Nhấn mạnh vai trò của Phòng truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi được tu sửa với nhiều dấu ấn mới, đột phá trong trưng bày, đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho rằng Phòng truyền thống không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về quá trình xây dựng và phát triển của Bộ Tư lệnh suốt 45 năm qua mà rộng hơn, sâu xa hơn chính là địa chỉ văn hóa để giáo dục, học tập, nuôi dưỡng truyền thống lịch sử cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh.
Để hiểu hơn về quá trình tu sửa, chỉnh trang Phòng truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian qua cũng như hiểu được giá trị, ý nghĩa sau tu sửa của Phòng truyền thống, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Thành viên Tổ cải tạo và nâng cấp Phòng truyền thống.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
- Thưa đồng chí, xuất phát từ đâu mà Bộ Tư lệnh có quyết định thực hiện việc cải tạo, nâng cấp Phòng truyền thống?
Đại tá Nguyễn Thanh Huống: Bất cứ một đơn vị có bề dày thời gian xây dựng và phát triển nào cũng đều cần có một không gian để bảo lưu, gìn giữ những giá trị hoạt động của mình trong quá khứ từ đó tạo động lực cho sự phát triển ở thì tương lai. Đặc biệt, đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc có một không gian Phòng truyền thống để lưu giữ tiến trình hoạt động của Bộ Tư lệnh là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Thêm vào đó, năm 2020 là năm quan trọng diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Đoàn 969 lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nên việc tiến hành tu sửa và nâng cấp Phòng truyền thống có ý nghĩa khẳng định những giá trị tiêu biểu trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của đơn vị và tiến tới thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó trong bối cảnh mới.
- Sau nâng cấp, tu sửa những điểm mới trong trưng bày có quá nhiều khác biệt hay không so với Phòng truyền thống cũ trước đây?
Đại tá Nguyễn Thanh Huống: Phải khẳng định một điều rằng, Phòng truyền thống sau tu sửa, chỉnh trang có nhiều điểm mới đột phá hơn trong trưng bày so với Phòng truyền thống cũ. Sau khoảng thời gian hơn 8 tháng tu sửa, Phòng truyền thống đã trở nên trang nghiêm, đẹp mắt hơn với nhiều điểm nhấn chứa đựng ý nghĩa to lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động của Bộ Tư lệnh trong suốt 45 năm qua.
Về tiêu chí trưng bày bao gồm 4 nội dung được bố cục xuyên suốt toàn bộ không gian Phòng truyền thống. Phần trưng bày thứ nhất với chủ đề “Bác về với cõi vĩnh hằng - Tổ Y tế đặc biệt những ngày đầu được thành lập”; phần trưng bày thứ hai với chủ đề “Quá trình xây dựng Lăng vượt qua bao khó khăn, thử thách nhưng chúng ta vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”; phần nội dung trưng bày thứ ba với chủ đề “Những hình ảnh công tác y tế, kỹ thuật, an ninh nghi lễ, đón tiếp, tuyên truyền và công tác xây dựng Đảng bộ đơn vị” nội dung trưng bày thứ tư là “Những phần thưởng cao quý mà Đảng - Nhà nước trao tặng cho đơn vị trong 45 năm qua”.
Tất cả những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày theo nhóm nội dung được làm mới hoàn toàn, sắp xếp theo mô tuýp liên kết xâu chuỗi nhằm tạo ra hiệu quả cảm nhận cho người xem một cách logic, khoa học hơn so với kiểu trưng bày của phòng truyền thống cũ.
Đáng chú ý, trong không gian Phòng truyền thống được cải tạo rộng hơn có nhiều hạng mục tạo điểm nhấn nổi bật trong toàn bộ không gian trưng bày chung có thể kể đến như: Bức phù điêu đã khắc tạc một cách rõ nét nhất về quá trình xây dựng và hoạt động của Bộ Tư lệnh; 9 chữ vàng chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được thể hiện, bố trí nổi bật, ấn tượng hơn; hay nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật chiếu sáng hiện đại tạo ra hiệu ứng một màu trời xanh đầy hi vọng, bầu trời xanh như khát vọng hòa bình là lý tưởng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ bức phù điêu cho đến những chi tiết trang trí mới tại Phòng truyền thống tất cả đã tạo nên một không gian phòng truyền thống giản dị, gần gũi, ấm cúng mà xúc động, gợi nhắc cho chúng ta bao cảm xúc về Người, về công trình của lòng dân, ý Đảng.
- Rõ ràng để tạo ra được những điểm mới đột phá trong không gian trưng bày Phòng truyền thống thì quá trình tu sửa, chỉnh trang đã có những thuận lợi nhất định và chắc hẳn sẽ gặp phải không ít những khó khăn, đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?
Đại tá Nguyễn Thanh Huống: Trong quá trình thực hiện các công việc thi công tu sửa, tiến hành chỉnh trang trên nền của Phòng truyền thống cũ, Tổ cải tạo và nâng cấp Phòng truyền thống cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có những thuận lợi nhất định để giúp kế hoạch tu sửa, nâng cấp đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Việc tiến hành tu sửa Phòng truyền thống rơi vào giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ nên mọi công việc tu sửa gặp nhiều trở ngại, thời gian tiến hành cũng gấp rút với nhiều hạng mục trưng bày phải làm mới, chỉnh trang lại để đảm bảo theo đúng những kế hoạch đã được đề ra trước đó.
Đặc biệt với công việc sưu tầm hình ảnh tư liệu cũng đặt ra nhiều thách thức khi phải dành nhiều thời gian để chọn lọc, tìm kiếm những tư liệu phù hợp từ Thông tấn xã Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh với khối tư liệu đa dạng…
Thế nhưng bằng sự quyết tâm của toàn bộ các đồng chí được giao làm nhiệm vụ đã thực hiện tốt mọi công việc. Đồng thời nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh mà những khó khăn được gác qua một bên giúp những người tham gia cải tạo, nâng cấp có động lực để ngày ngày cống hiến tinh thần, sức lực, sự chung lòng để tiến hành nhanh chóng, hiệu quả mọi công việc cần làm để làm mới không gian trưng bày phòng truyền thống trở nên tốt hơn, đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Đó là thuận lợi đáng kể trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ lần này.
Không gian trưng bày tại Phòng truyền thống
- Không gian trưng bày tại Phòng truyền thống với nhiều điểm mới hơn hẳn so với trước đây, vậy theo đồng chí giá trị của những giải pháp trưng bày mới này là gì?
Đại tá Nguyễn Thanh Huống: Ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện kế hoạch tu sửa và nâng cấp Phòng truyền thống cũng như trong quá trình trực tiếp tiến hành những ý tưởng mới trong trưng bày, đơn vị đã xác định rõ việc làm mới lần này không chỉ tạo ra hiệu quả trưng bày tốt hơn cho Phòng truyền thống mà còn giúp Phòng truyền thống trở thành địa chỉ văn hóa về giáo dục, học tập, nuôi dưỡng truyền thống lịch sử của đơn vị cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Ý nghĩa và mục đích cao cả hơn còn là nơi lưu giữ những hình ảnh chân quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, nối dài tình yêu bất tận về Người trong mỗi cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh. Từ đó biến thành động lực để tiếp tục quyết tâm, cống hiến hết mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
- Để phát triển hoạt động của Phòng truyền thống trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh đã có những kế hoạch cụ thể nào?
Đại tá Nguyễn Thanh Huống: Để nâng cao giá trị trưng bày trong Phòng truyền thống, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm thêm những hiện vật, tư liệu quý giá khác về hoạt động xây dựng và phát triển của Bộ Tư lệnh với mục đích bổ sung thêm vào khối tư liệu độc đáo riêng có của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chính từ đó giúp cho công việc trưng bày được đầy đủ và ý nghĩa hơn trong tương lai.
Thêm vào đó, mặc dù đã được chỉnh trang, nâng cấp song Phòng truyền thống có diện tích tương đối nhỏ hẹp, khó có thể trưng bày được hết mọi hiện vật, tư liệu về quá trình hoạt động của đơn vị. Vì vậy, trong tương lai đòi hỏi phải có hướng nghiên cứu, bố trí, thể hiện trưng bày được hết những tư liệu hiện có một cách tiêu biểu nhất nhằm mục đích để Phòng truyền thống trở thành nơi lưu giữ, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của đơn vị.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phương Ngân, Ngọc Hà