Thực hiện Công văn số 2298/BTNMT-TTTNMT hướng dẫn tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021. Hiện nay, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và khách tham quan tại khu vực cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể:
- Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…;
- Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần;
- Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các cơ quan, đơn vị. Vận hành có hiệu quả Trạm xử lý nước thải, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải vào hệ thống chung của Thành phố Hà Nội.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, công nhân viên trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương;
- Đưa tin, bài tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021;
- Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức. Để ứng phó với thực trạng này, ngày 01/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Nó nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Thập kỷ Liên hợp quốc kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây cũng là thời hạn cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.
Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn. Các hệ sinh thái lành mạnh hơn, với đa dạng sinh học phong phú hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho non người như đất đai màu mỡ hơn, sản lượng gỗ và cá lớn hơn và lượng khí nhà kính được lưu trữ lớn hơn. Sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái. Hiện tại, khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên hành tinh cho thấy xu hướng giảm năng suất liên quan đến xói mòn, cạn kiệt và ô nhiễm ở tất cả các nơi trên thế giới. Đến năm 2050, suy thoái và biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng trên toàn cầu và tới 50% ở một số khu vực. Theo tính toán, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13-26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển.
Với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration), cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn, góp phần đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Thanh Huyền, Đức Quý