45 năm đã trôi qua, mỗi lần đến thăm Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, chúng ta lại bồi hồi trước anh linh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Lăng Bác - ngôi nhà vĩnh hằng của Người đã là nơi hội tụ của hàng chục triệu trái tim người Việt, càng in sâu trong tâm khảm mỗi người, qua sự trang nghiêm, dân tộc, cảnh quan sinh thái thanh bình, môi trường trong lành ở khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình.
Sau khi Bác qua đời, ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Công trình Lăng của Người”. Thực hiện Quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 02 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trang trọng ký Quyết định chính thức khởi công xây dựng Lăng Bác và cải tạo toàn bộ Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong đó, vườn hoa, cây cảnh, cây xanh là một bộ phận không thể thiếu trong quần thể kiến trúc Lăng, góp phần quan trọng tạo nên sự trang nghiêm, dân tộc, cảnh quan sinh thái thanh bình, môi trường trong lành cho khu vực Lăng.
Ngày 02 tháng 9 năm 1973, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình - nơi Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngay từ khi khởi công xây dựng Lăng Bác và cải tạo toàn bộ Quảng trường Ba Đình đã có hàng trăm loài cây và hoa được trồng và sắp đặt ở các khu vực quanh Lăng Bác theo đúng thiết kế, với phương châm “Dân tộc - Khoa học - Hiện đại” mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Cây và hoa của non sông gấm vóc về đây hội tụ, đâm chồi khoe sắc thay lòng người dâng niềm tôn kính thiêng liêng dành cho Bác, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Mỗi loài cây và hoa đều có ý nghĩa và nét đặc trưng riêng, có dáng thế đẹp, có hương sắc gần gũi thân quen với quê hương, đất nước.
Ngày 29 tháng 8 năm 1975, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm vui thống nhất non sông. Để duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân, khách quốc tế về Lăng viếng Bác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg ngày 15 tháng 10 năm 1975 về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình; Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC ngày 16 tháng 12 năm 1975 về việc thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Đồng thời, Thành ủy và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1698/QĐ-TC ngày 05/5/1978 về tổ chức và biên chế, đồng thời xác định Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình là một đơn vị sự nghiệp phục vụ lợi ích công cộng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
* Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985
Ngày đầu mới được thành lập, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Ban được tuyển chọn ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp thuộc thành phố Hà Nội, trong bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và cả nguồn nhân lực phân tán, nhiệm vụ đa dạng, yêu cầu cao nhưng tất cả cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đều có chung niềm vinh dự tự hào được làm việc bên Lăng Bác Hồ kính yêu, trực tiếp tô điểm thêm màu sắc, góp phần giữ gìn, nâng cao giá trị văn hóa, chính trị của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình. Nhiệm vụ đặt ra đối với Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình là: “Chăm sóc cây, cỏ, vườn hoa và trồng cây trong Quảng trường theo thiết kế”. Mọi công việc giữ gìn, tôn tạo, bố trí hàng ngàn cây cảnh, cây thế, cây hoa ở nơi Bác Hồ yên nghỉ phải đảm bảo tính khoa học với những yêu cầu nghiêm ngặt, công phu và tỉ mỉ nhằm làm nổi bật nội dung tư tưởng của kiến trúc Lăng Bác, thể hiện tính dân tộc, hiện đại, giản dị và trang nghiêm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã chủ động tổ chức hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, ngành… tìm ra biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp đối với từng loại cây trồng. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cây theo thiết kế ban đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban đã không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tìm tòi, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây hoa, cây cảnh, cây xanh ở khu vực Lăng; tiến hành cải tạo nâng cấp các vườn hoa, cây cảnh; thay thế các loại cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực Lăng, như: thay thế cây Chò nâu bằng cây Dầu nước; chặt hạ một số cây xanh (xà cừ, chẹo, phượng vĩ, long não, muỗm, si) là những cây không có trong quy hoạch; đồng thời, tiếp nhận chăm sóc duy trì tốt các loại cây thế, cây cảnh quý do các tập thể và cá nhân trong cả nước gửi tặng để tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng. Xung quanh Lăng là hệ thống vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ bốn mùa xanh tươi.
Mặt khác, từng bước kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ chính trị, ngày 18 tháng 02 năm 1983, Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình có Quyết định số 54/QN-QUBĐ chuẩn y kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Đồng thời, có Quyết nghị số 34/QN-QUBĐ chuyển chi bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình thành Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực thuộc Đảng bộ Quận.
* Giai đoạn năm 1985 đến năm 1996
Nhằm từng bước xây dựng khu vực Quảng trường thành một trung tâm văn hóa của Thủ đô và của cả nước, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình được Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ: “Chăm sóc và tiếp tục hoàn chỉnh việc trồng cỏ, cây xanh, bảo đảm công tác vệ sinh trong khu vực Quảng trường; Quản lý, vận hành trạm xử lý và cung cấp nước chuyên dùng cho Lăng và Quảng trường đủ, đúng tiêu chuẩn chất lượng”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã có những chủ trương và biện pháp phù hợp, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đã từng bước trưởng thành vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị được giao. Trong thời gian này, các địa phương và nhân dân trao tặng cây cảnh, cây thế để tôn tạo Lăng Bác ngày càng nhiều hơn nên công tác duy trì, chăm sóc cây trồng được trao tặng ở các vùng miền khác nhau đã nảy sinh những khó khăn phức tạp mới, khả năng thích nghi của các cây từ miền Nam ra, từ vùng núi xuống cũng bộc lộ rõ dần; một số loại sinh trưởng chậm hoặc ra hoa kết trái không bình thường... Vì vậy, Ban đã tham mưu, đề xuất phương án thay thế, bổ sung các chậu hoa, cây cảnh trang trí trong khu vực; cải tạo, nâng cấp các vườn khu vực Lăng. Hàng năm, Ban đã tập trung trang trí hàng trăm chậu cây hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng (3/2), Ngày sinh của Bác (19/5), ngày lễ Quốc khánh (2/9), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII,VIII và các kỳ họp Quốc hội diễn ra trong khu vực. Qua các lần cải tạo lớn và nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, vườn Lăng ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Vì vậy, chất lượng vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình cũng từng bước được nâng lên, là điểm sáng của Thủ đô Hà Nội, tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách quốc tế đến thăm viếng.
Ngày 12 tháng 02 năm 1996, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 634/QĐ-UB giao cho Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình quản lý khu vực Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Ngày 14 tháng 12 năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 930/TTg về việc giao Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 1260/QĐ-UB về việc chuyển giao Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình sang Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Giai đoạn từ năm 1997 đến nay
Ngày 28 tháng 3 năm 1997, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TC ngày 08 tháng 4 năm 1997 về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực thuộc Quận uỷ Ba Đình về sinh hoạt với Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng bộ Quân đội. Ngày 02 tháng 5 năm 1997, Thành ủy Hà Nội đã chính thức bàn giao Đảng bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về Đảng bộ Đoàn 969. Theo đó, đánh dấu bước ngoặt mới về vị trí pháp lý đến cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và mô hình quản lý đối với đơn vị (từ đơn vị sự nghiệp phục vụ lợi ích công cộng trực thuộc Thành phố Hà Nội chuyển sang đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Lăng - cơ quan thuộc Chính phủ).
Từ những năm 1997 trở lại đây, công tác duy trì chăm sóc vườn hoa cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới. Các loại phân bón cao cấp, thuốc trừ sâu sinh học được đưa vào trong quy trình chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đã góp phần nâng cao chất lượng cây trồng. Ban luôn chú trọng đổi mới hình thức trang trí cây hoa, cây cảnh, tổ chức xén tỉa tạo dáng, tạo thế các loại cây hoa, cây cảnh, hàng rào cảnh đạt tính thẩm mỹ cao, góp phần tôn tạo khu vực Lăng Bác và Quảng trường ngày càng đẹp hơn so với trước. Đã có bổ sung các bộ cây, chậu trang trí (bộ sứ, bộ cau) phục vụ các ngày lễ, Tết, các kỳ họp Quốc hội và các buổi lễ viếng của các đoàn nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, đã tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng đưa vào sử dụng như: Máy cắt cỏ, máy phun sâu, hệ thống tưới tự động, xe ô tô tải cẩu,… đã góp phần giảm thiểu sức lao động thủ công, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng lao động. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được kiện toàn và ngày càng trưởng thành, cùng với sự tận tâm, tận tụy đã dần làm chủ trong trong các quy trình kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa vườn hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đến việc gieo trồng nhân giống các loại hoa thời vụ, cây hoa, cây cảnh và đã cơ bản tự túc được các loại cây hoa, cây cảnh trang trí khu vực Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, hàng năm tiết kiệm được một phần lớn ngân sách. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đơn vị đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất. Tổ chức tiếp nhận an toàn các đôn chậu và chăm sóc tốt nhiều cây hoa, cây cảnh quý hiếm của các địa phương tổ chức và cá nhân trao tặng để phục vụ tôn tạo, trang trí khu vực Lăng.
Mỗi năm nhiệm vụ chính trị của Ban đặt ra yêu cầu ngày càng cao, khối lượng công việc nhiều hơn, trình độ thưởng thức và việc bài trí hoa, cây cảnh trong khu vực Lăng Bác đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi công tác tôn tạo cảnh quan môi trường càng phải đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ, mỹ thuật, cũng chính vì thế nỗi vất vả của cán bộ, viên chức và người lao động ở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình càng tăng thêm. Vì vậy, Ban luôn chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để giải quyết những yêu cầu thực tế đặt ra đạt hiệu quả cao; phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và máy móc thiết bị được đầu tư, kết hợp mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác với học viện, nhà trường triển khai các đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình duy trì chăm sóc cây trồng tại khu vực Lăng. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của các nghệ nhân lâu năm để thực hiện quy trình, phương pháp chăm sóc cho từng loại cây, hoa nhất là các loại cây hoa quý hiếm. Chủ động nghiên cứu sắp đặt, bài trí đôn chậu cảnh, cắt tỉa tạo dáng, tạo hình cây cảnh cây thế...tôn tạo cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Điều đặc biệt là những điểm mới trong trang trí ở khu vực Lăng thời gian vừa qua đã đảm bảo được sự hài hòa của vườn hoa, cây cảnh với công trình kiến trúc tuân thủ đúng tư tưởng chung được chỉ đạo từ khi xây dựng Công trình Lăng là đảm bảo tính “hiện đại, dân tộc, trang nghiêm và giản dị”.
Đặc biệt, từ năm 2013, triển khai thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ về “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Ban đã thực hiện việc cải tạo, trồng mới 02 vườn tre bên Lăng Bác bảo đảm sinh trưởng phát triển tốt, duy trì vẻ đẹp vốn có của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình; thay thế trồng mới một số cây bóng mát tại Lăng, Quảng trường Ba Đình và tuyến phố đi bộ; đưa các bồn hoa, chậu hoa vào trang trí, cải tạo thay thế một số ô cỏ Quảng trường Ba Đình, thay thế các bồn hồng vườn Lăng... Đến nay, Lăng Bác có cảnh quang sạch đẹp, đang thu hút nhiều du khách tìm đến, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình vẫn giữ được không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.
Suốt 45 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu, đồng thời là động lực để Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
45 năm là một chặng đường hình thành và phát triển của đơn vị. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, viên chức, người lao động luôn nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, đều có chung niềm vinh dự, tự hào giữ gìn và tô điểm hương sắc bên Lăng Bác Hồ kính yêu. Niềm vinh dự, tự hào đó trở thành động lực, niềm vui mỗi khi thấy sắc vàng tươi của hoa mai, sắc hồng thắm của hoa đào, màu vàng bất tận của hoa cúc, màu đỏ của niềm tin và hy vọng từ những đóa senconha lộng lẫy, những rung động khi lộc non hé nụ, tạo nên môi trường sinh thái trong lành, tươi mát, bốn mùa hương sắc, góp phần giữ gìn, nâng cao giá trị chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.
Ngày 16 tháng 12 hàng năm là Ngày truyền thống của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Nhìn lại những thành tích kết quả đã đạt được, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn trân trọng, tự hào và tự hứa rằng sẽ tiếp tục nỗ lực ra sức phấn đấu, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho./.
Nguyễn Minh Đức
Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình
Với những thành tích trong những năm qua, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba); Huân chương Độc lập hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Chính phủ. |