Dân tộc Việt Nam ta vẫn luôn tự hào về truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” được gìn giữ và lưu truyền qua biết bao thế hệ. Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ dạy: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”. Lời Bác dạy đã nhắc nhở mỗi chúng ta đang được sống trong hòa bình cần ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ - những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân đã hy sinh thân mình, bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường khốc liệt.
Hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Hơn ai hết, Bác là người thấu hiểu nhất những mất mát hy sinh của những người chiến sĩ kiên trung một lòng vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ sự thấu hiểu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân đối với thương binh, liệt sĩ. Người từng nhắc nhở: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Không chỉ dừng lại ở những lời nói, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho những thương binh, liệt sĩ còn thông qua những hành động bình dị, những cử chỉ rất đỗi tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Trong lá thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” năm 1947, Bác viết “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn hai trăm hai mươi bảy đồng (1,227đ.00)”. Người vẫn thường trích một tháng lương, dùng những bộ quần áo, khăn tay, các vật dụng khác để làm quà tặng cho anh em thương binh tại các trại điều dưỡng. Những món quà của Người tuy nhỏ nhưng vô cùng đáng quý, đó chính là sự quan tâm, chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương binh, bệnh binh. Không chỉ là món quà đơn thuần đó còn là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đói với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Cả dân tộc Việt Nam vẫn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một cái tên thân thương đầy trìu mến là “cha già dân tộc”. Người luôn dành tình yêu thương vô bờ bến cho đồng bào cả nước. Đồng cảm với những mất mát của những gia đình có chiến sĩ hy sinh, chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người mẹ, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ngày 07-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với biết bao niềm yêu thương chân thành qua từng câu, từng chữ mộc mạc, giản dị đến xúc động vô cùng. “ Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong các thời kì cách mệnh hoặc trong thời kì kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Chính những tình cảm bình dị mà sâu sắc, chân thành ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nguôi ngoai đi bao nỗi đau thương mất mát vẫn còn hằn sâu trong từng ánh mắt khắc khoải của những người mẹ, người vợ có con, có chồng ra trận mãi chẳng trở về.
Sinh thời với công việc bận rộn của một Chủ tịch nước, Bác vẫn hết sức quan tâm đến thương binh, liệt sĩ. Hàng năm, cứ đến 27 tháng 7, Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ. Mỗi bức thư được gửi đi là từng ấy những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất đỗi gần gũi, thân thương của Người. Ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đặt vòng hoa viếng tại Đài liệt sĩ Hà Nội vào các dịp lễ, Tết: “Ngày mai là năm mới… trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ”.
Thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân ta luôn đề cao công việc đền ơn đáp nghĩa đối với thương, bệnh binh và người nhà liệt sĩ. Các chủ trương, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng được nâng cao, chú trọng nâng cao đời sống của các gia đình chính sách, có công với đất nước. Nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm được nhiều việc để đền ơn đáp nghĩa như: các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ… ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Đoàn Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng tặng quà các gia đình chính sách, dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang (Tháng 7/2020)
Phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác , đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tổ chức thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Qua từng năm, các hoạt động ‘đền ơn đáp nghĩa” của Bộ Tư lệnh ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều hoạt động thiết thực được diễn ra mỗi dịp 27/7 như: Tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Mỗi dịp 27/7 hàng năm về, cả dân tộc như cùng chung một niềm thương để tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và để đền đáp cho những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ không chỉ là những vật chất mà còn là tình cảm đong đầy lòng biết ơn vô hạn những con người đã làm nên dáng hình của Tổ quốc. Và hơn hết, chúng ta càng không thể quên những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ để ngày một đẩy mạnh, nâng cao phong trào “đền ơn đáp nghĩa” mãi vẹn nguyên những giá trị trân quý./.
Phương Ngân