Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) rời đất nước ngày 05-6-1911 với khát vọng đi tìm con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc và đồng bào mình khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã từ khảo nghiệm lịch sử, nghiên cứu lý luận, nhất là khi đọc được tác phẩm của V.I.Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn. Tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp (12-1920) họp ở thành phố Tours (Tua), Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Người nêu rõ mục tiêu: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”1.
Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc với ý chí tự lực, tự cường quyết hy sinh vì nền độc lập. Trong những năm hoạt động ở Pháp từ 1917 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Pháp coi là nhân vật nguy hiểm cho nền cai trị của Pháp ở Việt Nam và cả Đông Dương. Bộ trưởng Bộ thuộc địa của Chính phủ Pháp Albert Sarraut (Anbe Xarô) đã 3 lần triệu tập Nguyễn Ái Quốc đến gặp nhằm mua chuộc và đe dọa. Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn và công khai đòi quyền độc lập cho dân tộc mình. “Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy là chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy"2 (tháng 2-1921). “Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” (tháng 6-1922).
Một số đồng chí ở Quốc tế Cộng sản cho rằng cách mạng giải phóng các thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở các nước tư bản (chính quốc); cách mạng vô sản ở các nước tư bản thắng lợi thì cách mạng thuộc địa mới thành công. Nguyễn Ái Quốc lại cho rằng, cách mạng giải phóng ở thuộc địa hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi và ủng hộ, giúp đỡ cách mạng ở chính quốc.
“Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”3.
Tư tưởng lớn của Nguyễn Ái Quốc là giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, xã hội và con người. Cả hai cuộc giải phóng vĩ đại đó chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề, chủ nghĩa cộng sản có thể thực hiện được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Người khẳng định hoàn toàn có thể được. “xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”4.
Thực trạng các giai cấp và đấu tranh giai cấp có những điểm khác biệt. “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”, “nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì cam chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”, “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”5.
Khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ mục tiêu làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Trước hết phải giành lấy độc lập. Muốn vậy phải dựa trên lực lượng căn bản và coi công nhân, nông dân là động lực chính, đồng thời đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng, mọi giai cấp như trí thức, tiểu tư sản, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam. Quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc đã không được Quốc tế Cộng sản và một số đồng chí đồng tình, thậm chí bị phê phán là chủ nghĩa dân tộc, quốc gia. Nguyễn Ái Quốc kiên trì giữ vững quan điểm đó. Phải đến sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935) khi có chủ trương các Đảng Cộng sản xây dựng Mặt trận Dân tộc chống nguy cơ phát xít, chiến tranh, Quốc tế Cộng sản mới chia sẻ với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Ngày 06-6-1938, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản nêu rõ “tình trạng không hoạt động của tôi”, “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”6.
Tư tưởng nêu cao mục tiêu đấu tranh dân tộc giành độc lập đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đông Dương chứng minh là đúng đắn. Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đặt khẩu hiệu độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết, xử lý đúng đắn quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, dấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp. “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Lợi ích dân tộc được thực hiện đã hàm chứa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Phải lấy lợi ích chung của quốc gia dân tộc làm điểm tương đồng. Tư tưởng đó, chủ trương đó của Hồ Chí Minh và của Đảng đã đoàn kết được toàn dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, với tinh thần và ý chí “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Trong Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ quyền con người nâng lên quyền của các dân tộc quyết định quyền sống của mình. Kết hợp quyền, lợi ích của dân tộc với quyền của nhân dân, con người trong tiêu ngôn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”7. Hồ Chí Minh luôn luôn thống nhất giữa lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, xã hội, con người, xử lý quan hệ đó và các hình thức đấu tranh phù hợp để không đối lập giai cấp với dân tộc và luôn xuất phát từ hoàn cảnh, đặc điểm của đất nước. Không giáo điều “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”8.
Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo các cuộc kháng chiến lâu dài, oanh liệt để giải phóng dân tộc hoàn toàn và thống nhất đất nước, đồng thời lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là bước phát triển rất cao của sự nghiệp giải phóng xã hội và hạnh phúc của nhân dân và con người và cũng là điều kiện căn bản để bảo đảm độc lập dân tộc vững chắc. Năm 1956, Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời thời lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII của Đảng (25/01/2021-01/2/2021) đề ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam “Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; đến năm 2030 “Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045 “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”9. Phấn đấu để Việt Nam là nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
1. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1993, tập 1, trang 94.
2. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1993, tập 1, trang 96.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, trang 48.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, trang 47.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, trang 508, 509, 511.
6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 3, trang 117.
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 64.
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 312.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập I, trang 112.