuyên trách lãnh đạo, Bộ Chính trị đã cử đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi làm Trưởng ban Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đầu tháng 10-1976, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 3 đồng chí: Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Trưởng ban; đồng chí Lê Hòa, Ủy viên Thư ký Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và đồng chí Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Cục phó Cục Cảnh sát bảo vệ, Bộ Công an làm Phó trưởng ban. Cũng trong tháng 10, Quân ủy Trung ương có quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Trần Kinh Chi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian đầu, khi đưa Công trình Lăng vào hoạt động, tổ chức đón đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến viếng Bác, là Trưởng ban, Thiếu tướng Trần Kinh Chi, trong phạm vi quyền hạn của mình, giữa bộn bề công việc luôn phát hiện và chủ động giải quyết nhiều vấn đề cần ưu tiên. Với nhãn quan và kinh nghiệm của người đã từng đứng đầu ngành bảo vệ an ninh quân đội, ông đề xuất và chỉ đạo tổ chức thực hiện các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn thi hài Bác và Công trình Lăng. Là người theo sát quá trình giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác trong 6 năm còn chiến tranh ở các căn cứ khác nhau và cũng là người dành nhiều thời gian tìm hiểu nhiệm vụ xây dựng Công trình Lăng, ông hiểu rõ những yêu cầu của công tác y tế, công tác kỹ thuật. Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã sớm nhận ra sự khác biệt cơ bản khi thi hài Bác được đưa lưu giữ trong Lăng, được tiến hành công tác y tế, công tác kỹ thuật cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn, an toàn tuyệt đối, trong điều kiện có tổ chức lễ viếng.

Những năm đầu hoạt động, công tác y tế, công tác kỹ thuật luôn có sự giúp đỡ, hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Trưởng ban Trần Kinh Chi yêu cầu cán bộ dưới quyền biết trân trọng, tranh thủ tốt nhất cả về chuyên môn, cả về vật tư, trang thiết bị kỹ thuật. Ông chủ động kết nối, hợp tác với các nhà khoa học trong nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học để từng bước làm chủ được một số lĩnh vực còn rất mới mẻ lúc đó. Khát vọng sớm làm chủ về y tế và kỹ thuật luôn thường trực trong ông. Thông minh, sắc sảo và tâm huyết, ông truyền tải khát vọng đó, gợi mở cách làm, tạo điều kiện cho cán bộ dưới quyền thực hiện.

Thiếu tướng, Trưởng ban Trần Kinh Chi cho rằng, Lăng và Quảng trường Ba Đình ở thời kỳ mới đi vào hoạt động rất cần được hoàn thiện, tôn tạo thêm. Ông giao nhiệm vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, ô cỏ, bổ sung chủng loại cho phong phú hơn. Ông yêu cầu thử nghiệm chiếu sáng khối chính công trình Lăng làm tiền đề cho thiết kế, lắp đặt chính thức sau này.

Những ngày đầu nhiều thứ còn thiếu thốn, ông ưu tiên dành thuận lợi cho khách vào Lăng viếng Bác, từ địa điểm tập kết, nơi gửi hành lý, nước uống cho đến bánh mì lót dạ... lối đi dành riêng cho các cháu thiếu nhi khi vào thăm viếng Bác Hồ cũng là ý tưởng của ông. Người đứng đầu Ban Quản lý Lăng vẫn thường nhắc lực lượng phục vụ đón tiếp, hướng dẫn khách: Khách đến thăm viếng Bác là khách quý của Bác, phải phục vụ tận tình, chu đáo.

Từ thực tiễn quản lý, điều hành, Thiếu tướng Trần Kinh Chi mong muốn có được cơ cấu tổ chức hợp lý nhất cho các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng. Bàn kỹ trong lãnh đạo, chỉ huy, không ít lần ông đã có những điều chỉnh độc đáo, sáng suốt, tạo lợi thế cho các cơ quan, đơn vị phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác. Tư duy về một Ban Quản lý Lăng gọn, mạnh, đã có trong ông từ sớm. Là người từng trải, đi sát thực tiễn, không cầu toàn, trong những năm trên cương vị trưởng ban, cùng với tập thể lãnh đạo chỉ huy, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã xây dựng, hoàn thiện, bàn giao lại cho các thế hệ sau một tổ chức gọn, mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Đào Hữu Nghĩa (*)

(*) Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: