Cán bộ, chiến sĩ Đội Tiêu binh danh dự Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghi lễ chào cờ
Hôm nay, ngày 19/5/2021, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), đồng thời, với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - tròn 20 năm thực hiện nghi lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình.
Mỗi khi nghi lễ chào cờ được cử hành, khi lá cờ đỏ thắm tung bay trên Quảng trường Ba Đình là sự hòa quyện, gắn kết giữa hình ảnh Tổ quốc và Lãnh tụ. Trong giây phút thiêng liêng, khi giai điệu bài hát “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng, tất cả mọi người trên Quảng trường Ba Đình đều nghiêm trang hướng về phía lá cờ Tổ quốc đang được kéo lên với tấm lòng thành kính, ngưỡng vọng và tin yêu. Đó cũng là hình ảnh ấn tượng sâu sắc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc đối với mỗi người dân Việt Nam khi được tham gia nghi lễ thiêng liêng này.
Để có được sự tin yêu, ngưỡng vọng và những tình cảm ấn tượng sâu sắc trong mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, 20 năm qua là cả một hành trình với những khó khăn, thử thách nhưng cũng hết sự tự hào, vinh quang đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.
Chúng tôi gặp đồng chí Đại tá Nguyễn Phúc Trị, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng, người được Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 giao trực tiếp xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ông cho biết: “Để có được Nghi lễ chào cờ hàng ngày trên Quảng trường Ba Đình như hôm nay, từ năm 1999, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu, tham khảo rất nhiều các nghi lễ, nghi thức của các quốc gia. Trên cơ sở Điều lệnh đội ngũ và nghi lễ của Quân đội ta, vận dụng vào thực tế địa hình trên Quảng trường Ba Đình, chúng tôi đã dần hình thành các khâu, các bước của nghi thức lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 9 năm 1999, sau khi báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình, Ban Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh đã chính thức giao nhiệm vụ cho Phòng Tham mưu nghiên cứu xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo Đoàn 275 trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Đội 1, Đội Tiêu binh danh dự luyện tập.
Phương án đầu tiên thực hiện Đội hình thực hiện nghi lễ gồm 37 đồng chí. Có 01 đồng chí làm Khối trưởng, 03 đồng chí Tổ Quốc kỳ, 03 đồng chí Tổ Quân kỳ và 30 chiến sỹ danh dự. Đúng 00h ngày 01/01/2000, Lễ Thượng cờ “Đón chào Thiên niên kỷ mới” được thực hiện trang trọng với sự tham gia của 2000 học sinh, sinh viên Thủ đô Hà Nội. Sau buổi thực hiện Lễ Thượng cờ “Đón chào thiên niên kỷ mới” thành công tốt đẹp, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức rút kinh nghiệm, và thấy rằng cần phải được nghiên cứu kỹ, cách thức thực hiện, tổ chức luyện tập thuần thục, để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư.
Sau khi nghiên cứu lựa chọn kỹ các phương án, căn cứ thực tế địa hình Quảng trường Ba Đình, truyền thống và văn hóa Việt Nam, trên cơ sở Điều lệnh đội ngũ và các nghi lễ của Quân đội, một nghi lễ mới, nghi lễ Chào cờ hàng ngày của Việt Nam trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành và dần hoàn thiện. Sau khi Ban Quản lý Lăng báo cáo, ngày 12/4/2001, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Công văn chỉ đạo số 5656/CV/VPTW; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 373/CP- VX ngày 07/5/2001 do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm ký, về việc tổ chức Lễ Chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, Lễ Chào cờ đầu tiên được tổ chức trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được truyền hình trực tiếp trên sóng của VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đúng 06 giờ 30 sáng ngày 19/5/2001, trên Quảng trường Ba Đình, đông đảo nhân dân, bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng và đoàn viên thanh niên Thủ đô Hà Nội đã có mặt đông đủ để dự lễ. Đội hình thực hiện nghi lễ là một phân đội, gồm 03 tiểu đội, vác súng trường CKC, lưỡi lê tuốt trần, đứng thành 03 hàng dọc, 01 Chỉ huy, Tổ Quốc kỳ có 03 đồng chí, 01 đồng chí bê khay đựng lá Quốc kỳ và 02 chiến sỹ bảo vệ, Tổ Quân kỳ 03 đồng chí, 01 đồng chí vác Quân kỳ và 02 chiến sỹ bảo vệ. Đội hình nghi lễ có tổng số 34 đồng chí tượng trưng cho 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sau tiếng nhạc lệnh, khẩu lệnh “Chào cờ…. chào” vang lên, lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên cùng với nhạc và lời bài Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi/chung lòng cứu quốc/…”.
Đã 20 năm trôi qua, hàng ngày đều đặn vào mỗi buổi sáng, đúng giờ quy định, Lễ chào cờ lại được tổ chức trang trọng trên Quảng trường Ba Đình. 20 năm ấy là cả một hành trình với những khó khăn, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ tiêu binh danh dự đã nỗ lực luyện tập, vượt qua những khó khăn, thử thách, tích cực rèn luyện để xứng đáng với niềm vinh dự, tự hào ấy. Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Dự Long, Đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này rất tự hào khi chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội Tiêu binh danh dự hôm nay luôn tâm niệm và tự hào vì được thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng. Chúng tôi nguyện kế tục, tiếp bước các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống vẻ vang, tích cực học tập, huấn luyện, rèn luyện để xứng đáng là người chiến sĩ tiêu binh danh dự, thực hiện trang trọng nhất các nghi thức, nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng của Người”.
Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử hôm nay, đó thật sự là dấu ấn sâu sắc, nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống để Tổ quốc có được nền tự độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đó cũng là một kỷ niệm sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ được vinh dự thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, là ngọn lửa hun đúc, là hành trang quý báu để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc trên mỗi bước đường của mình./.
Trần Duy Hưng