Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa lịch sử dân tộc đi tới con đường độc lập - con đường tự do. Mùa thu năm ấy, cuộc lên đường của những người trong độ tuổi 20...
Phút “giao thừa” độc lập
Trong cuốn Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám - Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, Nhà xuất bản Lao Động - 1999, ông Nguyễn Khang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận khởi nghĩa Hà Nội, viết: “Phong trào cứu quốc những ngày Tháng Tám đã lên cao tới mức không thể tưởng tượng được và người Hà Nội ai cũng xem mình là Việt Minh. Các hoạt động gần như công khai.
Lúc này Trung ương đang mở Đại hội Quốc dân ở Tân Trào nên nếu có chỉ thị thì cũng phải đợi một thời gian nữa mới tới. Nhưng thời cơ đã tới và không đợi chúng ta. Hơn nữa Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã là cẩm nang mở cho Hà Nội hành động. Đúng ngày 15 tháng 8, Xứ ủy mở cuộc họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông (lúc này phần lớn lãnh đạo Xứ ủy đã đi họp ở Tân Trào). Cuộc họp nhận định tình hình và kết luận đây là thời cơ có một không hai để khởi nghĩa cướp chính quyền.
Xứ ủy quyết định: Thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội để chỉ đạo công việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội. Lúc này quân Nhật ở Hà Nội khoảng hơn 1 vạn. Lực lượng của ta chỉ có ba Chi đội Tự vệ hơn 700 người, vũ khí thô sơ và mới qua vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tuy nhiên phong trào quần chúng, các tổ chức Việt Minh đoàn thể thì rất mạnh và đã tập dượt qua nhiều lần...”.
Ngày 17/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân hòng “sơn phết” lại chính quyền bù nhìn. Chúng ta đã lường trước và âm thầm tổ chức lực lượng nòng cốt cướp diễn đàn mít tinh này và biến thành ngày hội của quần chúng với cờ đỏ sao vàng. Tại đây đội danh dự đưa ra sáng kiến biến mít tinh thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh.
Thế là theo hướng dẫn của các Đội tự vệ, quần chúng xếp thành hàng ngũ đi từ Nhà hát lớn qua phố Tràng Tiền, rẽ sang Đinh Tiên Hoàng với những tiếng hô vang dậy “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo Chính phủ bù nhìn!”. Đi đến đâu bà con tham gia đến đó. Ngay cả lính Bảo an của Chính phủ bù nhìn cũng ôm súng nhập vào Đoàn biểu tình. Trước không khí đó, cuộc họp “Hội đồng tư vấn Bắc kỳ” của Chính phủ Trần Trọng Kim đang tổ chức ở nhà Khai Trí - Tiến Đức tan tác như ong vỡ tổ.
Đoàn biểu tình chia thành nhiều mũi đi vào khắp các phố lớn, đến tận 9-10g đêm mới giải tán. Cuộc tuần hành này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8. Nó bộc lộ và khẳng định sức mạnh vũ bão của quần chúng cách mạng. Ngay đêm đó Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp khẩn cấp và kết luận: Thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi!
Ông Trần Quang Huy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội, nói về kế hoạch khởi nghĩa như sau: “Chúng tôi huy động hàng chục vạn quần chúng có lực lượng vũ trang làm xung kích, tiến hành mít tinh ở Quảng trường Nhà hát lớn, sau đó tuần hành thị uy xông lên chiếm những cơ quan trọng yếu là Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại bảo an binh, Ty Liêm phóng, Sở Cảnh sát Hàng Trống, kho bạc và bưu điện. Đối với Nhật, ta không đánh chiếm những nơi chúng đóng quân nhưng đề phòng trường hợp chúng gây hấn, ta cướp vũ khí, vừa đánh vừa rút ra ngoại thành chiến tranh du kích đợi quân giải phóng về”.
Ông Trần Quang Huy nhớ lại: Ngày 18 tháng 8, không khí khởi nghĩa rạo rực và bùng phát ở khắp các vùng ngoại thành, tại các nhà máy công xưởng. Nhiều chủ cai, thầy ký còn phối hợp với ta tiếp quản cho nhanh. Anh em công nhân rầm rộ giương cờ đỏ sao vàng chạy qua mũi quân Nhật, bọn chúng cũng chỉ biết thúc thủ đứng nhìn.
Còn ông Thái Mỹ (Tổ trưởng một Tổ Việt Minh tiền cách mạng), nay đã 81 tuổi nhưng ông chẳng thể nào quên cái đêm hôm ấy: “Đêm giao thừa của kỷ nguyên độc lập hình như cả Hà Nội không ngủ. Những tiếng nói cười, tiếng máy khâu may cờ xè xè hối hả khắp nơi, tiếng thử súng, tiếng mài gươm suốt đêm. Chúng tôi có cảm giác như cả Hà Nội đã chờ đợi ngày này từ trăm năm rồi. Nhiều tốp thanh niên nam nữ tập hát Tiến quân ca, những kế hoạch cuối cùng cho ngày mai - ngày rạng đông độc lập cứ sôi sục mãi suốt đêm thâu...”.
Ngày cách mạng!
Sáng sớm 19/8/1945, các đường phố Hà Nội đã tràn ngập cờ đỏ sao vàng! Tất cả nhà máy, công sở, chợ búa, cửa hiệu, trường học đều đóng cửa. Thậm chí cả ôtô, xe điện, xe kéo, xe đạp cũng không có chiếc nào, trên đường là từng dòng thác người với cờ, biểu ngữ, vũ khí thô sơ hay công cụ lao động rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát lớn. Dòng người vừa đi vừa hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh hoặc hát Tiến quân ca.
Ông Thái Mỹ nhớ lại: “Tổ Việt Minh chúng tôi chịu trách nhiệm dẫn một đoàn đi từ khu Năm Diệm (Giảng Võ) ra Nhà hát lớn. Dẫn đầu là hai thanh niên Lê Văn Cử và Thái Vĩnh cùng giương cao biểu ngữ. Ông Thái Mỹ thì cầm khẩu súng ngắn Chỉ huy bên cạnh. Khoảng hơn 100 thanh niên tự vệ Việt Minh đi theo cùng hàng vạn quần chúng với cờ, biểu ngữ và những tiếng hô dậy đất “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập!”...
Bà con hai bên đường gia nhập đoàn ngày một đông. Tinh thần anh em thanh niên hưng phấn tột độ. Mũi của ông Thái Mỹ phụ trách đi qua Hàng Gai - phố nhà ông ở. Và ông được hưởng niềm hạnh phúc tột cùng: Cha mẹ, bà con, hàng xóm nhà mình đứng đầy hai bên đường đã thấy ông cầm súng dẫn đầu đoàn quân cách mạng...
Ra đến Nhà hát lớn ông Nguyễn Huy Khôi bước ra đọc lời hiệu triệu toàn thể quốc dân đứng lên giành độc lập. Tiếng hô vang dậy một góc trời. Cuộc mittinh chuyển sang tuần hành thị uy, chia làm hai khối lớn. Một: Chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, bưu điện, kho bạc và Sở Cảnh sát Hàng Trống; hai: Chiếm Trại bảo an binh, Sở Liêm phóng và Nhà pha Hỏa Lò.
Tại Phủ Khâm sai, hai Đại đội Bảo an binh được lệnh chốt giữ, chĩa nòng súng vào lực lượng cách mạng. Nhưng cũng tại đây ta đã có nhiều cảm tình cài sẵn. Ta vừa biểu tình thị uy, vừa kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Viên Chỉ huy đang lúng túng lo sợ thì một số thanh niên tự vệ đã trèo hàng rào nhảy vào.
Tất cả binh lính đều bó tay qui hàng giao nộp vũ khí. Tự vệ ùa vào sân hạ cờ giặc, kéo cờ đỏ sao vàng, bắt giam một số tên cầm đầu và thu vũ khí trang bị cho tự vệ. Còn tại Trại bảo an binh thì gặp rắc rối: Ta cướp súng lính canh, phá cửa tiến vào, thu vũ khí thì lính Nhật ào đến với bốn xe tăng gắn đại liên. Chúng đòi trả lại trại và tước vũ khí của ta.
Bà Minh Tâm kể: Lực lượng nữ được tung ra, chị em nữ sinh kéo đến vây lấy xe tăng Nhật. Một mặt ta bao vây thị uy, một mặt Ủy ban cử người đến nói chuyện với Chỉ huy quân Nhật. Sự kiện này được ghi lại theo hồi ức của ông Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa, trong cuốn 19 tháng 8 cách mạng là sáng tạo như sau: “Tôi lấy chiếc xe Limousine đen của Phủ Khâm sai cắm cờ đỏ sao vàng rồi tiến thẳng xuống đường Hàng Bài, thuộc khu vực Nhật kiểm soát.
Dừng trước cổng rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám) và đòi gặp viên Chỉ huy, tôi nói với viên sĩ quan: “Trại bảo an binh thuộc quyền Phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước rồi nên đừng can thiệp vào nội bộ chúng tôi”. Viên sĩ quan không có vẻ hung hăng như trước mà chỉ nói: “Các ông phải nói chuyện với cấp trên của chúng tôi” rồi quay vào. Thế là khoảng 3-4 giờ chiều xe tăng Nhật rút lui...”.
Ông Lê Tuấn không thể nào quên ngày trọng đại đó: “Thấy bọn Nhật lê ủng quay về, quần chúng hò reo vang dậy. Họ ùa sát hàng rào sắt nắm lấy tay anh em tham gia chiếm giữ Trại lính. Một cụ già khăn xếp áo sa dài tay chống ba toong cố len đến hàng rào thò bàn tay gầy run rẩy nắm tay anh em và móm mém nói: “Hậu sinh khả úy! Việt Minh vạn tuế! Việt Minh vạn tuế!”. Các chị, các mẹ chở cơm bằng xe tay vào cho lực lượng cách mạng. Mọi người chia nhau những nắm cơm chấm muối. Những nắm cơm ngày ấy có mùi vị khác hơn bao ngày, bởi đó là những miếng cơm đầu tiên mọi người được thụ hưởng trong không khí tự do...
Năm ngày sau khi Hà Nội khởi nghĩa thành công, người dân đất kinh thành Huế cũng đã đứng lên cướp chính quyền. Trong số họ có cả những hoàng thân quốc thích, con quan đại thần, Tổng trấn… Và ngôi Trường Võ bị do Chính phủ bù nhìn thân Nhật lập nên cũng chính là “lò” cung cấp thủ lĩnh quân sự cho cách mạng…
Quang Thiện
Theo Baomoi.vn
Kim Yến (st)