Cho đến nay, hàng năm, ngày 27 tháng 7 được coi là “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”. Đạo lý tôn thờ những người chết vì nước đã được tôn vinh ngay từ những ngày đầu nước nhà độc lập.
Đầu tháng 11 năm 1945, nhân một số chiến sỹ và đồng bào bị giặc Pháp giết chết, những cuộc Lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều tôn giáo. Lễ tổ chức được kỷ niệm trang trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (ảnh 1), có sự tham dự của giới Phật tử (ảnh 2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến dự Lễ cầu siêu tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cùng cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại).
Ngày 30/4/1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc được “Hội giúp binh sỹ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sỹ ...
Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” nêu rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà ngày nay một số đã thành thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc...Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.
Thư nhấn mạnh: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp để cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh” và đưa ra một số sáng kiến thiết thực trong “Ngày Thương binh”, đồng thời “tôi xin xung phong gửi chiếc áo lót bằng lụa chị em phụ nữ gửi tặng, 1 tháng lương, 1 bữa ăn của tôi cùng 1 bữa ăn của các nhân viên Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127đồng”.
Từ năm 1948 Ngày Thương binh - Liệt sỹ được tổ chức vào ngày 27 tháng 7 và trở thành một cuộc vận động chính trị sâu rộng. Tháng 7 năm ấy, Bác viết thư gửi “Anh em thương và bệnh binh”.
Với anh em thương và bệnh binh, Bác chia sẻ: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc... Các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”.
Ngày 27/7/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Bác lại viết thư gửi Ban Tổ chức Trung ương Ngày Thương binh - Liệt sỹ trong đó có đoạn: “Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Mà cũng để trả thù cho thương binh và liệt sỹ ta”.
Ngày 27/7/1952, đúng vào Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở đồng bào nên coi việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sỹ bị thương bị bệnh, không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”...
Ngày 28/7/1954, Bác viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh biểu dương những sáng kiến và một số tấm gương trong phong trào chăm sóc các đối tượng có công cũng như những thương binh gương mẫu.
Đồng thời, thư cũng khuyên “các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần” và như thường lệ gửi một tháng lương của mình để làm quà cho thương bệnh binh.
Ngày 27/7/1956, cũng nhân “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”, Bác gửi thư không chỉ động viên toàn xã hội quan tâm mà còn “nhắc nhở anh em thương binh, bệnh binh: Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sỹ anh dũng. Khi ở Trại thì anh em nên thi đua học tập và công tác. Lúc ra Trại, thì nên hăng hái tham gia công tác sản xuất ở địa phương, ở cơ quan”.
Theo http://bee.net.vn
Thu Hiền (st)