Cách đây hơn 60 năm, ngày 28/11/1959, để thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1960), 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1960) và chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng “Tết trồng cây”. Quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Bác đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:

Mùa Xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

Trong bài báo với tiêu đề “Tết trồng cây”, Bác viết: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt là thế này: Để kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc, mỗi người phụ trách trồng một vài ba cây và chăm sóc tốt”...

Bác phân tích: “Mỗi Tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong 10 năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Và để mọi người bắt tay vào công việc trồng cây trong khoảng thời gian không xa nữa thì: “Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, thí dụ Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ cây. Ủy ban Hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu...”. Những gợi ý, hướng dẫn của Bác cho một cái Tết trồng cây thật cụ thể và thiết thực.

Trước đó, trong bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà” đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 30/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

Muốn làm nhà cửa tốt

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà còn bằng những hành động, việc làm cụ thể của Người. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Người lại tham gia trồng cây. Mùa Xuân năm 1960, Bác đã tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ngày 03/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong hội Tết trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1969, sáng mồng Một Tết, tuy lúc đó sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn lên chúc tết đồng bào Sơn Tây và tham gia trồng cây lưu niệm ở đồi Vật Lại, Ba Vì và căn dặn bà con: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi...”. Đến mùa Thu năm ấy, Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác lại một lần nữa nhắc tới trồng cây bên nhà tưởng niệm Người vì môi trường tốt đẹp hữu ích: "… Ai đến thăm thì trồng một cây lưu niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp".

Hưởng ứng lời kêu gọi và noi theo tấm gương của Người, phong trào Tết trồng cây đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại, ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển. Đã xuất hiện nhiều điển hình gương mẫu như: Các hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang...; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... phong trào dần dần lan tỏa rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in dấu khắp năm châu bốn biển, ở đâu Người cũng thể hiện lối sống hòa đồng với thiên nhiên. Bác ở Khu căn cứ K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) cũng vậy, ngay khi xây dựng ngôi nhà, làm đường sá, Người đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng đất trống không có cây trồng. Bác còn tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, trồng rau xanh và trồng hoa. Hai loại cây được trồng ở những nơi thường xuyên Người có thể nhìn thấy được đó là cây vú sữa của miền Nam thân yêu và cây hoa râm bụt của quê hương. Cây vú sữa được trồng ngay trước cửa sổ bàn làm việc; cây hoa râm bụt trồng ở con đường bậc thang ngày ngày Bác vẫn đi dạo rèn luyện sức khỏe. Có thể nói, với tư cách là chủ thể, Bác đã không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ mà còn cải tạo, điểm tô cho thiên nhiên trở lại phục vụ con người, biến thiên nhiên trở thành đối tượng của cái đẹp dành cho con người thưởng thức, hưởng thụ.

Thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Bác, cứ mỗi độ Xuân về, lời phát động “Tết trồng cây” của Người đã trở thành một phong trào, một nét đẹp truyền thống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, đơn vị đã tổ chức trồng hàng chục nghìn cây các loại; đầu tư hàng nghìn ngày công để chăm sóc, tu bổ rừng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu K9. Bởi thế, cho đến hôm nay, bao trùm Khu K9 là một không gian xanh của những tán rừng nguyên sinh. Tất cả những gì của thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn. Bởi lẽ, bảo tồn nguyên vẹn Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 chính là bảo tồn một không gian thiêng liêng, một không gian thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách sống giản dị, hiện thân của nhà văn hóa Hồ Chí Minh với tư tưởng “con người sống hòa hợp với thiên nhiên”. Hơn 60 năm qua, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng tất cả cảnh quan, kiến trúc, các di vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, cùng một cảnh quan thiên nhiên đã được Người chăm sóc, giữ gìn.

trong cay2
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phối hợp với Viện Môi trường và năng lượng tái tạo phát động trồng đồi cây “Dâng Bác - Ơn Thầy” kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” và 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam tại Khu K9


 trong cay 1
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hưởng ứng Tết trồng cây
 “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Quan điểm trồng cây, sống hòa hợp, cải tạo thiên nhiên để phục vụ lợi ích con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường sống đang bị đe dọa, hủy hoại nghiêm trọng. Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc.

Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về xây dựng và bảo vệ môi trường. Cả một đời vì nước, vì dân, đến lúc đi xa, chúng ta vẫn thấy trong tư tưởng của Người một tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân, một lãnh tụ thiên tài, một danh nhân văn hóa kiệt xuất trong việc làm cho môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn.

Học tập tư tưởng và tấm gương của Bác Hồ về bảo vệ môi trường, mỗi chúng ta cần phải thấm nhuần tư tưởng của Bác, biết quý trọng và bảo vệ thiên nhiên, phải có trách nhiệm xây dựng môi trường sống thật trong sạch, lành mạnh, biết chung tay bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta cho hôm nay và mãi mãi muôn đời sau./.

Nguyễn Thanh Huống

Bài viết khác: