Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam và nhân dân cách mạng Lào, đường Trường Sơn nay là đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng quả cảm, tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân hai nước.


Dương HCM Tham dam tinh doan ket V- L
Đường Trường Sơn trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

            Đây là con đường huyết mạch, căn cứ hậu cần, là cầu nối giữa các vùng chiến tuyến trong cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam cũng như cuộc cách mạng của nhân dân Lào.

            Con đường mang tên Bác 

            Tầm vóc to lớn của đường Trường Sơn không chỉ quan trọng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước trước đây, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của hai dân tộc Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau.

            Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, với âm mưu thay chân Pháp biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp quân sự ngăn chặn phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam, lập Chính phủ mới hòng chia cắt lâu dài Việt Nam.

            Để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhằm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, phối hợp chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, Đảng và chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

            Ngày 5-5-1959, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (sau gọi là Đoàn 559) được thành lập, có nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân tài, vật lực từ miền Bắc phục vụ cách mạng miền Nam cũng như cách mạng Lào và Campuchia. Con đường được khai sinh vào ngày 19-5-1959 và được mang tên đường Hồ Chí Minh từ đó.

            Ngay sau khi đường Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, biết rõ đây là tuyến vận tải chiến lược của ta, tháng 6 năm 1960, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn gồm nhiều Trung đoàn đến càn quét ở Tây Quảng Trị nhằm cắt đứt con đường vận tải này. Trước tình hình đó, đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã làm việc với đại diện Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào để cùng bàn bạc nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời chi viện lực lượng cho cách mạng hai nước. Tại cuộc gặp gỡ lịch sử này, hai bên nhất trí mở thêm đường phía Tây Trường Sơn. Đại diện của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã phát biểu: "Vận mệnh của hai nước chúng ta gắn bó mật thiết với nhau, nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em"

            Mở đầu cho những chiến thắng

            Nhờ sự ủng hộ và phối hợp đó, công việc khảo sát, mở đường qua biên giới Việt - Lào ở khu vực thềm núi Tà Cú với độ cao 700m được triển khai gấp rút. Từ tháng 4 năm 1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều hoạt động quân sự ở miền Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn từ Cam Cớt, Lắcxao cho đến Mường Phin, Sêpôn, bản Đông, nối đường 12 với đường 9, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Toàn bộ sáu mường của Lào ở Bắc và Nam đường số 9 được giải phóng, mở đầu cho những chiến thắng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước.

            Năm 1963, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục cho quân đội bao vây, đánh phá tuyến vận tải phía Đông Trường Sơn. Do vậy, tuyến vận tải phía Đông không hoạt động được. Trước tình hình đó, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào quyết định mở chiến dịch 128 giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên Trung Lào có biên giới chung với Việt Nam dài trên 700km. Thắng lợi của chiến dịch 128 đã tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào.

            Đối với chiến trường Lào, Đoàn 559 ngoài việc mở đường, bảo vệ tuyến vận tải còn có nhiệm vụ đánh địch, mở rộng hành lang, giúp bạn xây dựng cơ sở dọc tuyến hành lang của đườngvà đảm bảo cung cấp hàng hóa cho cách mạng Lào.

            Năm 1970, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào, Đông Dương thực sự trở thành một chiến trường. Trước tình thế đó, Quân đội Việt Nam đã phối hợp với Quân đội cách mạng Campuchia tấn công địch, giải phóng hoàn toàn năm tỉnh Đông Bắc Campuchia và phần lớn vùng nông thôn các tỉnh khác. Tại Lào, Liên quân Việt - Lào giải phóng tỉnh Attôpơ rồi tiến đến giải phóng Xiêm Pạng của Campuchia.

            Như vậy, đến cuối năm 1970, vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào rộng lớn được nối liền với vùng giải phóng Tây Nguyên của Việt Nam tạo nên một căn cứ địa hoàn chỉnh của cách mạng ba nước Đông Dương. Sự kiện này đã mở đầu cho thời kỳ mới trong lịch sử đường Hồ Chí Minh.

Việt Cường 
Báo Quân đội nhân dân Việt Nam

Bài viết khác: