Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Niềm vinh dự, tự hào này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BQL Lăng) và Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BTL Bảo vệ Lăng). Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập BQL Lăng (14-8-1976/14-8-2021) và 46 năm ngày truyền thống BTL Bảo vệ Lăng (29-8-1975/29-8-2021), xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Tiến sỹ Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
Thiếu tướng, Tiến sỹ Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
Công trình đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt
Phóng viên (PV): Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ 20; là công trình của ý Đảng, lòng dân; biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí có thể giới thiệu rõ hơn về ý nghĩa của công trình đặc biệt này?
Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn: Kể từ khi khánh thành đến nay (29-8-1975), Bộ Tư lệnh Lăng đã đón gần 60 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Tại khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình cũng diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước nhân các sự kiện, ngày lễ lớn. Đối với mỗi người dân Việt Nam, vào Lăng viếng Bác đã thành một nhu cầu tình cảm, một sinh hoạt truyền thống hướng về cội nguồn. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ người dân đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Chính chúng tôi, cũng có chung cảm xúc vinh dự, tự hào khi hằng ngày, hàng giờ được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Trong số 60 triệu lượt người đã đến viếng Bác có hơn 10 triệu lượt là khách quốc tế; trong đó các nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam thăm, làm việc hầu hết đều đến tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành động này vừa là sự tôn kính đối với lãnh tụ của dân tộc ta đồng thời thể hiện sự công nhận ý thức hệ và con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn: Suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này thêm một lần nữa khẳng định ý nghĩa chính trị đặc biệt của công trình Lăng.
Lăng Bác là công trình thể hiện tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô. Với sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Đảng, Nhà nước Liên Xô, trực tiếp là các nhà khoa học y tế, chúng ta đã giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khí hậu nhiệt đới. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cơ bản cho quá trình giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thể hiện ý chí quyết tâm, trí tuệ, khát vọng của đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học y tế Việt Nam.
PV: Trước khi có cuộc gặp ngày hôm nay, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của bạn đọc, chưa thực sự hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của BQL Lăng, liệu có sự “chồng chéo” với BTL Lăng và các cơ quan liên quan hay không? Xin chuyển câu hỏi này đến đồng chí Quyền trưởng ban?
Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn: Trước hết, phải khẳng định chắc chắn, ở đây không có sự chồng chéo nào cả.
Sau ngày Bác mất, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người". Nhiệm vụ này ngay từ đầu đã được giao cho quân đội, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, ngày 11-7-1976, Bộ Chính trị ra Thông báo số 14-TB/TƯ về tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quản lý Lăng và Quảng trường Ba Đình. Đồng thời Bộ Chính trị cũng quyết nghị về việc thành lập Ban Phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.
Thực hiện Quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 14-8-1976, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Quyết định số 145/CP thành lập “Ban Phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình”. Ngày 11 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1589/QĐ-TTg, lấy ngày 14 tháng 8 hằng năm là “Ngày truyền thống của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 07-12-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 374/CT về việc đổi tên Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thành Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Ngày 02-02-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, nghi lễ, tổ chức các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (còn gọi là Khu Di tích K9) và các công trình, kiến trúc có liên quan; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có Văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; 02 đơn vị sự nghiệp công lập (là Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường); và 2 đơn vị chuyên trách phối thuộc (gồm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Quốc phòng; Trung đoàn 375 trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an).
Cơ cấu tổ chức như vậy bảo đảm Ban Quản lý Lăng nhận được sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó tạo điều kiện tối đa để Ban Quản lý Lăng phát huy được khả năng phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị của nhiệm vụ. Quá trình hoạt động trong 45 năm qua đã chứng minh sự đúng đắn quyết định này của Trung ương.
Thêm một điều nữa việc hợp tác giữa Việt Nam và Liên Bang Nga trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặc biệt quan trọng. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Xô tan rã nhưng nhiệm vụ này vẫn được tiếp tục và thực hiện hiệu quả. Nguyên nhân một phần là nhờ có cơ chế đặc biệt hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng với phía Liên Bang Nga. Năm 2022 chúng ta sẽ kỹ niệm 30 năm mối quan hệ hợp tác này.
Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trên nhiều mảng công tác, song nhận thức rõ niềm vinh dự và trách nhiện lớn lao trước Đảng, trước dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây, các nhà khoa học Liên bang Nga ngày nay, Ban Quản lý Lăng đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có BTL Lăng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục về thân thế, sự nghiệp vĩ đại; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.
Vinh quang trên những chặng đường
PV: Trải qua hơn 50 năm giữ gìn thi hài Bác; 45 năm quản lý, vận hành Công trình Lăng, đơn vị đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Những dấu mốc quan trọng nào cho thấy điều đó, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn: Công tác quản lý, vận hành Công trình Lăng được đánh dấu từ ngày đón Bác về yên nghỉ tại Lăng, ngày 18-7-1975. Cho đến năm 1991, Chính phủ Liên Xô viện trợ thiết bị kỹ thuật, vật tư, phụ tùng thay thế cho tất cả các hệ thống thiết bị, kiến trúc công trình. Giai đoạn này dưới sự hướng dẫn, thường xuyên của chuyên gia Liên Xô, đơn vị đã tập trung nghiên cứu nắm bắt thiết bị hiện có để khai thác vận hành an toàn, bảo đảm tốt thông số; duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, nhằm nâng tuổi thọ thiết bị, kiến trúc Công trình.
Dấu mốc thứ hai có thể kể đến là từ sau khi Cộng hòa Liên bang Xô Viết tan rã. Việc quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị, kiến trúc Công trình do đơn vị tự chủ đảm nhiệm. Từ đây đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của đơn vị về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ; từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng, đáp ứng tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dấu mốc thứ ba là từ năm 2009, Bộ tư lệnh bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 2341, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Giai đoạn này, nhất là trong thời kỳ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được chú trọng. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, đem lại hiệu quả cao. Những nghiên cứu này sau khi hoàn thành đưa vào ứng dụng đã bảo đảm tốt hơn công tác quản lý vận hành Công trình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.
PV: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác là một công tác đặc biệt trong nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Những chủ trương, giải pháp cụ thể nào đã được tổ chức thực hiện để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang này, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Bùi Hải Sơn: Như các đồng chí đã biết, một số quốc gia trên thế giới cũng thực hiện việc giữ gìn lâu dài thi hài lãnh tụ của đất nước mình. Nhưng ở Việt Nam lại có sự khác biệt rất lớn. Chúng ta giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác là để cho nhân dân và bạn bè quốc tế được thăm viếng, chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Đối với mỗi người dân Việt Nam là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, đoàn kết, quyết tâm mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Đối với khách quốc tế được nhìn thấy Người, một huyền thoại có thật, cũng là thấy thành quả Người để lại cho dân tộc Việt Nam hôm này. Đồng thời góp phần lan tỏa những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc; là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa, chúng tôi đang thực hiện một nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng nhiều trọng trách nặng nề.
Thời gian qua, để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới với những yêu cầu cao hơn, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, bên cạnh việc thường xuyên chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tổ chức để nhân dân được về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh an toàn, tận tình, chu đáo và thuận tiện, chúng tôi không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, lòng trung thành, tận tâm tận tuỵ và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo; vượt mọi khó khăn, vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời chủ động phối hợp trong chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình, bảo đảm an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Bác, Công trình Lăng, các công trình liên quan và sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng và Khu Di tích K9; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và môi trường theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, hiệu quả thiết thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”; đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thi đua Quyết thắng gắn với các cuộc vận động, thi đua của các ngành tạo động lực thúc đẩy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!