Vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, thủ trưởng cơ quan phòng Tham mưu, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật, khối các Ban trực thuộc, Đoàn cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Liên Cơ quan Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dâng hương, báo công tại Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Quê hương của Bác

Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn cán bộ chúng tôi là Khu Di tích Kim Liên - cái nôi nuôi dưỡng người anh hùng vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, hiện nay, Khu Di tích Kim Liên đã dần trở thành điểm đến quen thuộc, gần gũi đối với mỗi thế hệ người Việt Nam khi nhớ về Bác.

Khác với các di tích khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, các di tích ở Kim Liên có kết cấu dân dã, chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá, gỗ... hầu hết di tích ở ngoài trời, các hiện vật đơn sơ. Được thành lập từ năm 1956, hiện nay, Khu Di tích đang lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê. Có một điểm đặc biệt: đây là di tích lưu niệm đầu tiên trong cả nước được khôi phục và vinh dự đón Bác Hồ về thăm ngay trong những ngày đầu thành lập, được nghe những câu chuyện cảm động do chính Bác Hồ kể về những năm tháng tuổi thơ và thời niên thiếu mà Người từng gắn bó với di tích đặc biệt này. Trải qua 65 năm, Khu Di tích đã thực sự trở thành nơi hội tụ trái tim và tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Qua lời thuyết minh truyền cảm của các nhân viên Khu Di tích, các thành viên trong Đoàn như được thấy lại cuộc sống của chàng trai Nguyễn Sinh Cung thủa bé thơ trong căn nhà đơn sơ này.

Có những hội viên trong Đoàn là lần đầu tiên được về với quê hương của Bác. Nhưng dù là lần đầu tiên hay đã nhiều lần đến với Kim Liên, nhìn những tài liệu, hiện vật nơi đây, mỗi người lại trào dâng lên những xúc cảm đặc biệt. Ai nấy đều hiểu hơn một phần nào đó về cuộc sống thời niên thiếu của Bác kính yêu và thêm tự hào về một người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam - chị Lan Anh, Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên Cơ quan khẳng định.

phu nu lien co quan 1
Đoàn công tác dâng hương, chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Kim Liên.

Chia sẻ cảm nhận khi đến với Khu Di tích, chị Kim Thoa nói: Khung cảnh quê Bác cũng giống như nhiều làng quê khác, rất đơn sơ, mộc mạc. Mỗi hiện vật được trưng bày đều mang những câu chuyện ấm áp. Nhìn từng đồ vật, nghe lời thuyết minh đầy cảm xúc của các hướng dẫn viên ở đây, chúng tôi mới thấy và hiểu hơn về làng quê bình dị với biết bao câu chuyện đầy xúc động về gia đình của Bác, về tuổi thơ của Bác kính yêu. Chắc chắn không chỉ riêng tôi hay các chị em trong Hội Phụ nữ Liên Cơ quan, mà rất nhiều, rất nhiều người dân Việt Nam và cả những du khách nước ngoài khi có cơ hội đến đây, ai nấy đều thấy hình ảnh gần gũi của Bác cũng như càng thêm tôn kính Người.

… Những nữ thanh niên xung phong dũng cảm nơi Ngã ba Đồng Lộc

Chia tay quê Bác, xuôi 50 km trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến lửa Trường Sơn năm xưa, Đoàn chúng tôi tới dâng hương và báo công tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Trong “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã viết:

“Đường Đồng Lộc đường Khe Giao
Rồi đường Hồng Lam đèo ngang Linh Cảm
Cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận

Thêm bao nhiêu con đường lứa tuổi hai mươi”.

Với tính chất độc đạo, duy nhất, mạch máu giao thông quan trọng của mọi tuyến đường ra Bắc vào Nam, Ngã ba Đồng Lộc bị địch đánh phá ác liệt. Nơi đây được ví như 1 cối xay bom, 1 tọa độ chết. Không một bóng cây ngọn cỏ có thể sống được nhưng chiến trường Ngã ba Đồng Lộc có rất nhiều những chiến công lịch sử, những anh hùng bất tử đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ. Trong đó, hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội 4 đại đội 552 đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến đã khắc ghi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Cuộc đời và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Đồng Lộc đã dựng lên một kì đài biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam, của Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Đến nay, Khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang nằm cách tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc gần 200m. Tượng đài người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong.

Dưới chân tượng đài 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Liên cơ quan kính cẩn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm những người con gái đã hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong cùng các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến... ở Ngã ba Đồng Lộc còn mãi trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam các thế hệ.

phu nu lien co quan 2
Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Chị Hoàng Anh chia sẻ: Đứng trước tượng đài, tôi và các chị em đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, niềm tự hào khi được tiếp bước các chị khoác trên mình bộ quân phục Quân đội nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó. Chúng tôi nguyện hứa sẽ phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, của những người phụ nữ Việt Nam để xứng đáng với sự hy sinh của các chị, với các thế hệ thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, quyết giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương, mất mát đã ở lại sau lưng nhưng hình ảnh của các chị, những câu chuyện về tinh thần chiến đấu, sự quyết tâm, anh dũng của các chị sẽ mãi đọng lại trong trái tim của mỗi người phụ nữ khi đến đây… cũng như trong trái tim của mỗi hội viên Hội Phụ nữ Liên Cơ quan.

Những điều đọng lại

Hội viên Phạm Hoàng Vân, Trưởng ban Kiến trúc Công trình, Phòng Kỹ thuật chia sẻ: Tháng 11 năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tặng Khu Di tích Kim Liên, Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc máy sát khuẩn tay tự động. Món quà tuy không có giá trị lớn nhưng là sản phẩm của tập thể cán bộ, nhân viên Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trực tiếp nghiên cứu, gia công, chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng đạt hiệu quả tốt tại đơn vị. Mong rằng những chiếc máy này sẽ góp phần hỗ trợ tốt nhất cho hai Khu Di tích trong việc phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời tăng cường, thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai đơn vị.

phu nu lien co quan 3
Đoàn nhận được sự đón tiếp tận tình, chu đáo của Lãnh đạo Khu Di tích Kim Liên.

Là Chi hội phụ nữ tiêu biểu của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Chi hội phụ nữ Liên Cơ quan đã được Tổng cục Chính trị tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ Quân đội năm 2020”. Sau chuyến đi, mỗi hội viên lại càng thêm quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao để tập thể Hội Phụ nữ Liên Cơ quan ngày càng vững mạnh, mỗi hội viên thực sự trở thành những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà - chị Lan Anh, Hội trưởng khẳng định.

Kết thúc hành trình, các cán bộ, hội viên trở lại với công việc chuyên môn thường ngày. Với mỗi người đây là một chuyến đi mang đến nhiều ý nghĩa bởi những mảnh đất lịch sử đã làm sống dậy những trang sử hào hùng, thắp lên ngọn lửa tự hào và cống hiến trong mỗi cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ. Hơn hết, mỗi hội viên thêm tự hào về công việc đang đảm nhiệm, nguyện hứa sẽ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới, thực sự xứng đáng là người phụ nữ Quân đội bên Lăng Bác Hồ./.

Vũ Thị Quỳnh Liên

Hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Liên Cơ quan

Bài viết khác: